(VOV5) - Tại Diễn đàn Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 do Bộ Công Thương tổ chức sáng 11/4, tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cuộc cách mạng 4.0) đang có những tác động lớn đến kinh tế - xã hội.
|
Ảnh minh họa: chinhphu.vn |
Việt Nam sẽ không thể dựa vào lợi thế về nhân công giá rẻ hay tài nguyên mà phải thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế để phát triển. Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, cho rằng Việt Nam phải xây dựng chiến lược số chuyển đổi phù hợp, có thể chế hiện đại, xây dựng hạ tầng kết nối số và an ninh mạng, tạo nguồn nhân lực số, xây dựng công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh.... Trong khi đó, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Chính phủ cần xây dựng các chương trình mục tiêu công nghiệp cho giai đoạn mới, trong đó nhấn mạnh đến công nghiệp nặng, công nghiệp tiêu dùng và công nghiệp hỗ trợ: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo ra những thay đổi rất lớn. Điều này đòi hỏi phải sự chuẩn bị để tránh bị “sốc” và tụt hậu so với các nước khác. Ngoài ra, cuộc cách mạng công nghiệp này đòi hỏi chúng ta phải có sự sáng tạo trong sản xuất sản phẩm, nếu không sản phẩm xuất khẩu của chúng ta sẽ bị các nước nước vượt qua dễ dàng. Ở đây rất cần một chính sách kịp thời của Chính phủ cũng như sự hưởng ứng của các doanh nghiệp”.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh. Cuộc cách mạng này sẽ làm thay đổi cách thức sản xuất, phân phối và tiêu dùng.