Áo dài Việt Nam- Giá trị được khẳng định và phát huy

(VOV5) - Từ lâu, áo dài đã là biểu tượng văn hóa gắn với đời sống người dân, đặc biệt là người con gái Việt Nam. Giờ đây, giá trị của chiếc áo dài ngày càng được khẳng định và phát huy, không chỉ trong nước mà còn đối với rất nhiều bạn bè quốc tế.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, áo dài truyền thống Việt Nam với các thiết kế, mầu sắc đa dạng và phong phú đã xuất hiện khắp năm châu trong các cuộc thi sắc đẹp, sự kiện chính trị, văn hóa nghệ thuật; góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. 
Áo dài Việt Nam- Giá trị được khẳng định và phát huy - ảnh 1
Áo dài từ lâu đã hiện hữu và gắn liên với đời sống, văn hóa của người Việt Nam.
Cuối tuần qua, Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long vừa phối hợp với Tạp chí Tinh hoa đất Việt tổ chức chương trình văn hóa, nghệ thuật “Áo dài của chúng ta” tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Chương trình giới thiệu hơn 600 mẫu áo dài khai thác những nét đẹp văn hóa đặc trưng của nhiều quốc gia trên những chất liệu truyền thống, thân thiện với môi trường của Việt Nam, như: Tơ, lụa, đũi, gai... 
Áo dài Việt Nam- Giá trị được khẳng định và phát huy - ảnh 2
Màn trình diễn áo dài trong chương trình văn hóa, nghệ thuật "Áo dài của chúng ta".
Đến dự chương trình với tư cách là người mẫu trình diễn trang phục, Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang, một trong những “biểu tượng” của điện ảnh cách mạng Việt Nam cho biết, bà rất xúc động khi được góp phần vào việc tôn vinh, quảng bá trang phục áo dài truyền thống Việt Nam đến nhân dân và bạn bè quốc tế.
Nghệ sĩ Trà Giang cũng chia sẻ về niềm vinh dự khi mặc chiếc áo dài tham dự các sự kiện lớn tại các nước khác.
Tham gia chương trình là 15 nhà thiết kế, hơn 400 người mẫu, trong đó có nhiều khách mời đặc biệt là phu nhân đại sứ các nước: Italia, Ấn Độ, Lào… tại Việt Nam. Các khách mời nước ngoài đều bày tỏ niềm yêu thích đặc biệt với tà áo dài Việt Nam:

Thời gian qua,  nhiều chương trình, sự kiện đã được tổ chức ở Hà Nội cũng như nhiều nơi trên cả nước, như: Chuỗi hoạt động, gồm: Triển lãm, trình diễn, hội thảo, tọa đàm… về trang phục áo dài trong dòng chảy văn hóa Việt Nam cũng được tổ chức tại nhiều điểm di tích lịch sử, không gian giao lưu văn hóa của khu phố cổ Hà Nội vào giữa tháng 1-2021; Lễ hội áo dài; chương trình “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam”; Tuần lễ áo dài Việt Nam trên toàn quốc từ ngày 1-3 đến 8-3-2021… Nhiều hoạt động được tổ chức theo dạng “mở”, khai thác tối đa khả năng tương tác với công chúng, nhằm lan tỏa giá trị của áo dài trong đời sống xã hội, góp phần khẳng định, tôn vinh giá trị, vẻ đẹp của áo dài Việt Nam.

Áo dài Việt Nam- Giá trị được khẳng định và phát huy - ảnh 3
Nữ nhiếp ảnh gia Nga Vera Mazhirina tại triển lãm cá nhân mang tên "Việt Nam - du lịch qua những tấm ảnh" diễn ra tại Moskva, tháng 7/2020. Ảnh: Trần Hiếu - TTXVN

Đối với những khán giả nước ngoài, không được trực tiếp tham dự các sự kiện, thì hình ảnh, tin tức liên quan cũng thu hút được rất nhiều sự chú ý. Chị Vera Mazhirina - nữ phóng viên chuyên trách Quốc hội Liên bang Nga, thành viên của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nga, khi theo dõi sự kiện Tuần lễ Áo dài Việt Nam 2021 qua tin tức báo chí đã nhận xét: "sự kiện đã thu hút sự quan tâm chú ý của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những người bạn Nga từng gắn bó với Việt Nam, giúp họ có cơ hội được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tà áo dài Việt. Áo dài là hiện thân của nữ tính, dịu dàng và sức mạnh của tính cách người phụ nữ Việt Nam và nó luôn gây ấn tượng mạnh đối với mỗi người dân Nga."
Nghệ sĩ nhân dân Minh Hòa chia sẻ cảm nhận của mình về những chiếc áo dài.
Áo dài Việt Nam- Giá trị được khẳng định và phát huy - ảnh 4
Với những người có dịp đến với Việt Nam, đặc biệt là các bạn nữ, chắc không ai có thể bỏ qua cơ hội được mặc thử chiếc áo dài. Li Fang, lưu học sinh Trung Quốc tại Việt Nam cho biết, cô rất thích văn hóa, con người Việt Nam, và đặc biệt cô luôn ấn tượng với vẻ đẹp của những tà áo dài. Mỗi lần từ Việt Nam về nước, lại có rất nhiều bạn bè của cô nhờ mua áo dài về làm quà.
Áo dài Việt Nam- Giá trị được khẳng định và phát huy - ảnh 5
Còn đối với Mỹ Linh (bên trái), cô đã định cư tại Australia từ bé, nhưng những ấn tượng và kỷ niệm của cô về tấm áo dài Việt Nam không hề phai mờ theo thời gian và khoảng cách. Cô thường đặt may những mẫu áo dài cho cả gia đình, với cô, đó là một cách sinh động để dạy cho con về hình ảnh quê hương Việt Nam xinh đẹp của mình.
Áo dài Việt Nam- Giá trị được khẳng định và phát huy - ảnh 6

Cứ như vậy, với không ít những hoạt động tôn vinh tà áo dài được tổ chức trong nước, lẫn cả sự quan tâm, không ngừng quảng bá áo dài ra quốc tế của cộng đồng, giá trị của áo dài ngày càng được khẳng định và phát huy, trở thành một trong những biểu trưng để bạn bè quốc tế thêm hiểu, thêm yêu đất nước con người Việt Nam./.

Phản hồi

Các tin/bài khác