Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ và các cuộc chiến biên giới bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ đất nước, đề tài thương binh liệt sĩ được các nhạc sĩ sáng tác khá nhiều, trong đó có rất nhiều ca khúc đã trở thành giai điệu đi cùng năm tháng, sống mãi trong trái tim người Việt.
Những ca khúc quen thuộc như “Lời anh vọng mãi ngàn năm” (Vũ Thanh), “Những cánh chim Hồng Gấm” (Phạm Tuyên), “Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương” (Nguyễn Đức Toàn), “Bế Văn Đàn sống mãi” (Huy Du), “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” (Nguyễn Đức Toàn), “Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh” (Bảo Chung), “Đất nước” (Phạm Minh Tuấn), “Anh thương binh trên đồng lúa” (Lê Lôi), “Người thầy giáo thương binh” (Phạm Tuyên), “Những người con trung hiếu” (Bửu Huyền)…
Hoa cúc vàng và hạc giấy trong lễ tưởng niệm ở Gạc Ma - Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Mỹ Trà |
Đặc biệt, một số ca khúc đã trở thành những giai điệu không thể nào quên, mỗi khi nghe, trái tim như một lần xúc động trong niềm biết ơn vô hạn những người đã hiến cả tuổi thanh xuân cho đất nước …
Hồn tử sĩ của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là ca khúc đầu tiên ghi nhận công ơn của tất cả những anh hùng đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc. Hương hồn của họ như vẫn quyến luyến trong từng nốt nhạc tiếc thương:“Đêm khuya âm u ai khóc than trong gió ngàn… hồn ai đang thổn thức…”.
Một khúc ca mang đậm chất mặc niệm chung cho sự hy sinh cao cả, cho sự sống và quê hương mãi trường tồn. Giai điệu ca khúc này đã trở thành một nghi thức không thể thiếu trong các nghi lễ kỷ niệm hay sự kiện của đất nước.
Cỏ non thành cổ
Ca khúc được nhạc sĩ Tân Huyền sáng tác vào ngày đầu xuân năm 1990, khi đi thực tế để viết về đề tài chiến tranh cùng các nhạc sĩ Huy Thục, Thuận Yến, Vũ Thanh. Nhóm nhạc sĩ đã đến Quảng Trị, nơi từng diễn ra cuộc chiến khốc liệt nhất với những địa danh Khe Sanh, Ái Tử, Cồn Tiên, Dốc Miếu và đặc biệt là cuộc chiến bi tráng 81 ngày đêm máu lửa ở Thành cổ Quảng Trị đã đi vào lịch sử.
“Tôi đến Thành cổ Quảng Trị vào một buổi sáng mùa xuân đẹp trời. Trên cao, những đám mây trắng bồng bềnh trôi. Dưới mặt đất, những thảm cỏ non xanh rờn trải rộng. Khi đến nhà lao Quảng Trị, vẫn cỏ non xanh như thế. Trong tôi chợt bật lên giai điệu đầu tiên của bài hát: Cỏ non Thành cổ, một mầu xanh non tơ/ Bình minh Thành cổ, cỏ mềm theo gió đung đưa/ Nào có ai ngờ, nơi đây một thời máu đổ/ Người vợ nào, người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ, khi chồng con không trở về…. Sau khi trở về, bâng khuâng với suy nghĩ, nhiều lúc chúng ta vô tình quên đi quá khứ hào hùng của các thế hệ trước, quá khứ hào hùng ấy lại được tô thắm bằng xương máu của bao lớp người. Và đoạn hai của ca khúc: Cho tôi hôm nay vào Thành cổ, thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ/ Cỏ xanh non tơ xin chớ vô tình với người hy sinh..
Màu hoa đỏ
Ca khúc được viết dựa trên bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. Được sáng tác trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ, ca khúc có thoáng chút bi thương, song giấu trong đó là niềm tin tất thắng vào ngày mai. “Màu hoa đỏ” chính là hào quang chiến thắng, không phải trong mơ mà trở thành hiện thực vào ngày 30/4/1975 lịch sử.
