Đặc sắc các nghi lễ tín ngưỡng trong đồng bào các dân tộc dưới 10.000 người
Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc -  
(VOV5) -Những lễ hội và nghi lễ tín ngưỡng trong đồng bào các dân tộc có số dân dưới 10.000 người được tái hiện rất đa dạng, phong phú và là nét văn hóa đặc sắc, độc đáo hấp dẫn người xem.
Các lễ hội và nghi lễ tín ngưỡng trong đồng bào các dân tộc có số dân dưới 10.000 người là nét văn hóa đặc sắc cần được bảo tồn, trao truyền và phát huy.
Sau 2 ngày diễn ra, các đoàn nghệ nhân, diễn viên trong dân tộc có số dân dưới 10.000 người đã tái hiện lại gần 10 lễ hội, nghi thức tín ngưỡng của dân tộc mình.
Một trong các nghi thức đó là nghi lễ Mở kho lúa của dân tộc BRâu đến từ tỉnh Kon Tum.
Lễ hội Mở kho lúa của dân tộc Brâu thường diễn ra trong 2 ngày vào tháng 10 hoặc tháng 11 hàng năm.
Đây là nét văn hóa truyền thống rất lâu đời của người Brâu với ý nghĩa tích lũy cái ăn từ mùa vụ này đến mùa vụ khác.
Người Brâu rất coi trọng việc cúng thần linh để cầu may cho buôn làng, thể hiện sự tôn trọng và biết ơn mẹ thiên nhiên, thần linh đã bảo vệ buôn làng.
Trong lễ hội Mở kho lúa, thủ tục cúng Chiêng Tha là quan trọng nhất vì Chiêng Tha không chỉ là nhạc cụ mà còn là thần linh bảo vệ buôn làng.
Nếu như người BRâu coi trọng lễ Mở kho lúa, thì người Pà Thẻn, tại tỉnh Hà Giang lại coi trọng lễ cưới truyền thống và đây là nghi thức có từ lâu đời.
Theo quan niệm của dân tộc Pà Thẻn, chậu nước trong đám cưới thể hiện lòng thành kính và lời cảm ơn của đôi vợ chồng trẻ đối với quan làng.
Lễ cưới của người Pà Thẻn là nét văn hóa đặc sắc, nổi bật của cư dân sinh sống nơi địa đầu Tổ quốc Hà Giang.
Đây là nghi lễ gắn liền với sản xuất nông nghiệp, nhằm cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Vì vậy các lễ vật cúng là những nông sản do chính người dân sản xuất ra.
Nghi thức đón tiếng sấm đầu năm là tập tục cổ xưa nhất, linh thiêng nhất của người Ơ Đu ở Nghệ An.
Đây là nghi lễ linh thiêng nhất được người Ơ Đu lưu giữ với mong muốn một năm mưa thuận gió hòa để thuận lợi cho việc trồng trọt, săn bắt.
Lễ đón tiếng sấm đầu năm là ngày Tết lớn nhất trong năm nên cả bản tổ chức rất long trọng, các gia đình trong bản đều đóng góp lễ vật và tham gia đầy đủ.
Ngày xưa, lễ đón tiếng sấm đầu năm của người Ơ Đu thường kéo dài từ 5-7 ngày, nhưng hiện nay chỉ được tổ chức trong 1 ngày.
Theo người già Ơ Đu, sau tiếng sấm đầu tiên cất lên, con vật cất tiếng kêu đầu tiên là con gà, nên gà được coi là linh vật thần sấm gửi gắm thông điệp những ngày đầu năm.
Lễ buộc chỉ tay cầu may của người Ơ Đu trong Lễ mừng tiếng sấm.
Sau phần lễ, phần hội trong Lễ mừng tiếng sấm được mở ra với âm thanh vui tươi, rộn ràng và người Ơ Đu nhảy múa theo những giai điệu truyền thống của dân tộc mình.
Tại không gian văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người, sau mỗi phần trình diễn lễ hội, nghi thức tín ngưỡng, đồng bào lại nắm tay nhau vui bên vòng xòe, thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc.
Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc