(VOV5) - Nhiều sự kiện văn hóa diễn ra tuần qua, trong đó nổi bật là Khai mạc Festival Thu Hà Nội năm 2024; Hợp tác quảng bá văn hóa, du lịch với Google; Giao lưu văn hóa gắn kết quan hệ Việt Nam - Thái Lan; Lan tỏa và tôn vinh Áo dài Việt Nam ở Cộng hòa Séc và tưng bừng Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2024.
Khai mạc Festival Thu Hà Nội lần thứ 2 năm 2024
Tối 20/9, tại không gian phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA) tổ chức khai mạc Chương trình “Festival Thu Hà Nội lần thứ 2 năm 2024” với chủ đề “Thu Hà Nội – Mùa thu lịch sử”.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Festival Thu Hà Nội năm 2024. Ảnh: VGP/Thùy Linh |
Chương trình nghệ thuật với những tiết mục đặc sắc, hấp dẫn trong lễ khai mạc. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Sự kiện có ý nghĩa quảng bá hình ảnh, giá trị văn hóa, du lịch của Thủ đô với các địa phương trong nước và bạn bè quốc tế; phát huy tiềm năng thế mạnh của làng nghề truyền thống Hà Nội; nâng cao nhận thức giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa, tiềm năng của làng nghề truyền thống góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.
Các em thiếu nhi thích thú với các sản phẩm tò he truyền thống. Ảnh: hanoimoi.vn |
Du khách quốc tế tham quan không gian rực rỡ sắc màu. Ảnh: hanoimoi.vn |
Hợp tác quảng bá văn hóa, du lịch với Google
Tuần qua, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hoa Kỳ, Đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã tới thăm trụ sở và làm việc với đại diện của Google tại Mountain View (bang California).
Hai bên đã thảo luận, trao đổi về khả năng hợp tác để quảng bá văn hóa, du lịch và chuyển đổi kỹ thuật số của Việt Nam trong lĩnh vực du lịch, văn hóa, nghệ thuật và giải trí. Ảnh: Đoàn công tác cung cấp |
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hồ An Phong cảm ơn Google đã hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam đến công chúng trên toàn thế giới, thông qua các dự án quan trọng.
Thứ trưởng Hồ An Phong tặng quà lưu niệm cho ông Marc Woo, Giám đốc Quốc gia Việt Nam, Google châu Á-Thái Bình Dương. Ảnh: Đoàn công tác cung cấp |
Google đã cung cấp 3 công cụ gồm: Art Camera (các tác phẩm nghệ thuật với độ phân giải lớn và độ chi tiết cao), Google Street View (trải nghiệm từ xa các điểm đến văn hóa, nghệ thuật nhờ nền tảng số) và Table Top Scanner (xem những bộ sưu tập và cổ vật cỡ lớn).
Qua các công cụ này, các điểm du lịch, bảo tàng, di tích... của Việt Nam có thể ghi lại hình ảnh, thước phim và đăng tải trên nền tảng lưu trữ Google, giúp du khách toàn thế giới có thể dễ dàng tiếp cận, tham quan hình ảnh 3D, 360 độ, thuyết minh miễn phí...
Đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và đại diện lãnh đạo Google tại trụ sở ở Hoa Kỳ. Ảnh: Đoàn công tác cung cấp |
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chỉ đạo và đồng hành các địa phương để tiếp tục thực hiện các dự án với Google. Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, tạo điều kiện quảng bá để các doanh nghiệp làm chủ thể đưa sản phẩm du lịch Việt Nam ra thế giới, đặc biệt là tới thị trường Hoa Kỳ.
Giao lưu văn hóa gắn kết quan hệ Việt Nam - Thái Lan
Chiều 26/9, tại Hà Nội, diễn ra sự kiện “Amazing Thailand: Your Stories Never End” (tạm dịch: Thái Lan - Những câu chuyện không có hồi kết) do Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đồng tổ chức.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Urawadee Sriphiromya nói: "Thái Lan là một trong những quốc gia láng giềng gần gũi của Việt Nam, cùng là thành viên của cộng đồng ASEAN. Tôi mong rằng sự kiện này sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa hai nước, để người Việt Nam có cơ hội hiểu thêm về văn hóa Thái Lan". Ảnh: Diệp Thảo/VOV |
Trong thời gian qua, nhiều hoạt động giao lưu văn hóa Việt Nam - Thái Lan đã được tổ chức, góp phần tăng cường sự hiểu biết, đưa mối quan hệ nhân dân hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, gần gũi, gắn bó, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân và góp phần thắt chặt quan hệ láng giềng, hữu nghị truyền thống giữa hai quốc gia.
Các nghệ sĩ biểu diễn điệu múa truyền thống của Thái Lan. Ảnh: Diệp Thảo/VOV |
Trong ngày 27-28/9, Đại sứ quán tiếp tục tổ chức chuỗi hoạt động giao lưu văn hoá phong phú như: biểu diễn âm nhạc, trình diễn ẩm thực, giới thiệu đồ thủ công truyền thống, trải nghiệm làm món ăn Thái... ở Hà Nội và Hưng Yên.
Lan tỏa và tôn vinh Áo dài Việt Nam ở Cộng hòa Séc
Ngày 22/9, tại Prague, Câu lạc bộ di sản áo dài Việt Nam tại Cộng hòa Séc đã long trọng ra mắt theo sáng kiến của Hội Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Cộng hòa Séc. Đây là một trong những sự kiện nhằm hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ Ngoại giao Việt Nam – Cộng hòa Séc, được sự ủng hộ của Đại sứ quán Việt Nam và Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, Liên hiệp hội người Việt Nam tại châu Âu.
Ban chấp hành Câu lạc bộ di sản áo dài Việt Nam tại Cộng hòa Séc nhiệm kỳ 2024-2029 ra mắt. Ảnh: Hải Đăng/VOV – CH Séc |
Tại buổi lễ, các đại biểu, bạn bè và bà con kiều bào tham dự đã thực sự ấn tượng với những màn trình diễn áo dài của hội viên câu lạc bộ. Ảnh: Hải Đăng/VOV – CH Séc |
Những chiếc áo dài thiết kế riêng cho câu lạc bộ được lấy cảm hứng từ sự sự kết hợp giữa lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam với quốc kỳ Cộng hòa Séc, thể hiện sự gắn bó, luôn hướng về quê hương đất nước của những người con đang sinh sống ở Séc, đồng thời thể hiện mong muốn hai dân tộc, đất nước và con người Việt Nam và Séc sẽ ngày càng gần gũi nhau hơn.
Tà áo dài Việt Nam duyên dáng giữa lòng Prague. Ảnh: Hải Đăng/VOV – CH Séc |
Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình quảng bá, tôn vinh giá trị trang phục và văn hóa của Áo dài Việt Nam đến với bạn bè quốc tế ở châu Âu nói chung, cũng như ở Cộng hòa Séc nói riêng.
Tưng bừng Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2024
Ngày 21/9, tại Sân vận động trung tâm quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng, diễn ra Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn 2024 thu hút hàng vạn du khách và người dân địa phương. Do ảnh hưởng của bão số 3, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm nay phải lùi lại 10 ngày so với với lịch ban đầu.
Nghi thức khai hội chọi trâu Đồ Sơn được tổ chức trang trọng với màn tấu trống, múa cờ thể hiện tinh thần thượng võ của những người con vùng biển. Ảnh: Thanh Nga/VOV |
Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm nay gắn với kỷ niệm 35 năm Lễ hội được phục hồi và phát triển. Trước đó, phần lễ của Lễ hội đã được tổ chức theo đúng nghi lễ truyền thống, gồm: Lễ dâng hương, thượng cờ khai hội; Lễ rước nước; Lễ thần linh,... thể hiện lòng thành kính của người dân Đồ Sơn với các bậc tiền nhân, phản ánh những nét sắc văn hóa đặc trưng của lễ hội.
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn thể hiện tinh thần thượng võ của những người dân miền biển, cầu mong quốc thái dân an, thời tiết thuận hoà, người dân đi biển gặp nhiều may mắn. Năm 2012, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Ảnh: Thanh Nga/VOV |
Trải qua 15 kháp đấu đầy hấp dẫn trong buổi sáng 21/9, Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn 2024 đã xác định được trâu vô địch thuộc về trâu số 04 của phường Hải Sơn. (Trong ảnh: Trâu số 04 của ông Lưu Đình Khang, phường Hải Sơn (Đồ Sơn) giành giải Nhất, nhận giải thưởng trị giá 100 triệu đồng. Ảnh: Lê Sơn/Báo Tin tức/TTXVN) |
Qua 35 năm khôi phục và phát triển, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn không ngừng hoàn thiện, nâng cao về quy mô, nâng tầm về chất lượng; đồng thời vẫn giữ nguyên những yếu tố dân gian và các giá trị văn hóa truyền thống./.