Chuyến thăm Pháp của Thủ Tướng Phạm Minh Chính hứa hẹn nhiều kết quả hợp tác quan trọng

(VOV5) -Chuyến thăm song phương đầu tiên của Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính có ý nghĩa đặc biệt, hứa hẹn nhiều kết quả hợp tác quan trọng.

Diễn ra sau 8 năm triển khai Hiệp định Đối tác chiến lược Pháp Việt và một năm Hiệp định Thương mại tự do EVFTA, trong bối cảnh mới hậu đại dịch, chuyến thăm Pháp - chuyến thăm song phương đầu tiên của Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính có ý nghĩa đặc biệt, hứa hẹn nhiều kết quả hợp tác quan trọng, và sẽ đặt nền tảng cho các dự án, các chương trình hợp tác cụ thể trong tương lai giữa hai bên.” Đó là khẳng định của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng trong trao đổi với nhóm PV Đài TNVN thường trú tại Pháp. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

 

PV: Xin kính chào Đại sứ Đinh Toàn Thắng! Trong 3 năm qua, quan hệ Việt Nam và Pháp có những bước tiến quan trọng với nhiều chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước như chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Pháp năm 2018; của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến Pháp năm 2019 cũng như của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đến Việt Nam vào cuối năm 2018. Trong bối cảnh đó, chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có tầm vóc, ý nghĩa chính trị như thế nào và các ưu tiên hợp tác giữa Việt Nam và Pháp ra sao, thưa Đại sứ ?

- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng: “Chuyến thăm Pháp sắp tới của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là chuyến thăm đầu tiên song phương của Thủ tướng Chính phủ tới một nước châu Âu trong nhiệm kỳ mới. Đây là chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng, trong bối cảnh chúng ta đang triển khai đường lối đối ngoại đã được Đại hội lần thứ 13 của Đảng khẳng định, trong đó nhấn mạnh rất nhiều về nội dung làm sao phải tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ của chúng ta với các đối tác lớn, quan trọng.

Pháp vừa là đối tác lớn của chúng ta ở châu Âu, trong EU cũng như trên thế giới. Hợp tác đối tác chiến lược giữa hai nước đã được thiết lập cách đây gần 10 năm, năm 2013 và đến nay thì cũng đã có tác dụng rất lớn và giúp cho quan hệ của hai nước ngày càng đi vào hiệu quả và thiết thực hơn. Và chuyến thăm lần này tới Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng sẽ là một bước đi nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam và Pháp đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn trên tất cả lĩnh vực. Bối cảnh hiện nay của hai nước, của thế giới và khu vực đang có những biến chuyển sâu sắc. Thách thức đặt ra đối với cả Pháp về Việt Nam trên con đường phát triển hiện nay rất lớn; làm sao để vượt qua những thách thức do đại dịch gây ra và làm sao để đưa kinh tế có thể phát triển mạnh hơn.

Trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Pháp và hội kiến với các lãnh đạo cấp cao của Pháp; trao đổi những biện pháp làm sao để tăng cường hợp tác hai nước; rồi những biện pháp phối hợp để làm sao cùng ứng phó với những thách thức chung trên toàn cầu; cùng giữ gìn hòa bình, an ninh, ổn định tại khu vực và trên thế giới. Hai nước cũng sẽ phải có các biện pháp hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp vào năm 2023. Sẽ có những thỏa thuận lớn sẽ được ký kết giữa hai bên trong thời gian này trong hợp tác bộ ngành, hợp tác kinh tế...

Một lĩnh vực rất quan trọng sẽ được Thủ tướng Chính phủ trao đổi với Lãnh đạo Pháp, đó là hợp tác trong lĩnh vực y tế, đây là một yêu cầu rất cấp bách. Về kinh tế, Thủ tướng Phạm Chính sẽ gặp các doanh nghiệp hàng đầu của Pháp để trao đổi về những biện pháp tăng cường hợp tác, tranh thủ các thế mạnh của các doanh nghiệp Pháp để đáp ứng nhu cầu phát triển hiện nay của Việt Nam, đồng thời tranh thủ Hiệp định thương mại tự do đã được ký giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng sẽ có những cuộc gặp gỡ với cộng đồng người Việt Nam tại Pháp cũng như tại các nước châu Âu để động viên bà con tiếp tục hướng về đất nước nhiều hơn nữa. Thủ tướng cũng sẽ có những hoạt động đa phương như, gặp gỡ lãnh đạo Tổ chức Pháp ngữ, UNESCO, Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD) để triển khai những mục tiêu của chúng ta trong đường lối ngoại giao đa phương hiện nay.”

           PV: Vâng, ở như Đại sứ vừa nhắc đến thì trong gần hai năm qua hai nước Việt Nam và Pháp đều đã chịu ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch Covid -19 và hai nước đang đã và đang thúc đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực y tế. Xin Đại sứ cho biết những hợp tác với y tế cũng như cái sự đoàn kết, tương trợ giữa hai nước trong việc cung cấp vắc xin thì đã được triển khai ra sao?

- Đại sứ Đinh Toàn Thắng: “Vâng, hợp tác y tế là một nội hàm rất quan trọng và được ưu tiên cao trong trao đổi giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo cấp cao Pháp cũng như các đối tác Pháp trong chuyến thăm Pháp lần này. Phải nói là hợp tác y tế giữa Việt Nam và Pháp có bề dày truyền thống, đã có những hiệp định hợp tác rất lớn. Hàng nghìn bác sỹ của chúng ta đã đến học tập, thực tập tại các cơ sở y tế của Pháp và về nước tiếp tục đóng góp cho nền y tế tới nhà; giữa các bệnh viện, giữa các trung tâm y tế, đã có thỏa thuận nghiên cứu trao đổi kinh nghiệm, trao đổi đoàn hàng năm.

Và kết quả của hợp tác y tế được xây dựng trong những năm qua đã thực sự phát huy trong thời gian qua, giúp cho các cơ sở y tế Việt Nam có lực lượng y tế tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid. Các bác sĩ người Việt, người Pháp tại sở tại đã tiến hành rất nhiều các hoạt động để ủng hộ và hỗ trợ cho nền y tế Việt Nam trong thời gian qua như tổ chức các hội thảo, quyên góp các thiết bị y tế... Bản thân chính phủ Pháp cũng đã có nhiều hoạt động rất thiết thực, vừa qua, Chính phủ và nhân dân Pháp đã tặng cho chúng ta đợt đầu 670.000 liều vắc xin.

Trong chuyến thăm lần này thì những hoạt động về hỗ trợ vắc xin, trao đổi kinh nghiệm cũng sẽ có kết quả cụ thể hơn nữa. Thủ tướng Chính phủ sẽ thăm các cơ sở dược phẩm, các cơ sở nghiên cứu y tế của Pháp để có thể trao đổi sâu hơn về các hướng hợp tác trong phòng, chống dịch bệnh cả về dịch bệnh Covid và các dịch bệnh khác có thể phát triển sau này.”

           PV: Vâng, thưa Đại sứ là Việt Nam và Pháp đã ký kết Đối tác chiến lược vào năm 2013 và trong nhiều năm qua quan hệ giữa hai nước đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến cho rằng tiềm năng hợp tác giữa hai nước vẫn chưa bùng nổ đúng như kỳ vọng. Vậy thì chúng ta sẽ có những hoạt động nào để hướng tới kỷ niệm 10 năm Đối tác chiến lược cũng như 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp trong thời gian tới?

           - Đại sứ Đinh Toàn Thắng: “ Có thể nói trong thời gian qua, thành tựu đạt được rất lớn. Tuy nhiên, những mong muốn của chúng ta còn rất nhiều. Nhiều thế mạnh trong hợp tác hai nước cũng cần phải được các đối tác hai nước khai thác hiệu quả hơn. Chẳng hạn như chiến lược về đầu tư, rất nhiều doanh nghiệp Pháp có thế mạnh rất là đặc biệt và Pháp vẫn là nước có nền tảng nghệ tốt, có những doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới. Chúng ta hoàn toàn có thể khai thác các thế mạnh này của doanh nghiệp Pháp và cố gắng làm sao chúng ta tạo được môi trường đầu tư thật tốt để thu hút được doanh nghiệp Pháp vào Việt Nam nhiều hơn. Đồng thời, chúng tôi cũng đã nhiều lần trao đổi với các quan chức năng của Pháp; làm sao các bạn Pháp cũng phải có những biện pháp mạnh mẽ nữa, tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp Pháp mạnh dạn hơn, có chiến lược rõ ràng hơn để thực hiện các dự án ngày càng hiệu quả trên thị trường Việt Nam cũng như là những hiệu quả, những cái dự án khác trên các thị trường chung tại châu Á Thái Bình Dương cũng như tại Đông Nam Á.

           Hiệp định thương mại tự do ký kết giữa Việt Nam và châu Âu trong thời gian qua thì cũng đã, đang tạo ra những tiềm năng rất lớn cho trao đổi thương mại giữa hai bên hiện nay. Hiện nay là thời điểm để các đối tác hai bên để thảo luận làm sao khai thác được tốt hơn những tiềm năng và lợi ích mà Hiệp định thương mại này tạo ra cho cả các doanh nghiệp Pháp và doanh nghiệp Việt Nam.

           Trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng Pháp, chắc chắn sẽ có những thỏa thuận lớn, những cái định hướng lớn được lãnh đạo cấp cao của hai nước đề ra. Và sau chuyến thăm, các cơ quan của hai nước cần phải nhanh chóng bắt tay triển khai những thỏa thuận này trở thành những dự án hợp tác cụ thể trong tương lai.”

Phản hồi

Các tin/bài khác