Không thể không rưng rưng khi nghe “Màu hoa đỏ” với những ca từ thấm đẫm trữ tình lẫn bi tráng: “Dòng tên anh khắc vào đá núi, mây ngàn hóa bóng cây che/ Chiều biên cương trắng trời sương núi/ Mẹ già mỏi mắt nhìn theo…/ Núi cao như tình mẹ, bốn mùa tóc bạc nỗi thương con…”
Bài ca không quên
Đây là ca khúc của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, được đặt hàng cho bộ phim cùng tên. Trong những hồi niệm sau này, ông nói ca khúc đã được sáng tác như để trả nợ chính mình. Cũng chính bởi vậy mà “Bài ca không quên” thấm đẫm những giá trị tình cảm thiêng liêng nhất, tình cảm gia đình, tình mẫu tử, tình đồng đội và cả tình yêu đôi lứa…
Phạm Minh Tuấn có 15 năm ôm súng ngang dọc khắp chiến trường miền Nam thời kỳ khó khăn, khốc liệt nhất. Ông tận mắt chứng kiến những gian khổ, tự tay chôn những đồng đội hy sinh, đau đớn đến buốt tim gan hơn là phải chứng kiến đứa con đầu lòng 6 tháng tuổi của mình qua đời vì ngạt thở trong vòng tay mẹ để không lọt ra tiếng khóc, bảo vệ sự an toàn của mấy chục cán bộ chiến sĩ quân Giải phóng trong một trận càn…“Bài ca tôi không quên tôi không quên những người đã ngã/
Bài ca tôi không quên tôi không quên gửi trọn đời cho tất cả…”
Huyền thoại mẹ
Là ca khúc kinh điển của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết về những người mẹ Việt Nam anh hùng. Ca khúc “Huyền thoại mẹ” được nhạc sĩ sáng tác khi thăm Bảo tàng ở Quảng Bình vào đầu năm 1984. Khi nhìn bức ảnh chụp mẹ Suốt, người từng kiên cường chèo chiếc đò ngang dưới mưa bom bão đạn, đưa bộ đội qua sông trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, ông đã không kìm được sự xúc động. Chính điều đó đã là cảm xúc để ông sáng tác ca khúc “Huyền thoại mẹ” với tấm lòng thành kính về những hy sinh thầm lặng của những người mẹ Việt Nam trong thời chiến… “Mẹ về đứng dưới mưa/ Che đàn con nằm ngủ/ Canh từng bước chân thù/… Mẹ chìm trong đêm tối/ Gió mưa tóc che lối con đi…”
Vết chân tròn trên cát
Đây là một sáng tác của nhạc sĩ Trần Tiến về đề tài những người thương binh và được nhiều người nghe yêu thích nhất. Nhạc sĩ Trần Tiến kể: Vào năm 1981, trong một lần đi dạo quanh bãi biển Tiền Hải (Thái Bình), bắt gặp những dấu nạng in hằn trên cát biển. Ông đã dò hỏi người dân xung quanh và biết được dấu nạng đó chính là của một anh thương binh bị thương tật ở chân, đang trên đường đi đến trường dạy học cho các em nhỏ trong làng.
Xúc động vì hình ảnh những dấu tròn trên cát đó, nhạc sĩ đã sáng tác ca khúc khi trên đường đi bộ từ bãi biển về nhà trọ. “Bài hát có ngọn núi quê anh xa vời, bài hát có đồng lúa mênh mang câu hò/ Bài hát có người lính đã hy sinh âm thầm/ Cho hôm nay những vết chân son vui quanh dấu chân tròn/… Bài hát có ngọn gió cuốn bay theo dấu chân tròn, để lại một bài ca trên cát trắng bao la”.
Dáng đứng Việt Nam
Chiến dịch Tổng tấn công mùa xuân Mậu thân 1968, đêm ngày 30/1, chỉ huy Tiều đoàn 16 đặc công (D16) nhận lệnh Tổng công kích- Tổng khởi nghĩa của Bộ Chỉ huy miền, D16 được biên chế vào đội hình Trung đoàn 31 của Phân khu 2 Long An đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất.
Ở mũi tiến công của Đại đội 1 đánh chiếm đường băng và khu để máy bay địch, Chính trị viên phó Nguyễn Văn Mẹo đã hy sinh trong tư thế rất đặc biệt dựa vào xác chiếc xe tăng M113 bị quân ta bắn hỏng, vẫn kẹp súng AK trong tay chĩa họng súng như chờ quân địch đến gần để nhả đạn.
Và hình ảnh này đã là “nguyên mẫu” mà nhà thơ Lê Anh Xuân, cùng tham gia chiến dịch đã chứng kiến cản tượng bi hùng này. Ông đã sáng tác bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” chỉ gần như ngay sau đêm đó.
Bắt được không khí bi tráng và nhiều nhạc điệu của bài thơ, nhạc sĩ Nguyễn Chí Vũ với trái tim đầy cảm xúc đã phổ nhạc, với đoạn đầu vừa trầm hùng vừa như kể chuyện, đoạn sau vút lên thành cao trào giống như đường đi của viên đạn, dồn đập, hào sảng. "Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ/ Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường/ Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ… /Anh giải phóng quân ơi, tên anh đã thành tên đất nước/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân/ Từ dáng đứng của anh trên đường băng Tân Sơn Nhất, dáng đứng tự hào/ Dáng đứng Việt Nam"…