“Với vị trí địa lý thuận lợi, Maroc hiện đang là điểm sáng trong xuất khẩu hàng Việt Nam sang khu vực châu Phi”. Đây là nhận định của Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Maroc Đặng Thị Thu Hà. Đại sứ cũng nhấn mạnh trong tương lai, Việt Nam – Maroc vẫn còn nhiều tiềm năng cho hợp tác song phương.
Cầu nối giữa Việt Nam và châu Phi.
PV: Thưa Đại sứ, đâu là những điểm nhấn quan trọng trong mối quan hệ Việt Nam – Maroc suốt 60 năm qua?
Đại sứ Đặng Thị Thu Hà: Trước hết, nói đến quan hệ Việt Nam - Maroc, không thể không nhắc đến sự gắn kết lịch sử đặc biệt giữa hai quốc gia, hai dân tộc. Hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 27/3/1961, tuy nhiên sự gắn kết giữa hai nước đã bắt nguồn từ rất sớm trước đó. Vào những năm 1945-1954, thực dân Pháp, lúc đó đang đô hộ Maroc, đã đưa nhiều thanh niên Maroc và một số nước Bắc Phi sang tham gia chiến tranh ở Việt Nam. Tuy nhiên, với sự đồng cảm của một dân tộc bị áp bức, lòng yêu chuộng hòa bình, không ít người lính Maroc đã rời bỏ hàng ngũ để gia nhập quân đội Việt Minh, sát cánh cùng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân, cùng lao động sản xuất rồi kết hôn với những phụ nữ Việt Nam.
Đến những năm 1970, được sự đồng ý của Chính phủ 2 nước, những gia đình Việt Nam-Maroc đã trở về quê nội ở Maroc. Những gia đình hữu nghị đó nay đã đến thế hệ thứ ba, thứ tư và hình thành một cộng đồng người Việt Nam tại Maroc cần cù chịu khó và khá thành đạt, được người dân bản địa yêu mến, trân trọng. Ở Maroc hiện có một ngôi làng Việt Nam với nguyên vẹn những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt.
Thứ hai, dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước trong 60 năm qua phải kể đến chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải tới Maroc năm 2004 và chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Maroc Abbas El Fassi năm 2008, từ đó mở ra nhiều trao đổi, hiệp định, thỏa thuận và các hoạt động hợp tác giữa hai nước sau này. Tiếp đó là chuyến thăm Việt Nam tháng 12/2017 của Chủ tịch Hạ viện Maroc Habib El Malki và chuyến thăm Maroc tháng 3/2019 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân không chỉ tạo bước đột phá trong quan hệ giữa hai Cơ quan lập pháp của hai nước mà còn thúc đẩy hợp tác song phương hiệu quả, thực chất trên nhiều lĩnh vực. Maroc là quốc gia châu Phi duy nhất Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội. Năm 2020, tại Đại hội đồng Liên nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA) lần thứ 41 do Việt Nam chủ trì, Hạ viện Maroc đã trở thành nghị viện châu Phi đầu tiên được công nhận tư cách quan sát viên của AIPA.
Thứ ba, sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành cùng với việc phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương giữa hai nước như Ủy ban hỗn hợp (4 kỳ), Tham vấn chính trị (5 kỳ) đã và đang tạo tiền đề quan trọng để tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại. Hai nước đã ký kết nhiều Hiệp định, Thỏa thuận quan trọng tạo khung pháp lý cho các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại như Hiệp định Thương mại, Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần…. Đây là cơ sở vững chắc để hai bên tiếp tục thúc đẩy các hoạt động giao thương và xa hơn là các hoạt động đầu tư vì lợi ích của doanh nghiệp của cả hai phía.
Kim ngạch hai chiều Việt Nam – Maroc tuy về giá trị tuyệt đối chưa cao nhưng tăng trưởng tốt với mức bình quân khoảng 12-13%/năm. Nếu như năm 2013, kim ngạch hai chiều Việt Nam- Maroc chỉ đạt 108,6 triệu USD, thì năm 2019 con số này đạt xấp xỉ 220 triệu USD, tăng hơn 100% sau 76 năm. Cơ cấu các mặt hàng ngày càng đa dạng. Do dịch bệnh Covid-19, kim ngạch hai chiều năm 2020 bị suy giảm đáng kể. Tuy nhiên, hai bên vẫn tích cực phối hợp, tìm ra những giải pháp, cách làm sáng tạo nhằm thúc đẩy hợp tác trong tình hình mới. Nhiều hội thảo, tọa đàm trực tuyến nhằm xúc tiến thương mại, giới thiệu thị trường được tổ chức cho doanh nghiệp hai bên. Cũng trong năm qua Thương vụ Đại sứ quán đã xuất bản cuốn sách là Cẩm nang thị trường Maroc để cung cấp thông tin về thị trường cho doanh nghiệp. Bản mềm cuốn sách được đăng tải trên trang website và trang Facebook của Đại sứ quán, các doanh nghiệp quan tâm có thể vào đọc.
