Nhân chứng lịch sử xúc động tại buổi Trưng bày chuyên đề "Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội”

(VOV5) - Toàn bộ không gian trưng bày được trang trí theo nghệ thuật sắp đặt, như một lời tri ân và là tấm lòng biết ơn của những người dân Hà Nội với Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu.

Ngày 18/5, tại Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội” và Không gian nghệ thuật “Sen thư pháp”. Đây là trưng bày do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Hội Di sản văn hóa Việt Nam thực hiện nhân dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023).

Nhân chứng lịch sử xúc động tại buổi Trưng bày chuyên đề Ảnh: Bảo tàng Hà Nội

Trưng bày giới thiệu đến công chúng hơn 200 tài liệu hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hà Nội là nơi ghi dấu tình cảm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc rất nhiều nơi; trong đó Thủ đô Hà Nội là nơi Người gắn bó lâu nhất (17 năm, từ năm 1945-1946 và từ năm 1954-1969). Hà Nội ghi dấu 292 địa danh liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước.

Nhân chứng lịch sử xúc động tại buổi Trưng bày chuyên đề Không gian trưng bày Sen thư pháp. Ảnh: Bảo tàng Hà Nội

Nội dung các trưng bày gồm 3 chủ đề: "Thủ đô Hà Nội với Bác Hồ"; "Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội" và "Hà Nội làm theo lời Bác". Ngoài ra là không gian nghệ thuật “Sen thư pháp” Trưng bày giới thiệu gần 40 tác phẩm Sen thư pháp kết hợp với những bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những câu châm ngôn về cuộc sống vô cùng ý nghĩa. Đây là những bức Sen thư pháp nằm trong bộ sưu tập "Sen trong đời sống văn hoá Việt" của bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - kỷ lục gia được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục vào ngày 17/4/2021, là người sở hữu bộ sưu tập đa dạng các tác phẩm có hình tượng Sen và đã được triển lãm ở nhiều nơi trong nước. Toàn bộ không gian trưng bày được trang trí theo nghệ thuật sắp đặt, như một lời tri ân và là tấm lòng của những người dân Hà Nội luôn biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Nhân chứng lịch sử xúc động tại buổi Trưng bày chuyên đề Không gian trưng bày. Ảnh: Bảo tàng Hà Nội
Nhân chứng lịch sử xúc động tại buổi Trưng bày chuyên đề Bà Lê Bích Châu bên bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu thiếu nhi (có hình bà Lê Bích Châu hồi nhỏ).

Bà Lê Bích Châu - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ba Đình, trao tặng trưng bày bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu thiếu nhi (trong đó có bà Lê Bích Châu hồi nhỏ), chụp ngày 01/01/1956 tại Phủ Chủ tịch. Bà bồi hồi kể lại kỷ niệm với Bác Hồ: "Hồi đó tôi còn nhỏ lắm, được gặp Bác mà tôi thấy Bác như ông tiên vậy. Tôi sung sướng và vinh dự lắm. Ngày nhỏ, tôi luôn tự nhủ mình phải làm theo 5 điều Bác Hồ dạy, đến khi lớn lên phấn đấu trở thành công dân ưu tú của Thủ đô, của đất nước".

Nhân chứng lịch sử xúc động tại buổi Trưng bày chuyên đề Bà Đỗ Thị Tâm, cựu chiến binh đơn vị Pháo Phòng không Mễ Trì.

Bà Đỗ Thị Tâm, cựu chiến binh chia sẻ cảm xúc: "Tôi là chiến sỹ trực thuộc đơn vị Pháo Phòng không Mễ Trì. Đơn vị tôi lập thành tích bắn rơi một chiếc máy bay của quân địch năm 1972. Tôi đến đây và được xem những bức ảnh, cuốn băng, những tư liệu lịch sử quý giá về cuộc đời hoạt động Cách mạng của Bác Hồ. Bác đã đi xa nhưng lời răn dạy của Bác vẫn vang vọng với toàn quân, toàn dân và các thế hệ học sinh".

Nhân chứng lịch sử xúc động tại buổi Trưng bày chuyên đề Các em học sinh bày tỏ sự tự hào và xúc động khi được xem những tư liệu quý về Bác Hồ.

Được biết, Trưng bày mở cửa đón khách từ ngày 18/5/2023 và kéo dài đến hết năm 2023./.

Minh Minh/VOV.VN

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phản hồi

Các tin/bài khác