(VOV5) - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam xác định sẽ đẩy mạnh cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại
Ngày 27/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh tham dự phiên họp trực tuyến trong khuôn khổ “Hội nghị trù bị cho Hội nghị Thượng đỉnh về Hệ thống lương thực thực phẩm” của Liên hợp quốc với chủ đề “Thúc đẩy sáng tạo ở các quốc gia để chuyển đổi các Hệ thống lương thực thực phẩm”.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam xác định sẽ đẩy mạnh cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao khả năng chống chịu thích ứng, tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, tăng cường khả năng chống chịu thích ứng của nông nghiệp với biến đổi khí hậu, thị trường xuất khẩu và chuỗi giá trị toàn cầu.
Việt Nam đã có nhiều chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư hiện đại hóa nông nghiệp trên nền tảng đổi mới sáng tạo, và những thành tựu cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam tiên phong thành lập chương trình đối tác công - tư cho phát triển nông nghiệp bền vững trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu tại phiên họp trực tuyến về hệ thống lương thực thực phẩm. Ảnh: VOV
|
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Cần thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong nước và xuyên biên giới, gắn kết các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng với nhu cầu doanh nghiệp của hệ thống lương thực, thực phẩm và của cả nền kinh tế.
Việt Nam mong muốn trở thành 1 trung tâm sáng tạo về hệ thống lương thực, thực phẩm của khu vực Châu Á.
Thứ hai, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, khai thác thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 để xây dựng các chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh. Việt Nam đã đưa chuyển đổi số thành nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp và khuyến khích ứng dụng mạnh mẽ công nghiệp số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
Thứ ba, cần đẩy mạnh chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng Xanh ít phát thải và bền vững. Chú trọng sản xuất nông nghiệp sinh thái.