Trong hai ngày 21 và 22/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Hơn 200 đại biểu các bộ, ngành, địa phương, các hội, hiệp hội và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan tham dự hội nghị. Ảnh: VOV |
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong, cho biết đây là hội nghị quan trọng để triển khai Chỉ thị số 30 của Thủ tướng Chính phủ. Văn hóa không chỉ là những tư tưởng chỉ đạo mà còn được thể chế hóa bằng chính sách, chủ trương rất cụ thể, mạnh mẽ, quyết liệt. Ảnh: VOV |
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, từ năm 2015 trở lại đây, Đà Nẵng luôn nỗ lực triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ trong việc đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Trong đó, sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa được xác định là mũi nhọn thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững của văn hóa. Ảnh: VOV |
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận những ưu điểm, thế mạnh và chỉ rõ những vấn đề hạn chế, tồn tại của các quy định hiện hành để tìm ra phương hướng, giải pháp triển khai một hiệu quả Chỉ thị số 30.
Cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc tại TP. Hải Phòng
Tối 16/11, tại quảng trường Nhà hát thành phố Hải Phòng diễn ra cầu truyền hình trực tiếp kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc. Cùng với Thanh Hóa và Cà Mau, Hải Phòng là một trong ba địa phương được chọn tổ chức sự kiện ý nghĩa này. Tham dự chương trình tại điểm cầu Hải Phòng có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đông đảo nhân dân TP. Hải Phòng.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình bắt tay, thăm hỏi các cựu học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Ảnh: VOV |
TP. Hải Phòng là nơi lưu dấu những kỷ niệm không thể nhạt phai trong ký ức các thế hệ học sinh miền Nam từng học tập và sinh sống. Đến năm 1955, toàn miền Bắc có khoảng 32.000 học sinh tập kết, riêng Hải Phòng có 15.000 học sinh học tập tại gần 20 ngôi trường. Thành phố Cảng thật sự là nơi “ân nặng tình sâu” một thời đùm bọc, sẻ chia, trở thành quê hương yêu dấu thứ hai, là nơi tôi luyện nên biết bao thế hệ cán bộ, lãnh đạo đã sống, cống hiến và dựng xây nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Tại điểm cầu TP. Hải Phòng, chương trình diễn ra với 10 tiết mục và có sự tham gia của các nghệ sỹ Trung ương và đông đảo nghệ sỹ diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên, các cháu thiếu nhi TP. Hải Phòng. Ảnh: VOV |
Các cựu học sinh miền Nam dự Cầu truyền hình 70 Tập kết ra Bắc tại TP Hải Phòng. Ảnh: VOV |
Chương trình Cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm tập kết ra Bắc với chủ đề “Tình sâu, nghĩa nặng” nhằm ghi nhớ về những dấu son lịch sử của dân tộc, với những cống hiến, những hi sinh của các thế hệ đi trước để có được hòa bình, độc lập hạnh phúc và phồn vinh của dân tộc; nêu bật ý nghĩa của sự kiện Tập kết ra Bắc, đánh dấu một cuộc dịch chuyển lực lượng lịch sử góp phần cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước; Quyết định đưa cán bộ, chiến sỹ và con em đồng bào miền Nam thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng trong việc tạo nền tảng cho việc xây dựng miền Bắc, củng cố lực lượng cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.
Hoàng thành Thăng Long bừng sáng với đêm nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước”
Tối 18/11, tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội, diễn ra chương trình nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước”. Điểm nhấn là dòng chảy lịch sử Việt Nam thông qua biểu diễn thực cảnh kết hợp 3D mapping và âm thanh vòm sống động, hào hùng. Ảnh: Minh Anh/Vietnam+ |
Chương trình được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội phối hợp tổ chức
Trong khuôn viên quy mô 3.000 khán giả, các màn diễn thực cảnh đẹp mắt tái hiện dòng lịch sử đi đôi giữa dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. (Trong ảnh: Một trong những tư liệu lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh được trình chiếu tại sự kiện. Ảnh: Minh Anh/Vietnam+) |
Khán giả mọi độ tuổi dõi theo từng khoảnh khắc. Ảnh: Minh Anh/Vietnam+ |
Sắc đỏ tự hào trên sân khấu chương trình "Cùng nhau giữ nước." Ảnh: Minh Anh/Vietnam+ |
2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn được công nhận bảo vật quốc gia
Sáng 21/11, tại thành phố Quy Nhơn, Sở Văn hoá - Thể thao tỉnh Bình Định tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia đối với 2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn và giới thiệu các bảo vật quốc gia tỉnh Bình Định. Ảnh: VOV |
2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn được phát hiện vào năm 1992, gần tháp Cánh Tiên, trong khu thành Đồ Bàn, thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Đây là tác phẩm điêu khắc Chămpa hình tượng sư tử, tư thế nửa nằm, nửa đứng. 2 tượng sư tử đá này cũng là một hình tượng điêu khắc độc nhất trong lịch sử nghệ thuật điêu khắc tượng sư tử của Chămpa.
Tượng sư tử đá thành Đồ Bàn hiện lưu giữ tại bảo tàng tỉnh Bình Định được công nhận bảo vật quốc gia. Ảnh: VOV |
Từ năm 2015 - 2024, qua các đợt công nhận bảo vật quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bình Định vinh dự có 13 bảo vật quốc gia là những tác phẩm điêu khắc đá Champa. Cả 13 bảo vật quốc gia này đều là những hiện vật gốc, độc bản, quý hiếm, hình thức độc đáo và có giá trị lớn đối với công tác nghiên cứu và nhận thức các vấn đề về văn hóa, lịch sử liên quan đến văn hóa Champa trên vùng đất Bình Định. Đây không chỉ là tư liệu khoa học quan trọng đối với khảo cổ học mà còn có giá trị lớn đối với nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, tôn giáo của dân tộc.
Hoa văn được chạm khắc trên tượng sư tử đá. Ảnh: VOV |