(VOV5) -Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đường Hồ Chí Minh trên biển bảo đảm chi viện từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của dân tộc.
Để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng với tuyến đường Hồ Chí Minh trên bộ, ngày 23-10-1961, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đoàn vận tải quân sự 759, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến vận tải chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường vận tải bí mật, bất ngờ, có ưu thế về thời gian, hiệu quả và khả năng vận chuyển sâu vào các chiến trường miền Nam-sự sáng tạo độc đáo, đặc sắc, thể hiện tầm nhìn chiến lược, tài thao lược của Đảng và Bác Hồ. Đây là nét đặc sắc trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng, kế thừa và phát huy truyền thống đánh giặc của ông cha ta trong thời đại Hồ Chí Minh.
|
Khu di tích K15 (Đồ Sơn, Hải Phòng)-nơi những đoàn tàu không số xuất phát chở vũ khí vào chiến trường miền Nam. Ảnh tư liệu |
Đầu tiên vào tháng 7-1959, Bộ Quốc phòng thành lập Tiểu đoàn vận tải thủy 603, dưới tên bí mật là “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh” có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, hàng hóa và con người chi viện cho miền Nam. Trên nền tảng đó, đến ngày 23-10-1961 Quân ủy Trung ương – Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn vận tải biển 759, chính thức khai thông tuyến chi viện bằng đường biển.
Đêm 11-10-1962 tại Đồ Sơn, chiếc tàu gỗ mang tên “Phương Đông 1”, thủy thủ nòng cốt là những chiến sĩ vượt tuyến ở miền Nam ra, chở 30 tấn vũ khí lên đường vào Nam.
Trước khi xuất phát, nhiều nhà lãnh đạo Đảng đã đến bến cảng Đồ Sơn động viên cán bộ, chiến sĩ. Đồng chí Phạm Hùng (nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) nói: “Các đồng chí là những người đầu tiên mở ra con đường biển Bắc – Nam này. Nó cũng giống như trên Trường Sơn kia, các đồng chí là những người tiên phong đi khai sơn phá thạch”.
Di tích bến K15 tại Đồ Sơn (Hải Phòng), nơi xuất phát những con tàu không số chi viện chiến trường miền Nam |
Sau 5 ngày vượt biển Đông, tàu đến Cà Mau an toàn, con đường vận tải chiến lược trên biển Đông chính thức ra đời, trở thành mũi thọc sâu, vu hồi lợi hại để chi viện những địa bàn ven biển trọng yếu, mà tuyến vận tải chiến lược 559 trên bộ chưa thể vươn tới được.
Sau chuyến đi thành công đó, với phương châm hoạt động bí mật, bất ngờ, sử dụng các loại tàu cỡ nhỏ, ngụy trang giống tàu đánh cá, tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển tiếp tục hành trình huyền thoại. Từ tháng 8-1963, Đoàn 759 được điều chỉnh phát triển thành Lữ đoàn 125 Hải quân.
Trong suốt quá trình tồn tại (23/10/1961-23/10/2021), đường Hồ Chí Minh trên biển đã thực hiện 2.000 lượt tàu thuyền, vận chuyển gần 160 nghìn tấn vũ khí, cập 19 bến bãi thuộc địa bàn 9 tỉnh miền Nam và cả trên đất Campuchia. Để có được những chiến tích đặc biệt, chúng ta cũng bị tổn thất không hề nhỏ, nhiều chiến sỹ đã vĩnh viễn nằm xuống trong cuộc trường chinh vĩ đại, để có ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.
Bản đồ mô tả hành trình của những chuyến tàu chi viện bằng đường Hồ Chí Minh trên biển (Ảnh tư liệu) |
Theo Đại tá Chu Văn Lộc, Viện Chiến lược Quốc phòng (Bộ Quốc phòng), "cùng với vận tải hàng quân sự, Đường Hồ Chí Minh trên biển còn đảm đương một sứ mệnh vô cùng quan trọng, đó là đưa đón 80.026 lượt cán bộ, chiến sỹ, trong đó có hàng trăm cán bộ trung, cao cấp của Đảng, quân đội từ miền Bắc vào miền Nam và từ miền Nam ra miền Bắc, kịp thời bổ sung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Chiến công và thành tích đó đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của toàn dân tộc".
"Huyền thoại về con đường vận tải biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn vẹn nguyên với thời gian, mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một thiên anh hùng ca bất tử. Trong giai đoạn cách mạng mới, sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến đổi to lớn và sâu sắc, vừa thuận lợi, vừa có những thách thức mới. Xu thế toàn cầu hóa đang tác động toàn diện trên bình diện quốc tế, đồng thời đặt ra yêu cầu khách quan cho mỗi quốc gia. Phát phát huy giá trị của Đường Hồ Chí Minh trên biển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn quân, toàn dân sẽ sẽ kế tục, phát huy, hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới", Đại tá, TS BÙI QUANG HUY - Khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Sĩ quan Chính trị khẳng định./.
(VOV5) - Đường Hồ Chí Minh trên biển-Kỳ tích lịch sử và bài học đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.