Cách đây vừa tròn 50 năm, ngày 21/7 năm Kỷ Dậu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về với cõi người hiền, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với đồng bào chiến sỹ cả nước. Cũng trong giờ phút đau thương đó, cả dân tộc sát cánh theo lời Di chúc – Di sản quý báu của Người tiếp tục vượt ghềnh thác, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam tiếp tục vươn về phía trước. Kỷ niệm 50 năm Bác Hồ đi xa, 50 năm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp cùng tỉnh Nghệ An - quê Bác và Thành phố Hồ Chí Minh - thành phố mang tên Bác, tổ chức cầu phát thanh, truyền hình mang tên: “Muôn vàn tình thương yêu”. Đây là cầu phát thanh, truyền hình được chuẩn bị công phu, nhiều tâm huyết và sáng tạo với sự tham gia của đông đảo các nghệ sĩ, diễn viên trên cả nước.
|
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ về chương trình văn hóa - nghệ thuật"Muôn vàn tình thương yêu". |
PV: Đài Tiếng nói Việt Nam đang chuẩn bị thực hiện chương trình văn hóa - nghệ thuật "Muôn vàn tình thương yêu", phải chăng đây là nén tâm nhang mà Đài Tiếng nói Việt Nam thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh?
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Năm nay toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm 50 năm Bác đi xa và nhìn lại, đánh giá lại 50 năm thực hiện Di chúc của Người. Cũng giống như nhiều ban, bộ, ngành, địa phương, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng có những hoạt động thiết thực.
Trước tiên, chúng tôi đẩy mạnh hoạt động 50 năm thực hiện Di chúc của Bác tại trong toàn đơn vị và rút ra các bài học bổ ích.
Tiếp đến, bằng tấm lòng của những người làm báo, chúng tôi bàn với các lãnh đạo, tổ chức một cầu truyền hình mang tên Muôn vàn tình thương yêu tại 3 điểm cầu: Hà Nội, khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) và Bến nhà Rồng (TP.HCM).
Đây là chương trình văn hóa - nghệ thuật đặc sắc, tôn vinh giá trị trường tồn Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và chỉnh đốn Đảng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện mục tiêu độc lập gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Đài Tiếng nói Việt Nam có thế mạnh cả phát thanh, truyền hình và báo điện tử. Chúng tôi sử dụng tất cả các thế mạnh này để kết nối ba điểm cầu là Hà Nội - nơi Bác sống lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Nghệ An là nơi Bác sinh ra và TP.HCM là nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước. Ba địa phương này cũng coi như đại diện cho 3 miền Bắc - Trung - Nam.
Khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện chương trình này chính là phần ý tưởng và nội dung. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, chúng tôi quyết định bám vào Di chúc của Bác, nắm chắc quan điểm, tư tưởng, đạo đức của Người.
Trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rất rõ về sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước, tình yêu thương con người, tình cảm quốc tế trong sáng, nỗi canh cánh về xây dựng Đảng, làm sao Đảng ta thực sự là Đảng cầm quyền vì lợi ích của nhân dân, đất nước. Mỗi cán bộ đảng viên, như Bác nói, vừa là người lãnh đạo vừa là đầy tớ trung thành của nhân dân.
Bác dặn dò sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta phải chăm lo cho thế hệ trẻ.
Bác cũng đề cập tới những vấn đề quốc tế như: Đoàn kết quốc tế, kết hợp vấn đề dân tộc với thời đại.
Khi bàn về ý tưởng làm chương trình này, chúng tôi thống nhất quan điểm: Nhìn lại 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, chúng ta không chỉ nói về những gì làm được mà còn đề cập tới cả những điều chúng ta còn băn khoăn, trăn trở, làm được chưa nhiều hoặc chưa tốt.
Những day dứt đó chính là những điều mà Đài Tiếng nói Việt Nam mong muốn thông qua chương trình Muôn vàn tình thương yêu truyền được đến với mọi người, để thấy vừa tự hào với những nỗ lực, thành quả đạt được vừa thấy nhiệm vụ, trách nhiệm lớn lao trong chặng đường phía trước.
PV: Bản Di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh được ví như ngọn đuốc soi đường cho dân tộc. Ở đó có sự kết tinh tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Vậy các tiết mục nghệ thuật được lựa chọn như thế nào để chuyển tải được ý nghĩa chính trị sâu sắc này?
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Tôi xin bí mật để tạo cho người xem sự đón đợi, tò mò. Tôi chỉ có thể khẳng định rằng, những người tổ chức chương trình này cộng đồng trách nhiệm, làm tốt nhất nhiệm vụ được giao để gắn kết công chúng ở Hà Nội - Nghệ An và TP.HCM. Đây cũng chính là tư tưởng của Bác về đoàn kết, đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế.
