“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên…”
1. Cứ mỗi khi nghe giai điệu tha thiết, êm đềm, bay bổng trong nhịp valse ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao ở bất kỳ đâu, thì cảm xúc về ngày 30/4/1975 lại một lần trở lại trong hồi ức của tôi. Một ngày của 10.000 ngày tích tụ ước mong, để người người ngày đi như trong đêm mơ niềm hạnh phúc choáng ngợp, ngày đất nước thống nhất, non sông liền một dải, trời xanh màu hòa bình.
45 năm trước, tôi còn nhỏ, nhưng đã trải nghiệm chiến tranh qua tiếng còi báo động từ loa phát thanh trên phố, qua tiếng máy bay gầm rú, tiếng xé gió của những trái rocket như rạch nát bầu trời Thủ đô, là những đêm nấp trong hầm trú ẩn nghe tiếng bom rơi đạn nổ và chứng kiến cảnh ngói tan gạch nát…
Tôi cũng không thể quên những ngày cuối năm trong giá lạnh mùa đông năm 1972, đứng ở bên này bức tường thấp chắn ngang đối diện Hỏa Lò, nhìn từng tốp phi công Mỹ lần lượt cúi đầu đi vào trong tòa nhà đó. Tôi cũng rất nhớ chiếc mũ đội tránh mảnh bom được mẹ chọn từng sơi rơm nếp tuốt ruột vàng óng, đan, quấn một cách tỉ mỉ đội đi học ở nơi sơ tán, là một miền quê đẹp như cổ tích ở miền đất lụa Hà Tây xưa…
Cho đến hôm nay, tôi nhớ như in buổi trưa thứ tư ngày 30/4/1975, hình như nắng nhiều hơn, mây trời như trong hơn, hoa mùa xuân vẫn đang khoe sắc thắm tỏa hương nồng nàn, từ loa phát thanh trên phố, giọng reo vui không kìm nén của phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam:
“Sài Gòn giải phóng! Miền Nam đã hoàn toàn giải phóng! Hòa bình rồi!..”.
Như một cơn chấn động vỡ òa…
Các cửa nhà mở tung.
Cả sóng người già trẻ gái trai ào ra phố, cùng hướng đi về phía Hồ Gươm, vừa đi vừa reo vang:
“Hòa bình rồi! Thống nhất Nam Bắc rồi!”.
Mọi người cứ như trong một cơn say, miệng cười tươi mà mắt cứ rưng rưng, không quen nhau mà gặp ai cũng ôm như thể thân thiết…
Cũng không biết bắt đầu từ đâu, như một dàn đồng ca kỳ lạ nhất, chưa bao giờ có ở Hà Nội, từng đoàn người tay cầm cờ hoa hát vang phồ điệp khúc “Việt Nam, Hồ Chí Minh”…
Mẹ tôi có lẽ là một trong những người phụ nữ Việt Nam có chồng đi bộ đội vào Nam chiến đấu cảm thấy hạnh phúc nhất vào ngày này…
“Nước mắt trên vai anh,
giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh
Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên,
một cuộc đời êm ấm…”.
Sẽ không còn những “hòn vọng phu”, những “đá trông chồng”, không còn những lời ru con khắc khoải đêm đêm, những giấc ngủ thắc thỏm khi nghe tin chiến trận...
Hình ảnh lưu niệm gia đình tại công viên Thống Nhất - Hà Nội, trước ngày cha của tác giả đi vào Nam chiến đấu. (Tác giả là cô bé ngồi bên phải). |
Hà Nội đêm ấy là đêm không ngủ. Đường phố như trong ngày hội, ngày hội mà phải đợi đến gần 21 năm, kể từ ngày bộ đội vào giải phóng Thủ đô năm 1954 nay mới được có lại.
Các hàng quán chong đèn suốt đêm, nhiều hàng ăn chiêu đãi khách không lấy tiền, làng hoa Ngọc Hà hình như không còn sót một cành hoa nào trong vườn vì hoa đã được dồn hết về Hà Nội để mừng chiến thắng.
Ngày1/5 năm ấy, Hà Nội rực rỡ pháo hoa suốt cả giờ, giống như tất cả hoa làng Ngọc Hà được tung thả lên trời đêm hòa vào triệu triệu vì sao long lanh tuyệt đẹp. Nhà tôi và nhà của những người miền Nam tập kết nhộn nhịp hàng xóm đến chúc mừng…
Tôi sắp được về quê nội, quê ngoại, thành phố Sài Gòn, thành phố Hồ Chí Minh, mà suốt thời thơ ấu tôi chỉ được nghe qua lời kể của mẹ và biết nơi ấy ba tôi đang chiến đấu…
2. “Ôi ta đang đi đi giữa rừng hoa hay ta đi giữa rừng cờ”.
