(VOV5) - Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 Châu Á và đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Sáng 22/2 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì diễn đàn “Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 – Thành công, bài học kinh nghiệm; Giải pháp bứt phá năm 2019”. Tham dự diễn đàn có khoảng 600 đại biệu, đại diện các bộ, ngành, địa phương; các tổ chức quốc tế và các Hiệp hội, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Thống Nhất /TTXVN |
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đạt gần 9,4 tỷ USD, giá trị xuất siêu đạt hơn 7 tỷ USD. Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 Châu Á và đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Thị trường xuất khẩu gỗ, lâm sản đã vươn đến 120 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đến nay, Việt Nam có 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản. Các doanh nghiệp đã quan tâm, nghiên cứu và đưa vào ứng dụng sản xuất và cung ứng thiết bị, máy móc, sản phẩm phụ trợ thay thế hàng nhập khẩu, nâng cao giá trị các mặt hàng. Đồng thời, ngành lâm nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, mang lại sinh kế cho trên 25 triệu hộ dân; khẳng định vị thế là ngành kinh tế xanh, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra yêu cầu ngành tiếp tục bứt phá trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Kim ngạch xuất khẩu năm 2019 phải đạt trên 11 tỷ USD và năm 2020 phấn đấu đạt 13 tỷ USD. Đặc biệt đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu đạt 20 tỷ USD và Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của thế giới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trong 10 năm tới, Việt Nam là đứng trong nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, phấn đấu đưa Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia hàng đầu về xuất khẩu gỗ và lâm sản có thương hiệu, có uy tín trên thị trường thế giới. Hiện Việt Nam mới chiếm 6% thị phần thế giới, còn lại 94% thị phần và nhu cầu đồ gỗ thế giới đến 430 tỷ USD... vậy đến năm 2030 Việt Nam sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm thị trường toàn cầu?. Việt Nam có đủ để là một trong những nước đứng hàng đầu là trung tâm về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ trên thị trường thế giới được hay không. Việt Nam sẽ chiếm 20% hay 30% hay 50% để có thể thực hiện được mục tiêu đã đề ra và làm thế nào để làm được tỷ lệ đó. Đây là câu hỏi lớn đòi hỏi một chiến lược lớn. Thị trường rất rộng lớn trong khi đất đai Việt Nam có, nhân lực có, nhà thiết kế có, ta sẽ vươn lên bao nhiêu %, đó là câu hỏi lớn đặt ra cho Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định sẽ tiếp tục lắng nghe những ý kiến góp ý, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, Hiệp hội ngành hàng để các Bộ, ngành, chính quyền... để đạt được mục tiêu đưa ngành lâm nghiệp, chế biển gỗ, lâm sản của Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và gắn với bảo vệ môi trường.