(VOV5) - Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng chiến lược nuôi biển, dự kiến năm 2030, có 10 triệu mét khối lồng, đạt 1,8 triệu tấn sản phẩm nuôi, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 4-6 tỷ đô la Mỹ.
Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển thành quốc gia có ngành nuôi thủy sản trên biển ở quy mô công nghiệp phát triển. Đây là những thông tin được các đại biểu chia sẻ tại Hội nghị về kinh tế đại dương xanh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Đại sứ quán Na Uy tổ chức ngày 9/10, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Lấy trọng tâm là các công nghệ và giải pháp xanh để phát triển bền vững ngành nuôi biển công nghiệp, các đại biểu tham dự Hội nghị đề cập tới mọi mắt xích trong toàn bộ chuỗi giá trị của ngành từ phối gien, sản xuất giống, quản lý sức khỏe cá nuôi, thức ăn, kỹ thuật nuôi tới xử lý cá và chế biến phụ phẩm thủy sản.
Các đại biểu Na Uy, Việt Nam thảo luận bên lề Hội nghị. -Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam |
Tại hội nghị, đại biểu có có dịp tìm hiểu tổng quan về các công nghệ xanh tiên tiến áp dụng trong ngành nuôi biển công nghiệp và chế biến thủy sản của Na Uy. Đồng thời, tham quan các mô hình nuôi biển theo công nghệ của Na Uy chuyển giao đang thực hiện tại vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết việc áp dụng các công nghệ của Na Uy sẽ góp phần giúp địa phương khắc phục tình trạng bất cập trong nuôi trồng thủy sản ven bờ hiện nay:
"Công nghệ nuôi trên bờ tuần hoàn nước cũng sẽ không xả thải ra môi trường. Công nghệ đó để áp dụng cho chúng tôi xử lý nuôi tôm hùm, tránh việc nuôi trong các đầm vịnh hiện nay, tránh xung đột với ngành nuôi thủy sản khác. Công nghệ nuôi sâu, nuôi lồng ở biển hở mà các bạn đã giới thiệu đó là điều kiện để chúng tôi đưa các loại cá ra xa bờ hơn. Sẽ bảo đảm an toàn, sạch hơn cho môi trường nước, để tránh xung đột về du lịch."
Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng chiến lược nuôi biển, dự kiến năm 2030, có 10 triệu mét khối lồng, đạt 1,8 triệu tấn sản phẩm nuôi, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 4-6 tỷ đô la Mỹ.