Việt Nam và EU chính thức kết thúc đàm phán FTA

(VOV5) - Việt Nam trở thành một trong những nước ASEAN đầu tiên kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do với EU, một thực thể kinh tế, chính trị đặc thù với 28 nước thành viên. 


Trong khuôn khổ chuyến thăm Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu (EU), ngày 02/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác giữa hai bên trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ, năng lượng, biến đổi khí hậu, cũng một số vấn đề quốc tế, khu vực mà 2 bên cùng quan tâm.

Việt Nam và EU chính thức kết thúc đàm phán FTA - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker (Ảnh: vov.vn)


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao về hợp tác phát triển của EU dành cho Việt Nam trong thời gian qua và việc EU tăng viện trợ cho Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020 lên 400 triệu Euro. Thủ tướng đề nghị EC hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực thể chế, quản trị công, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, môi trường, biến đổi khí hậu, tiếp tục duy trì hỗ trợ phát triển chính thức cho Việt Nam trên tất cả các kênh, song phương, đa phương và các chương trình hợp tác khu vực.


Sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker chứng kiến Lễ ký Thỏa thuận chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU). Với sự kiện này, Việt Nam trở thành một trong những nước ASEAN đầu tiên kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do với EU, một thực thể kinh tế, chính trị đặc thù với 28 nước thành viên. 


Phát biểu tại lễ ký kết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam mong muốn EU sớm chính thức ký, phê chuẩn FTA và công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam cùng thời điểm Hiệp định có hiệu lực. “Quan hệ Việt Nam với Liên minh châu Âu trong thời gian qua phát triển tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, bao gồm cả chính tri, ngoại giao, văn hóa xã hội và điểm sáng là quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại và hợp tác phát triển. Chúng tôi cũng mong muốn EU hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Đối tác và Hợp tác (PCA) vào đầu năm 2016. Để đưa quan hệ hợp tác Việt Nam và EU đi vào chiều sâu, hiệu quả, hai bên cần tăng cường tiếp xúc, tham vấn; thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực hai bên có thế mạnh bổ sung cho nhau như thông tin truyền thông, công nghệ kỹ thuật cao, năng lượng tái tạo, vật liệu mới, sản xuất hàng tiêu dùng, hàng nông hải sản, dịch vụ tài chính, đầu tư, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”.


Phát biểu sau lễ ký, hai nhà lãnh đạo khẳng định EVFTA là văn kiện pháp lý quan trọng điều chỉnh các mối quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU, tạo môi trường tự do, thông thoáng và thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ cả EU và Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng đóng vai trò cầu nối để các doanh nghiệp EU thâm nhập sâu vào thị trường ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn và nhiều tiềm năng.


Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz và Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị với Việt Nam tại Nghị viện châu Âu Jan Zahradil.


Việt Nam và EU chính thức kết thúc đàm phán FTA - ảnh 2
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (Ảnh: vov.vn)


 Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ra Tuyên bố báo chí chung về quan hệ Việt Nam – EU. Đây là lần đầu tiên Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu cùng ra tuyên bố chung với lãnh đạo Việt Nam. Trong Tuyên bố báo chí chung, các vị lãnh đạo hai bên bày tỏ hài lòng trước sự phát triển ấn tượng của quan hệ song phương, đặc biệt là việc kết thúc toàn bộ đàm phán EVFTA; nhất trí tiếp tục thúc đẩy để EU hoàn tất phê chuẩn PCA, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như y tế, giáo dục – đào tạo, cơ sở hạ tầng năng lượng, môi trường, tăng trưởng xanh.... Lãnh đạo hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc duy trì an ninh hàng hải, tự do hàng không trên Biển Đông, ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tự kiềm chế, không làm gì gây phức tạp và căng thẳng thêm tình hình; đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, giảm căng thẳng, ngăn ngừa xung đột, đặc biệt các bên cùng cam kết không theo đuổi, không có hành động quân sự hóa ở Biển Đông; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác