(VOV5) - Những ngày giáp Tết, làng Đại Hoàng, thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) lại rực lửa kho cá. Hàng chục ngàn niêu cá kho ngon nức tiếng vùng Đồng bằng Bắc bộ được người dân khắp cả nước đặt hàng về thưởng thức và làm quà biếu trong dịp Tết.
Cá kho Nhân Hậu được người dân bán quanh năm, nhưng tất bật nhất vẫn là những ngày giáp Tết. Người dân bắt đầu vào mùa cá kho từ đầu tháng Chạp đến hết tháng Giêng âm lịch. Đắt hàng nhất là vào rằm tháng Chạp, dịp Tết Ông Công - Ông Táo và Tết Nguyên đán.
Hiện toàn xã có khoảng 100 cơ cở chế biến cá kho lớn, còn ở quy mô nhỏ thì hầu như nhà nào cũng kho. Mỗi năm, trung bình cung cấp hơn 10.000 niêu cá ra thị trường, doanh thu khoảng 60 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận được 15%.
Cá kho phải là loại cá trắm đen từ 4kg trở lên, cá nguyên liệu phần lớn được nuôi tại Lý Nhân và một phần được nuôi ở khu vực lân cận.
Quá trình làm cá phải đặc biệt lưu ý, cá sau khi chạm dao thì không được rửa lại, không tiếp xúc nước lạnh để giữ được độ ngọt tự nhiên và giúp nồi cá kho không bị tanh.
Công đoạn xếp nồi càng cầu kỳ hơn. Nồi kho phải là nồi đất, để giữ nhiệt và giữ được vị mặn mòi của hương vị quê hương. Mỗi nồi cá được xếp một lớp riềng củ thái lát mỏng để dưới đáy nhằm tránh bị cháy khi kho trên bếp, các gia vị như gừng, ớt, hành củ đều được giã nhỏ, cùng với các gia vị khác và được điều tiết phù hợp với trọng lượng mỗi nồi cá.
Cá khi xếp vào nồi phải xếp úp để khi kho trên bếp, với độ cong tự nhiên, cá không bị xáo trộn vị trí. Nước kho cá cũng được chế biến theo phương pháp riêng. Chính điều này giúp cho hương vị của nồi cá thành phẩm có chất lượng đồng đều.
Các gia vị làm nên đặc trưng nồi cá kho truyền thống không thể thiếu được là riềng củ, gừng, ớt, chanh, hành củ, muối hạt, đường, nước cốt cua đồng, nước mắm, nước hầm xương, nước dừa…
Công đoạn kho cá trên bếp đòi hỏi yêu cầu cao nhất và cũng là phần việc vất vả nhất. Nồi cá khi đưa lên bếp sẽ được đun sôi với tốc độ nhanh nhất nhưng khi đã sôi thì phải hạn chế ngọn lửa và tắt lửa hoàn toàn, chỉ ủ tro nóng phía dưới bếp để đảm bảo nồi cá luôn sôi.
Sau khoảng 45 phút, mỗi nồi cá đều được kiểm tra, chế thêm nước dùng. Thời gian đỏ lửa kho cá đảm bảo từ 13 - 14 tiếng. Cá kho thành phẩm phải đảm bảo nhừ hết xương, gia vị thấm đều, thịt cá chắc, thơm ngon và không còn nước.
Mỗi dịp Tết cổ truyền, trung bình mỗi một cơ sở làm ít nhất vài trăm niêu, cơ sở nào nhiều thì trên 1.500 niêu, chủ yếu làm theo đơn đặt hàng của khách. Giá mỗi niêu cá kho thấp nhất là 500.000 đồng. “Có nhiều loại để khách lựa chọn, từ 500-600-700 nghìn đồng/niêu. Loạt đắt nhất là 1,5 triệu đồng/niêu.
Củi kho cá phải là củi nhãn, bởi nhiệt lớn, cháy ổn định, giúp thơm cá. |
Còn cá thì được kho bằng niêu đất mua về từ Nghệ An nhưng nắp niêu thì lại được lấy về từ Thanh Hóa để đảm bảo chất lượng tốt nhất. Niêu phải có độ bền, đun lâu cũng không bị rò rỉ, nứt vỡ và giữ nhiệt tốt.
Điều đặc biệt là cá kho Nhân Hậu dù không bỏ chất bảo quản những vẫn giữ được ít nhất từ 5 đến 10 ngày tùy vào điều kiện thời tiết. Mỗi niêu cá kho xong phải để hơn 1 tiếng và quạt cho nguội rồi mới đóng gói đưa cho khách hàng mang về.
Cá kho là món ăn truyền thống mang hơi thở của vùng quê đồng bằng chiêm trũng, được người dân Nhân Hậu, Hà Nam chế biến, lưu truyền, coi là đặc sản không thể thiếu trong mỗi bữa cơm sum họp gia đình và làm quà biếu khách quý mỗi dịp Tết đến xuân về.