Ngày Thế giới không thuốc lá 2021: ''Cam kết bỏ thuốc lá''

(VOV5) - Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, năm 2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn chủ đề “Cam kết bỏ thuốc lá” dành cho Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5).

Thông qua chủ đề năm nay, WHO kêu gọi các quốc gia tăng cường thực hiện các dịch vụ cai nghiện thuốc lá, khuyến khích người hút thuốc tiếp cận các dịch vụ cai nghiện thuốc lá theo khuyến cáo của WHO.

Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25 đến 31/5), Bộ Y tế kêu gọi các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương; ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá, giảm tỷ lệ người dân hút thuốc lá tại Việt Nam.

Ngày Thế giới không thuốc lá 2021: ''Cam kết bỏ thuốc lá'' - ảnh 1PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá trả lời báo chí nhân Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) và Tuần lễ Quốc gia không khói thuốc (25 -31/5/2021). Ảnh: t5g.org.vn

Theo WHO, trên thế giới có khoảng 780 triệu người muốn bỏ thuốc lá. Trong đại dịch COVID-19 đã có thêm hàng triệu người muốn bỏ thuốc vì lo ngại hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc COVID-19, nhất là những người đã mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp, ung thư, tiểu đường.

Thời gian qua, Việt Nam thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, với sự hỗ trợ của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá. Kết quả điều tra tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020 cho thấy, so với năm 2015 tỷ lệ hút thuốc chung ở người trưởng thành giảm từ 22,5% xuống 21,7%. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới.

Ngày Thế giới không thuốc lá 2021: ''Cam kết bỏ thuốc lá'' - ảnh 2Ảnh: TTXVN
Ngày Thế giới không thuốc lá 2021: ''Cam kết bỏ thuốc lá'' - ảnh 3Việc ngăn ngừa hút thuốc trong giới trẻ là một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá. Nguồn: Báo Giao thông
Ngày Thế giới không thuốc lá 2021: ''Cam kết bỏ thuốc lá'' - ảnh 4Mặc dù có biển cấm nhưng nhiều người vẫn vô tư hút thuốc lá trong bệnh viện. Ảnh: Lan Hương/kinhtedothi.vn

Để đảm bảo hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá được triển khai sâu rộng, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố, bộ, ngành, đoàn thể cần tăng cường phối hợp liên ngành trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Các đơn vị cần tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ đề của Ngày Thế giới không thuốc lá, lợi ích của việc bỏ thuốc lá, các biện pháp cai nghiện thuốc lá…

Song song với việc tuyên truyền tới các cơ quan, tổ chức và người dân về tác hại của thuốc lá điếu thì cũng cần kịp thời phổ biến thông tin về tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha.

Ngày Thế giới không thuốc lá 2021: ''Cam kết bỏ thuốc lá'' - ảnh 5Cuộc thi “Vì cuộc sống không thuốc lá cho trẻ em Việt Nam” chính thức được phát động trực tuyến trên mạng xã hội Facebook. Nguồn: nhandan.vn 
Ngày Thế giới không thuốc lá 2021: ''Cam kết bỏ thuốc lá'' - ảnh 6Toạ đàm  trực tuyến với thông điệp “Hãy từ bỏ thuốc lá vì sức khỏe của người thân yêu". Nguồn: VOV
 
Ngày Thế giới không thuốc lá 2021: ''Cam kết bỏ thuốc lá'' - ảnh 7Các cơ quan, đơn vị tỉnh Cà Mau đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của Luật phòng chống tác hại thuốc lá. Ảnh: Phương Vũ/camau.gov.vn

Tổ chức Y tế thế giới đã lựa chọn và đưa ra những lý do chính đáng nhất để mọi người không hút thuốc và từ bỏ việc hút thuốc lá. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp. Thuốc lá là một yếu tố  có thể làm trầm trọng hơn các bệnh về nhiễm trùng đường hô hấp, trong khi COVID-19 là một bệnh truyền nhiễm chủ yếu ảnh hưởng đến phổi. Hút thuốc ảnh hưởng đến chức năng phổi và ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng chống lại virus Sars CoV-2 của cơ thể và các bệnh khác.

- Sau 20 phút không hút thuốc, nhịp tim và huyết áp bắt đầu giảm.

- Sau 12 giờ, mức độ carbon monoxide trong máu trở lại mức bình thường.

- Sau 2 – 12 tuần, lưu thông máu và dung tích phổi cải thiện đáng kể.

- Sau 1 – 9 tháng, ho và khó thở giảm.

- Sau 5 – 15 năm, nguy cơ đột quỵ là tương đương với người không hút thuốc.

- Sau 10 năm, nguy cơ phát triển ung thư phổi chỉ bằng một nửa so với người hút thuốc.

- Sau 15 năm, nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành tương đương với người không hút thuốc.

Phản hồi

Các tin/bài khác