PV: Như Đại sứ vừa thông tin, khoảng cách địa lý và dịch bệnh COVID19 vẫn là rào cản đặt ra đối với 2 nước hiện nay. Trong thời gian dịch bệnh Covid-19, Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc đã có những biện pháp hỗ trợ công đồng người Việt như thế nào?
Đại sứ Đặng Thị Thu Hà: Vâng cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, từ tháng 3/2020 Maroc đã phải đối mặt với đại dịch Covid-19, số ca nhiễm khi cao điểm lên tới gần 6.000 người/ngày. Ngay từ khi dịch bệnh xuất hiện tại địa bàn, Đại sứ quán đã đặt công tác bảo hộ công dân lên ưu tiên hàng đầu, triển khai ngay các công việc như: hỗ trợ những công dân đi du lịch bị kẹt ra khỏi Maroc trước khi đóng cửa biên giới, cập nhật thông tin liên tục lên Facebook, trực tiếp liên hệ với các nhóm công dân để hỗ trợ, phát khẩu trang cho bà con...
Ngoài Maroc, Đại sứ quán còn kiêm nhiệm Bờ Biển Ngà và 6 nước châu Phi khác. Dịch bệnh Covid-19 đã làm cho nhiều công dân ta ở các nước này, trong đó chủ yếu là lao động hợp đồng bị mất việc làm, không có nhà ở, hết hạn visa… mà không thể về nước khi các chuyến bay thương mại bị tạm dừng. Trước tình hình đó, Đại sứ quán đã phối hợp với Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, kiến nghị hướng giải cứu công dân ta một cách hiệu quả nhất và từ đó đến đã hỗ trợ được bà con ở các nước trên về Việt Nam trên 13 chuyến bay qua đường Paris.
Cũng phải nói thêm là do đặc thù địa bàn, để một công dân về được Việt Nam, chúng tôi phải trực tiếp hỗ trợ rất nhiều, có khi từ cả khâu mua vé, xét nghiệm, xin phép quá cảnh… cho đến các thủ tục ở sân bay. Có những trường hợp Đại sứ quán phải cử xe và cán bộ đi mấy trăm km để trực tiếp đón công dân do thành phố nơi công dân sinh sống bị phong tỏa…
Và trong điều kiện đi lại khó khăn như hiện nay, Đại sứ quán sẽ không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo hộ công dân ở các nước kiêm nhiệm nếu không có vai trò rất tích cực của một số anh chị nòng cốt của cộng đồng người Việt ở các nước, đặc biệt là Lãnh sự danh dự ta tại Bờ Biển Ngà, chị Nguyễn Lệ Uyên Phương, là những người giúp Đại sứ quán trực tiếp hỗ trợ công dân ta tại các nước này.
Thị trường tiềm năng của hàng hóa Việt Nam
PV: Thưa Đại sứ, như bà nhấn mạnh: hợp tác kinh tế thương mại là một trong những điểm nhấn trong quan hệ hai nước Việt Nam- Maroc thời gian qua. Theo Đại sứ, thị trường Maroc có những đặc điểm nào thu hút nhà đầu tư Việt Nam, và những mặt hàng nào của Việt Nam có thể xuất khẩu sang thị trường này? Hai nước đã tận dụng những lợi thế của nhau như thế nào?
Đại sứ Đặng Thị Thu Hà: Vâng như ở trên tôi đã đề cập, những năm gần đây trao đổi thương mại giữa hai nước tăng đều, đặc biệt xuất khẩu của Việt Nam sang Maroc duy trì đà tăng trưởng khoảng 13-14%/năm và Maroc hiện là điểm sáng trong xuất khẩu hàng Việt Nam sang châu Phi và ngày càng được doanh nghiệp Việt Nam quan tâm. Năm 2020 mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng Maroc đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ năm của Việt Nam ở châu Phi với kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 197 triệu USD.
Những kết quả trên là tích cực tuy nhiên tôi cho rằng vẫn chưa xứng với tiềm năng, Maroc thực sự vẫn còn rất nhiều dư địa để doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác thời gian tới. Là một quốc gia có nền an ninh chính trị và xã hội ổn định, với vị trí địa lý thuận lợi, là điểm trung chuyển giữa châu Âu, châu Phi, Trung Đông và các quốc gia bên bờ Địa Trung Hải, Maroc có thể trở thành cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam tiếp cận với thị trường các nước châu Phi, đặc biệt là từ sau khi Hiệp định Thương mại tự do châu Phi được ký kết và có hiệu lực (1/1/2021) với 54/55 quốc gia châu Phi tham gia.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam và Maroc mang tính chất bổ sung cho nhau, rất thuận lợi cho cho phát triển thương mại xuất nhập khẩu. Thị hiếu và nhu cầu tiêu dùng của người dân ở đây khá phù hợp với chất lượng và giá cả của hàng Việt Nam. Đây chính là những cơ sở về tiềm năng thị trường mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể nghiên cứu khai thác.
Có thể nói thị trường Maroc có tiềm năng cho tất cả các mặt hàng của Việt Nam căn cứ trên giá cả và chất lượng, trong đó có các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, nông sản, nông sản chế biến ....
Maroc có tiềm năng cho đầu tư do có môi trường đầu tư được đánh giá là cởi mở. Có thể do khoảng cách địa lý xa xôi và chưa có nhiều thông tin về môi trường đầu tư tại Maroc nên thời gian qua các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu quan tâm đến khía cạnh thương mại là chủ yếu,tuy nhiên tôi cho rằng về dài hạn thúc đẩy đầu tư sản xuất cũng là hướng đi mà doanh nghiệp và các nhà đầu tư Việt Nam có thể xem xét thúc đẩy. Các lĩnh vực nhà đầu tư Việt Nam có thể khai thác nhờ vào thế mạnh sẵn có và phù hợp với chính sách thu hút của phía bạn như: hợp tác trong lĩnh vực nông thủy sản, đầu tư sản xuất hàng tiêu dùng, hợp tác sản xuất phân bón các loại. Du lịch cũng là một lĩnh vực tiềm năng bởi Maroc có nhiều phong cảnh đẹp, đặc biệt du lịch sa mạc đang được rất nhiều khách nước ngoài ưa thích.
PV: Nhân kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Maroc, dịp này Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc sẽ triển khai các hoạt động nào để người dân Việt Nam và Maroc thêm hiểu nhau và gắn kết?
Đại sứ Đặng Thị Thu Hà: Vâng năm nay hai nước kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (27/3/1961-27/3/2021) trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và cả thế giới vẫn đang phải nỗ lực nhằm hạn chế, tiến tới đẩy lùi đại dịch này.
Tuy vậy, hai bên đã thống nhất tổ chức nhiều hoạt động, trong đó phần lớn sẽ diễn ra trong nửa cuối năm khi tình hình dịch bệnh tại cả hai nước đã được kiểm soát tốt hơn.
Bên cạnh việc trao đổi điện mừng giữa Lãnh đạo hai nước theo thông lệ, hai bên sẽ tổ chức họp Ủy ban hỗn hợp lần 5 và Tham vấn chính trị lần thứ 6, họp Tiểu ban Hợp tác công nghiệp và thương mại lần thứ nhất.
Tại Maroc, Đại sứ quán sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan của bạn tổ chức một số hoạt động như: lễ mít tinh kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Maroc, triển lãm ảnh ngoài trời nhằm quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam; triển lãm ảnh về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khai trương Không gian Hồ Chí Minh tại Đại sứ quán… Chúng tôi cũng dự kiến tổ chức Ngày Việt Nam và một số hoạt động văn hóa nữa nếu tình hình dịch bệnh tại địa bàn cho phép.
Bên cạnh đó, kỷ niệm 60 năm quan hệ cũng là dịp để các địa phương, các bộ ngành thúc đẩy hợp tác. Dự kiến trong năm nay hai bên cũng sẽ tổ chức một số cuộc điện đàm trực tuyến giữa lãnh đạo các địa phương của hai nước, ký kết một số thỏa thuận hợp tác…/.