PV: Vậy tên của chương trình văn hóa-nghệ thuật “Muôn vàn tình thương yêu” hàm chứa nhiều thông điệp, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Đây là một câu trong Di chúc của Bác. Bác để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, cho các cháu thiếu niên nhi đồng yêu quý, cho bạn bè thế giới. Chúng ta cũng dành muôn vàn tình thương yêu vâng theo lời Bác, thực hiện Di chúc của Bác.
Đây là chương trình nghệ thuật mang đậm chất chính luận. Thông qua phong cách dẫn chương trình, lời bình, phóng sự, tiểu phẩm để cùng đi lại chặng đời rất quan trọng của Bác, những lời dặn dò, chỉ bảo của Bác với lớp con cháu. Chất chính luận sẽ làm nổi bật tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.
Phần nghệ thuật chọn những bài hát, tiểu phẩm tạo sự xúc động đối với công chúng phát thanh và truyền hình, báo điện tử. Từ tình cảm đó, chúng ta thấy được trách nhiệm của mình đối với việc xây dựng đất nước.
PV: Đài Tiếng nói Việt Nam đã và đang tổ chức những chương trình nghệ thuật vào những ngày lễ lớn của đất nước. Lần này, ông có kỳ vọng gì vào sự lan tỏa và tác động tới cộng đồng của chương trình "Muôn vàn tình thương yêu"?
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Di chúc của Bác trước hết đó là tấm lòng của Bác với đất nước với thế hệ sau. Nó khác với nghị quyết. Nó chứa đựng tình cảm, văn hóa, con người của Bác, là lời dặn dò của Bác với thế hệ mai sau.
Khi khởi thảo bản Di chúc lần đầu tiên, việc đầu tiên Bác nói là về con người. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chăm lo cho con người là việc quan trọng nhất.
Sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, suy cho cùng cũng là để cho người dân có cuộc sống ấm no, dân chủ hơn, công bằng hơn, để Việt Nam từng bước sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Chăm lo cho con người thì trước hết phải chăm lo công tác xây dựng Đảng. Vì Đảng có gương mẫu, có vững mạnh thì mới lấy được niềm tin của nhân dân.
Bác căn dặn nhiều lần làm cán bộ không phải để làm quan phát tài mà để phục vụ nhân dân, là công bộc của nhân dân, phải mẫn cán, liêm khiết.
Bác dặn dò phải chăm lo tới thế hệ trẻ, thiếu niên nhi đồng. Bác cũng dặn chăm lo cho đời sống của nông dân. Sau chiến tranh phải phát triển nông nghiệp, để cuộc sống của nông dân đỡ vất vả hơn.
Tấm lòng cao cả của Hồ Chí Minh luôn nghĩ cho tất cả mọi người.
|
"Bản di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh được ví như ngọn đuốc soi đường cho dân tộc". |
Tôi hy vọng với sự nỗ lực của toàn bộ ê-kíp, chương trình văn hóa - nghệ thuật Muôn vàn tình thương yêu sẽ đạt được nhiều thành công để đáp ứng sự mong mỏi của công chúng. Chúng tôi sẽ cố gắng để trong dịp này, chúng ta có một sản phẩm không chỉ là báo chí mà còn hàm chứa chất văn hóa.
Chương trình văn hóa - nghệ thuật Muôn và tình thương yêu không chỉ phục vụ trong nước, mà còn cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.
Tôi tha thiết mời công chúng theo dõi chương trình qua những phương tiện của Đài như phát thanh, truyền hình, ứng dụng VOV media, trực tiếp trên VOV.VN, VTCnews.... Hãy cùng những người làm báo ở VOV nghĩ về Bác để lòng trong sáng hơn, cùng gắng sức xây dựng, bảo vệ đất nước.
Chúng tôi hy vọng, chương trình sẽ tạo ra sức lan tỏa trong xã hội. Đây là dấu mốc đánh dấu sự trưởng thành về nghề nghiệp của các nhân sự ở trong Đài Tiếng nói Việt Nam. Đây cũng là công trình chào mừng 74 năm thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam (7/9/1945-7/9/2019).
Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức chương trình Muôn vàn tình thương yêu vào ngày 21/8 nhưng theo lịch âm là 21/7, đúng là ngày mất của Bác. Đây cũng là nét đặc biệt của chương trình. Có thể coi đây là một lễ giỗ của Bác nhưng thay vì những nghi thức dân tộc, đó là một lễ giỗ về văn hóa, một sản phẩm văn hóa dâng lên Bác.
Đài Tiếng nói Việt Nam đã mời lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các địa phương, ban, bộ, ngành tới tham dự chương trình văn hóa - nghệ thuật rất đặc biệt này.
Vâng xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ!