Anh gửi cho em một chút Sài Gòn

(VOV5) -Tác phẩm "Sài Gòn!Em thương Anh!" ra đời trong một dịp đặc biệt: Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh trong những tháng ngày bị dịch bệnh SARS-CoV-2 tàn phá.

 Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh không phải là quê hương chôn nhau cắt rốn của nhiều người dân Việt Nam, nhưng trong tâm thức của rất nhiều trong số đó, thành phố ấy còn hơn cả quê hương. Bởi lẽ Sài Gòn là nơi mà nhiều người đã trải qua những ngày tháng thanh xuân trên giảng đường đại học, nơi có công việc đầu tiên, mối tình đầu tiên, buồn vui với những thất bại và thành công trong ngày đầu gây dựng sự nghiệp.

Sài Gòn là nơi người ta trưởng thành, là nơi người ta đi kiếm tìm hạnh phúc, là nơi người ta đã già đi cùng với những người thân yêu… Và dù quê quán xứ sở có ở nơi nào đi nữa, khi đã sống ở đây, đã hòa nhập với mảnh đất này, người ta đều có quyền tự hào nói với tâm tình yêu thương rằng: Tôi là công dân Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh.

Tôi cũng là một người như thế, một công dân Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh, và tôi đang cầm trên tay tác phẩm “Sài Gòn! Em thương Anh!”- Nhà xuất bản Đồng Nai, tháng 12/2021, của một công dân Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh khác: Nhà văn - nhà báo Hoài Hương. Tác phẩm ra đời trong một dịp đặc biệt, một giai đoạn không thể nào quên trong suốt hơn 300 năm tuổi của Sài Gòn: Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh trong những tháng ngày bị dịch Covid-19 tàn phá.

Anh gửi cho em một chút Sài Gòn - ảnh 1Tác phẩm "Sài Gòn! Em thương Anh!

Tôi là người đã trải qua, đã chứng kiến tận mắt, tận tai những ngày tháng Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh chao đảo trong dịch bệnh mà vẫn vững vàng, tôi thấu hiểu và đồng cảm với những dòng chữ mang nặng tâm tư mà vẫn tha thiết yêu thương của nhà văn Hoài Hương. Nhà văn, nếu không phản ánh được thời đại mà mình đang sống, không nói lên được những cảnh đời đang diễn ra trước mắt, thì liệu nhà văn ấy có xứng với trách nhiệm của một công dân dùng văn chương làm nguồn sống và lẽ sống?

Thế nên, dưới góc độ là một nhà văn, tập tản văn “Sài Gòn! Em thương Anh!” của nhà văn Hoài Hương chính là tiếng nói có trách nhiệm, tiếng nói thể hiện nỗi lòng, tình cảm của một người cầm bút dấn thân vào hiện thực cuộc sống, đau với nỗi đau chung của cộng đồng, vui với niềm vui chung của người dân Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh trong những thời khắc khó khăn mà vẫn vững lòng và tỏa sáng.

Anh gửi cho em một chút Sài Gòn - ảnh 2

“Sài Gòn! Em thương Anh!” có gì? Có một Sài Gòn hoa tình chẳng kém gì “Hà Nội hoa tình” cũng là tên một tập tản văn khác của nhà văn Hoài Hương. Đó là hoa kèn hồng vẫn nở rộ vào những ngày hè tháng sáu, khi Sài Gòn bước vào đợt giãn cách lần thứ hai (Kèn hồng hóa Sài Gòn thành nàng thơ), là cánh hoa dầu vẫn “xoay tít bay bay. Nhớ ngày xưa bên nhau từng ngày” như lời một bài hát (thơ Diệp Minh Tuyền - nhạc Giáp Văn Thạch).

Trong mùa dịch bệnh, vẫn có những trái tim lãng mạn hướng về nhau bởi lẽ tình yêu luôn mạnh mẽ hơn bất kỳ điều gì trên cõi đời này, kể cả đau khổ, tuyệt vọng hay cái chết… “Năm nay, Sài Gòn gặp “nàng” Covid-19, em không vào được, nhưng vẫn nhắn anh làm sao cho em được ngắm hoa dầu Sài Gòn, làm sao cho em được nhìn cảnh mưa hoa như thêu những nốt nhạc trong khoảng không mịn màng những hạt nắng vàng mơ màng…

Và anh đã livestream tặng em Hà Nội cảnh hoa dầu bay trong một chiều nắng hanh heo cuối tuần ngọt ngào mà man mác buồn trước cửa Bưu điện thành phố.” (Sài Gòn mùa hoa dầu thả nhạc trời xanh).

