Đặc sắc lễ cưới truyền thống của người Pa Cô
Lê Hiếu- Vinh Thông/VOV-Miền Trung -  
(VOV5) -Lễ cưới là một trong những nghi lễ rất quan trọng trong đời sống đồng bào Pa Cô sống trên dãy Trường Sơn.
Để chính thức thành vợ, thành chồng thì họ phải tổ chức đám cưới với nhiều nghi thức và phong tục đặc sắc.
Theo phong tục tập quán của người Pa Cô ở huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, con trai, con gái đến tuổi dựng vợ, gả chồng, gia đình chuẩn bị các lễ vật tổ chức lễ cưới chu đáo. Đối với con trai, lễ vật là tiền, vàng, bạc, bò, heo... Con gái là tấm zèng, gạo, đặc sản, các loại gà, vịt, cá suối.
Để đi tới lễ cưới chính thức, người Pa Cô phải tiến hành các nghi lễ như: Lễ báo cáo với bố mẹ, thể hiện sự kính trọng của con cái với các bậc sinh thành, báo cáo bố mẹ khi mình đã có lựa chọn trong hôn nhân và chuẩn bị lễ vật cưới hỏi. Đám hỏi có ý nghĩa quyết định tiến tới hôn nhân, hai bên gia đình kết tình thông gia.
Trong ngày cưới, phía nhà gái treo hai tấm zèng trước cửa nhà, báo hiệu gia đình có hỷ sự. Sáng sớm, trước khi đưa con gái về nhà chồng, gia đình nhà gái làm nghi lễ xuất gia và cẩn cáo với tổ tiên việc cháu gái đi lấy chồng, mong tổ tiên phù hộ cho sức khỏe, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn. Nhà gái mang theo một số lễ vật như: zèng, gà luộc, gói xôi… khi tiễn con gái về nhà chồng. Về nhà chồng, cô dâu choàng thêm lên người một tấm zèng gọi là “Pâr lang” để tránh những điều xui xẻo trên đường.
Tại nhà chồng, mẹ chồng chờ sẵn tại cổng nhà để đón con dâu, đồng thời cởi tấm zèng trên người cô dâu và đeo cho cô chuỗi cườm như một nghi lễ đón nhận con dâu hiền. Khi nhà gái sang, nhà trai tiến hành làm lễ nhận thông gia và lễ vật đại diện mà nhà gái mang theo cũng được trao luôn cho nhà trai trong nghi lễ này.
Ngày nay, người Pa Cô không còn tục thách cưới như ngày xưa nữa. Nhà trai cho của hồi môn chủ yếu để gửi gắm tình cảm, dặn lòng nhau bằng giai điệu Câr lợi thắm thiết yêu thương. Nhà trai tiếp tục nghi lễ tiễn nhà gái trở về nhà được bình an, gặp nhiều may mắn. Sau đó, 2 bên gia đình định ước thời gian tổ chức lễ cưới tại nhà gái.
Sau lễ cưới đầu tiên tại nhà trai, 2 bên gia đình làm lễ cưới tại nhà gái. Đến nhà gái, nhà trai chuẩn bị lễ vật và của hồi môn khá tươm tất. Những món ăn ngon, thức uống đặc biệt, nhà gái dâng lên tiếp đón nhà trai thưởng thức. Họ cùng trao nhau niềm vui, hạnh phúc, lời ca cha chấp ấm áp tình người, gửi gắm, gắn kết tình thông gia, cầu mong hạnh phúc lứa đôi.
Nghi thức nhà gái trao hồi môn cho nhà trai cũng được thực hiện lần lượt trao cho ông bà thông gia rồi đến con rể, anh chị em... để gửi gắm tình cảm cùng những lời căn dặn yêu thương. Cuối cùng nhà gái tiễn gia đình và họ hàng thông gia kết thúc trọn vẹn việc cưới hỏi của đôi bên.
Trải qua thời gian, lễ cưới truyền thống được người Pa Cô gìn giữ, đồng thời, có những thay đổi để phù hợp với xã hội hiện đại. Ngày cưới, các nam thanh, nữ tú trong làng mang những bộ trang phục đẹp nhất cùng hòa nhịp trong điệu múa, điệu nhảy, gắn kết tình lứa đôi, bạn bè. Tiếng trống, điệu khèn thôi thúc, làm không khí ngày cưới thêm rộn ràng.
Lễ cưới của người Pa Cô là một nghi lễ lớn, quan trọng của gia đình, họ tộc. có giá trị nhân văn sâu sắc trong cuộc đời mỗi con người. Sự kiện này đánh dấu sự trưởng thành của con trai, con gái Pa Cô bước ra khỏi vòng tay cha mẹ để cùng bạn đời xây dựng, vun đắp tổ ấm gia đình, yêu thương, gắn bó bên nhau đến đầu bạc răng long.
Trao của hồi môn trong lễ cưới.
Mẹ chồng đeo chuỗi cườm để đón nhận con dâu hiền.
Bắt tay tạm biệt khi lễ cưới hoàn tất.
Lê Hiếu- Vinh Thông/VOV-Miền Trung