(VOV5) - Đây là nhận định của ông Khairussaleh Ramli, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành (CEO) Tập đoàn Maybank (Malaysia), đưa ra mới đây.
6 nền kinh tế thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bao gồm Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,2% vào năm 2023, vượt xa mức tăng trưởng dự kiến của GDP toàn cầu (2,0%). Đây là nhận định của ông Khairussaleh Ramli, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành (CEO) Tập đoàn Maybank (Malaysia), đưa ra mới đây.
Bốc xếp container hàng hóa tại Cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh).
Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN |
Dẫn dự đoán tăng trưởng của nhóm nghiên cứu thuộc tập đoàn này, ông Khairussaleh đánh giá sức mạnh của ASEAN là ở sự đa dạng, "tôn vinh sự giao thoa văn hóa trong khi điều hướng những khác biệt về hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội”.
Với tổng dân số hơn 660 triệu người và tổng GDP gần 3,66 nghìn tỷ USD vào năm 2022, ông Khairussaleh lưu ý ASEAN được xếp hạng là nền kinh tế khu vực lớn thứ 3 ở châu Á và là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN đã tăng trở lại vào năm 2021, lên 174 tỷ USD, tăng 42% so với năm 2020, phản ánh sức hấp dẫn của nền kinh tế khu vực đối với các nhà đầu tư toàn cầu.
Theo Chủ tịch Maybank, một lĩnh vực lạc quan khác đối với nền kinh tế của khu vực là số hóa, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Ông đánh giá mền kinh tế số hiện chỉ chiếm 7% GDP của ASEAN, so với 35% ở Mỹ và 16% ở Trung Quốc,do đó, ASEAN vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.