Có phải chính vì tinh thần lạc quan, vì sức sống bền bỉ, mạnh mẽ và rực rỡ của thiên nhiên, của con người Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh, nên trong dịch bệnh, vẫn là thành phố của những thiên anh hùng ca, dù rằng những thiên anh hùng ca có khi giản dị, chân chất đến nao lòng.

Anh gửi cho em một chút Sài Gòn - ảnh 3Nhà văn Hoài Hương. Ảnh: Đức Anh/VOV5

Khác với nhiều nhà văn cũng cầm bút viết về dịch bệnh ở Sài Gòn, nhà văn Hoài Hương không chọn lối viết mang phong cách bút ký, ký sự hay trần thuật, miêu tả chi tiết hiện thực khắc nghiệt của những tháng ngày qua. Rồi sẽ chẳng ai còn nhớ kỹ các con số thống kê lạnh lùng, rồi người ta sẽ cố quên những đớn đau, mất mát để hướng đến tương lai, bởi vì bản năng sống của con người luôn vươn về phía ánh sáng mặt trời, chứ không chìm đắm trong bóng tối của bi lụy. Vậy nên, ngay từ cách đặt tựa đề cho những tản văn đến từng dòng chữ trong tác phẩm, tác giả Hoài Hương đều chăm chút từng câu, từng lời.

Khi mà dịch bệnh buộc tất cả chúng ta phải khuất mặt trong chiếc khẩu trang, nhà văn đã có những dòng chữ viết ấm lòng: “Khi nhìn vào những đôi mắt của các y bác sĩ, mà trong tôi từ lâu đã mặc định, đó là những đôi mắt đẹp, ấm áp, thân thiện, chan chứa những yêu thương, cảm thấy cả một trời yên ả, cảm thấy như được ve vuốt vỗ về: “Rồi sẽ ổn thôi”, cảm thấy như một khích lệ động viên “Gắng lên!”.

Và trong lúc này đây, khi “nàng” Covid-19 đang làm mình làm mẩy dọc ngang cả tứ hải bát hoang trên quả địa cầu, khi mà các “nhà giàu cũng khóc” vì “nàng” ấy, thì những đôi mắt “lương y như từ mẫu” đó, càng trở nên một nơi để bám víu, để nương tựa, để tin tưởng, để hy vọng.” (Những đôi mắt trần gian và “nàng” Covid - 19).

Anh gửi cho em một chút Sài Gòn - ảnh 4

Với sự chăm chút từng câu chữ ấy, một chân dung Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh mùa dịch bệnh đã hiện ra với những nét chấm phá sắc màu. Đó là Sài Gòn của một chữ “thương” với những hoạt động từ thiện nhường cơm sẻ áo, trợ giúp y tế… giúp đỡ nhau mùa dịch bệnh của rất nhiều con người (Chữ “thương” của thành phố mang tên Bác; Sài Gòn mùa “thương; Sài Gòn mưa tình người như nước tràn đầy thương yêu).

Đó là Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh trong những ngày tháng đón những đoàn quân áo màu xanh lính từ mọi miền đất nước về chi viện (Màu xanh niềm tin màu xanh yêu thương). Đó là thành phố vẫn xứng danh là “Thành đồng của Tổ quốc” như những năm tháng chiến tranh đã xa, với niềm tin và quyết tâm của tác giả, cũng là niềm tin và quyết tâm của mỗi công dân Sài Gòn.

“Mới 12 giờ đồng hồ của đêm đầu tiên “giới nghiêm” toàn thành phố, nhưng như trài qua mấy lần 12 năm, trong nhiều bộn bề suy tư, trăn trở. Mình cần sống có trách nhiệm, có nghĩa vụ với thành phố này. Để khi dịch bệnh đi qua, và chắc chắn sẽ qua, biết trân trọng, yêu thương hơn những gì đang bị phai nhạt, thiếu vắng, bị hủy hoại hôm nay. Để sống đàng hoàng, tử tế hơn với người thân, bè bạn, thiên nhiên và môi trường… Để có thể ngẩng cao đầu làm công dân của Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh” (Sài Gòn trong 12 giờ đầu tiên “giới nghiêm”).

Vâng, khi mà hàng ngày, hàng giờ, những công dân Sài Gòn bị bủa vây trong làn sóng những tin tức xấu, những mất mát, tổn thất từ vật chất đến tinh thần trong mùa dịch bệnh, thì chúng ta rất cần những lời động viên để giữ vững một tinh thần lạc quan, một trái tim nhân ái, vượt lên trên thử thách có lẽ là đặc biệt nhất kể từ ngày Sài Gòn được thành lập.

