(VOV5) - Thời gian qua, công tác quy hoạch của Việt Nam đã bộc lộ nhiều hạn chế làm giảm hiệu quả quy hoạch phát triển kinh tế chung của đất nước. Chính vì vậy, việc xây dựng Luật Quy hoạch là yêu cầu tất yếu và là công cụ quan trọng giúp Chính phủ chỉ đạo, điều hành kinh tế xã hội trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
|
Hội thảo "Luật Quy hoạch - Hướng tới phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 25/4. Ảnh: kinhtevadubao.vn |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tính đến nay, cả nước có hơn 19.000 đề án quy hoạch từ trung ương đến địa phương nhưng chất lượng chưa cao, chưa gắn với nhu cầu sử dụng, gây lãng phí nguồn lực của đất nước, cản trở cho việc thu hút đầu tư. Luật Quy hoạch ra đời nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác quy hoạch. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường, của Quốc hội, ông Phan Xuân Dũng, cho rằng: “Đây là một luật giống như 1 cuộc cách mạng trong quy hoạch và được chuẩn bị rất kĩ, từ rất lâu. Tôi nói như vậy để thấy tính cấp thiết, cần thiết của Luật này. Thứ hai, luật này theo tôi nghĩ nó là luật khung nên chỉ mang tính chất định hướng vì thế trong phạm vi điều chỉnh chúng ta phải thể hiện đây là Luật mang tính chất định hướng, lý luận”.
Dự thảo Luật Quy hoạch với 6 chương 67 điều sẽ đồng bộ các văn bản pháp luật, pháp lệnh xuống còn 2 văn bản luật về quy hoạch là Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị. Từ đó sắp xếp, thống nhất lại hệ thống quy hoạch. Đây là những công cụ giúp nhà nước kiến tạo sự phát triển, đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế, hài hòa không gian và các nguồn lực đất nước. Luật Quy hoạch cũng sẽ khắc phục tình trạng phát triển tự phát, không đồng bộ, kém hiệu quả do bị chi phối bởi các thông tư, nghị định của bộ ngành và địa phương. Luật Quy hoạch sẽ tạo công cụ để xử lý, giải quyết các vấn đề xung đột lợi ích, xung đột mang tính liên ngành, xung đột giữa các địa phương để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Mục tiêu của Luật quy hoạch là phát triển theo hướng bền vững công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên những tồn tại, hạn chế của công tác quy hoạch xuất phát từ sự thiếu thống nhất của hệ thống pháp luật, do đó, đòi hỏi phải xây dựng một khung pháp lý vững chắc để khắc phục những tồn tại, hạn chế đó. Dự án Luật Quy hoạch được đánh giá là sự khởi đầu cho một quá trình cải cách, thay đổi tư duy cũ về quy hoạch trên cơ sở tôn trọng các quy luật, nguyên tắc của thị trường và thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế.
Ông Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình định cư con người Liên hợp quốc, Luật Quy hoạch đối với các nước đang phát triển như Việt Nam không chỉ quan tâm đến tăng trưởng mà còn chú ý đến người dân: “Chúng ta lập quy hoạch cần loại bỏ cơ chế tập trung bao cấp và phải quy hoạch theo hướng xác định chỉ tiêu. Coi trọng vai trò của công tác đánh giá, theo dõi, giám sát và từ đó điều chỉnh quy hoạch cho nó phục vụ mục tiêu phát triển. Quy hoạch của chúng ta hướng theo chỉ tiêu mà chưa chưa phải hướng theo kết quả phát triển bền vững. Chính vì vậy, có nhiều địa phương chỉ lấy mục tiêu kinh tế làm trọng, còn rất nhiều vấn đề môi trường, xã hội bị xem nhẹ”.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Luật Quy hoạch được xây dựng phải đảm bảo tính linh hoạt để tạo điều kiện cho sự vận hành của thị trường, có các quy định chính sách khuyến khích đầu tư, thuế, bảo vệ môi trường. Đồng thời, chi tiết hóa cơ chế phối hợp thực hiện quy hoạch tạo điều kiện cho sự tham gia của các bên liên quan hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường: “Chúng tôi xây dựng Luật Quy hoạch tôn trọng 3 nhiệm vụ đặt ra, thứ nhất là vai trò quản trị của nhà nước, thứ 2 là quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường và thứ 3 là mối quan tâm của cộng đồng xã hội. Đối với việc áp dụng như vậy thì nó phải tránh được phương án là nhà nước làm tất cả hoặc là phó mặc cho thị trường, mà vấn đề ở đây là nhà nước với vai trò điều tiết nền kinh tế với vai trò quốc gia thì sẽ phải hài hòa”.
Luật Quy hoạch khi đi vào thực tiễn sẽ đưa ra khái niệm và hệ thống quy hoạch cùng quy hoạch tổng thể quốc gia được lập theo phương pháp tích hợp, đa ngành, mang tính định hướng, dự báo và phát triển bền vững, tính pháp lý cao của quy hoạch tổng thể quốc gia. Đây được coi là bước cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và là cầu nối giữa chiến lược với kế hoạch phát triển đất nước trong những năm tiếp theo. Việc đưa Luật Quy hoạch vào thực tế cuộc sống sẽ khẳng định được là vai trò, công cụ hữu hiệu của Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế, xã hội trong điều kiện của nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.