Ừ mà sao như câu hát của nhạc sĩ Xuân Hồng trong ca khúc “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” khi nhớ về sắc đỏ rực rỡ và đầy mê hoặc của hoa gạo.
Không biết có phải cây cỏ cũng linh cảm được niềm vui, mà tôi nhớ vào tháng 4/1975 năm ấy, cây hoa gạo cổ thụ bên bờ Hồ Gươm nằm mé đường Đinh Tiên Hoàng, nghe nói đã mấy trăm năm tuổi, gốc còn chi chít vết mảnh bom hay rocket cứa từ năm 1972 trong trận “Điện Biên Phủ trên không”, hoa nở đỏ rực cả cây, như báo tin vui. Cũng nghe nói, suốt những năm Mỹ mang bom đánh Hà Nội, cây hoa gạo này im lìm không ra hoa, chỉ lác đác vài nụ rồi âm thầm rụng.
Mà không chỉ cây hoa gạo Hồ Gươm hoa nở sớm, những hàng cây hoa gạo dọc những con đường ngoại thành Hà Nội cùng bừng lên sắc đỏ rực rỡ như màu cờ in trên nền trời xanh trong, cứ kéo thành vệt dài bất tận, như những hàng cờ đỏ dài mãi xuôi về phương Nam, vào tận Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, và xuống tận Mũi Cà Mau, như nối Bắc Nam liền một dải…
Cây cũng cảm được niềm vui đại thắng, cảm được niềm hạnh phúc hân hoan của hòa bình, thống nhất, mà cùng bung thả sắc màu đỏ tuyệt đẹp hòa vào chung niềm vui của cả đất nước.
Màu hoa gạo của 45 năm trước, trong mắt tôi hình như đã theo vào Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày tháng Tư hàng năm. Sài Gòn không có mùa hoa gạo, nhưng những ngày tháng Tư, đi qua các con phố trung tâm, hàng mấy chục tòa cao ốc lộng lẫy, tôi luôn mang cảm giác thấp thoáng màu hoa gạo năm ấy, khi nhìn những lá cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh trong gió.
Những lá cờ đỏ, những cánh hoa gạo năm xưa ở Hồ Gươm Hà Nội như đang đậu lại Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, để không chỉ là mừng kỷ niệm ngày chiến thắng mà còn là những chứng nhân đặc biệt về sự đổi thay của thành phố từ tháng 4/1975, ngày càng đẹp, càng tỏa sáng như “Hòn ngọc Viễn Đông”.
3.Có một nỗi đam mê khó diễn tả trong những ngày tháng Tư này, không thể không nghe và thầm hát những ca khúc rạo rực niềm vui đi cùng năm tháng, kể từ tháng 4/1975
“Hội toàn thắng náo nức đất nước
Ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang
Ta muốn reo vang hát ca muôn đời Việt Nam
Tổ quốc anh hùng”
“Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà, sáng tác ngay đêm 30/4/1975.
“Từ đây người biết quê người,
từ đây người biết thương người,
từ đây người biết yêu người…”
“Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao, sáng tác vào mùa xuân 1976, mỗi khi giai điệu valse tuyệt đẹp vang lên là lòng người cũng như bồi hồi với một mùa xuân mới, từ năm 2001 ca khúc này đã được dùng như bản nhạc “hiệu” mùa xuân khắp trong Nam ngoài Bắc.
“… Bao năm vẫn đợi chờ
mà niềm vui nay đến bất ngờ
Ngày đi như trong đêm mơ,
tuổi lớn rồi mà như ngây thơ…”.
“Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” của nhạc sĩ Xuân Hồng được sáng tác năm 1978. Đây là một trong những ca khúc hay nhất viết về ngày vui độc lập của dân tộc, nhũng lời của ca khúc như tiếng từ trái tim người dân Việt Nam, hạnh phúc trong niềm vui hòa bình, thống nhất đất nước, ước mơ của ngàn đời cha ông nay thành hiện thực..
Và không thể không nhớ …
“Thành phố Hồ Chí Minh
ngời ngời rực sáng tương lai,
trong mỗi trái tim,
trong mỗi ước mơ,
trong mỗi cuộc đời ta luôn nhớ Bác".
“Tiếng hát thành phố mang tên Người”, nhạc Cao Việt Bách, lời của nhà báo Đăng Trung, ca khúc được sáng tác ngày 3/5/1975, sau ba ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.
Để 45 năm sau, khi cất giọng hát “Từ thành phố này Người đã ra đi…”, là lại thêm tự hào về thành phố của tôi, thành phố Sài Gòn, thành phố mang tên Người - Thành phố Hồ Chí Minh./.