Trong những ngày tháng gian nan và khó khăn này, những công dân Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh vẫn vững lòng với công việc và dịch bệnh chỉ làm cho cảm hứng sáng tạo của họ thêm dày dặn, thêm đa dạng. Những họa sĩ vẫn vẽ tranh, những nhà văn vẫn sáng tác (Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi; Thong thả ngắm tranh sống trong lạc cảnh). 

Và nhịp đời vẫn hối hả trôi qua với mùa Trung thu đặc biệt nhất từ trước đến giờ, với mùa trăng thi vị, với mùa mưa lãng mạn (Trăng Trung thu vẫn tỏa sáng ấm áp; Mưa chiều sông Sài Gòn và trăng hạ ngươn; Mưa Sài Gòn không đầu nguồn cuối ngọn). Trải qua những tháng ngày bạo bệnh, Sài Gòn - TPHCM đã thật sự hồi sinh, đã trở lại hào hoa, tráng lệ như ngày nào.

Chúng ta đều biết sứ mệnh của một nhà văn chân chính là không chỉ nói lên tâm tư, tình cảm của bản thân mà còn có trách nhiệm phản ánh lại chân thực thời đại mà nhà văn ấy đang sống, ghi chép lại những điều mà nhà văn cảm nhận khi sống với “những người cùng thời”. Chúng ta sống và chịu đựng đại dịch Covid-19, đó là một bất hạnh nhưng đồng thời cũng là một trải nghiệm nhân sinh mà không phải thế hệ nào cũng có được.

Tất nhiên, nếu chúng ta không phải là nhà văn, chúng ta không viết ra được những dòng chữ để biểu lộ tâm tư, tình cảm của mình, nhưng chúng ta vẫn có thể tư duy và cảm nghĩ. Tôi tin rằng khi đối mặt với dịch bệnh, bất cứ ai trong số chúng ta đều có những suy tư của riêng mình. Nếu tôi là người dân thường, chắc chắn những suy tư của tôi sẽ xoay quanh vấn đề công việc, với những nỗi lo cơm áo gạo tiền, với chuyện gia đình, người thân, nhưng giả sử nếu tôi là một nhà văn, thì tôi sẽ nghĩ về những điều gì đang xảy ra với thế giới này, với mảnh đất Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh yêu thương của tôi?

Nhà văn Hoài Hương đã trả lời giúp tôi câu hỏi này: “Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh vừa trải qua một cơn bạo bệnh chưa từng có kể từ khi lập phố hơn 3 thế kỷ nay, kéo dài suốt 4 tháng, là 123 ngày, là 2.952 giờ. Những mạnh mẽ vốn có đã có lúc hụt hơi, những phú quý rực rỡ bao đời đã có chút hao hụt, những gồng gánh cưu mang trải dọc chiếu dài đất nước đã có chút hanh hao. Phảng phất những ánh mắt mênh mang hiu hắt buồn. Thảng thốt những cuộc chia ly đắng đót xa mãi mãi… Bỗng dưng cay mắt, bỗng dưng lạc một nhịp thở…” (Thong thả ngắm tranh sống trong lạc cảnh).

Nhưng tôi cũng nghĩ rằng tôi cũng như những công dân Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh khác, đã và đang trải qua những tháng ngày đặc biệt: Những ngày lạ mà quen, những ngày đất nước tôi và thành phố Sài Gòn nơi tôi đang sống oằn mình trong dịch bệnh. Nhưng rồi cũng giống như cây tre, cây trúc, có uốn cong mình thì vẫn vươn dậy đứng thẳng, cho dù có buồn bã, mất mát, đau thương.

Anh gửi cho em một chút Sài Gòn - ảnh 5

Tập tản văn “Sài Gòn! Em thương Anh!” của tác giả Hoài Hương không phải là một cuốn “Nhật ký phong thành”, vì nó không chỉ kể về những tháng ngày Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh cách ly xã hội, trải qua dịch bệnh, mà còn nói về những suy tư, trăn trở về thời đại của chúng ta, có phải chăng là thời đại như mượn tên một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Áo Stefan Zweig là “Những giờ rực sáng của nhân loại”, bởi vì tôi tin rằng dù có đại dịch, cuộc đời của chúng ta – những công dân Sài Gòn -  TP Hồ Chí Minh vẫn có thể tỏa sáng.

Và tôi cũng tin rằng với tác phẩm “Sài Gòn! Em thương Anh”, với những dòng chữ trau chuốt, tinh tế, lấp lánh ánh sáng của tình yêu thương và trí tuệ, nhà văn Hoài Hương lại thêm một lần tỏa sáng./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác