“Thực sự bà không phải là nhà thơ dành cho đám đông. Bà hẳn là nhà thơ trông mong những độc giả thông minh sẵn có, đó không phải là điều mà bạn luôn nhận biết ra được trong thơ ca đương đại” - Michael Schmidt, Giám đốc điều hành NXB Carcanet tại Vương quốc Anh đã nhận định về Louise E. Glück với Telegraph như vậy.
Những tác phẩm của Glück đều mang dấu ấn cảm xúc mãnh liệt và kỹ thuật viết chính xác tinh tế. Các bài thơ của bà thể hiện cái tôi đang lắng nghe những gì còn sót lại của mơ ước và liên tưởng, và không một ai có thể khắc nghiệt hơn bà trong việc đối diện với những mộng tưởng của cái tôi.
“…Điều quan trọng đối với tôi là sự sâu sắc và phản hồi tinh tế của độc giả và liệu rằng những phản hồi này có bền lâu không. Đối với tôi, ý tưởng mở rộng khán giả đến với thơ có vẻ như lố bịch”.
Glück kiếm tìm sự phổ quát mà ở đó bà đã lấy cảm hứng từ những câu chuyện thần thoại và những mô-tuýp cổ điển thường hiện diện trong hầu hết các tác phẩm của mình. Những nhân vật bị bỏ rơi, bị trừng phạt và bị phản bội như Dido, Persephone và Eurydice là những chiếc mặt nạ cho một cái tôi trong giai đoạn chuyển đổi, cũng như đầy tính cá nhân phổ quát phù hợp.
“Louise Glück là một trong những nhà thơ Hoa Kỳ nổi tiếng nhất, chúng tôi rất vui mừng khi được biết bà nhận được giải Nobel Văn học năm nay, Những bài thơ, tổng thể tác phẩm và giọng văn hoàn toàn đặc biệt của bà đã thể hiện thân phận con người bằng thứ ngôn ngữ ngoạn mục, đáng nhớ” - Michael Jacobs, Chủ tịch Viện Hàn lâm Thơ ca Hoa Kỳ đã nói trong một phát biểu của mình.
Louise E. Glück sinh ra tại New York và lớn lên tại Long Island. Từ thuở ấu thơ, bà đã biết đọc rất sớm và với nguồn cảm hứng đến từ cha - ông Daniel Glück, người rất thích làm các bài vè - và cả hai cha con đã cùng nhau viết lách. Glück tìm thấy niềm hạnh phúc khi đắm chìm trong những cuốn tiểu thuyết và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình lớn lao từ cha mẹ. Bà đã viết các tập thơ từ rất sớm và đã gửi đi xuất bản bản thảo cuốn sách đầu tay vào khoảng năm 13, 14 tuổi tuy sau đó bị gửi trả lại. Bà vẫn tiếp tục kiên trì gửi đăng những sáng tác của mình qua tạp chí.
Trải qua suốt thời niên thiếu, Glück mắc phải chứng bệnh chán ăn tâm lý. Nguyên nhân sâu xa là từ việc bà luôn muốn khẳng định tính độc lập của bản thân khỏi mẹ mình “có tinh thần sở hữu con rất mãnh liệt”. Vào thời điểm ấy, bà tự cho rằng cần phải tìm giải pháp để thoát khỏi vòng kiểm soát và đồng thời thực hiện ý tưởng nhằm đạt được một cơ thể thuần khiết. “Đó là một kế hoạch tuyệt vời. Vấn đề là ở chỗ bạn dễ chết vì nó” - Glück hồi tưởng lại.
Cho đến khi chợt nhận ra cơ thể ngày càng sụt cân và ý thức được việc không kiểm soát được hành vi suy nghĩ, cô bé 16 tuổi Glück hiểu được rằng cái chết có thể sẽ đến với mình vào bất kể lúc nào; và điều chắc chắn rằng cô không muốn chết, cho dù vào lúc đó thì quan niệm về cái chết lại được dùng ẩn dụ thảm hại cho việc lập ra rào cản giữa cô và mẹ. Chỉ đến bấy giờ thì Glück mới tìm tới mẹ mình để đề nghị được gặp nhà phân tâm học để chữa bệnh.
Trong quãng thời gian điều trị 7 năm tiếp theo, Glück cũng dừng việc viết lách do phản ứng tự vệ với bản thân: những gì sợ hãi thì bị lờ đi; các thứ bị lờ lại chính là những cảm xúc chủ đạo mà thường không thể hiện ra được trong các ý thơ. Vì lẽ đấy, việc điều trị bằng phương pháp phân tâm học khiến cho bà cảm thấy như bị soi hết mọi chân tướng. Glück cũng hay đem chuyện này than phiền với bác sĩ điều trị rằng thể trạng tốt dần sẽ khiến bà không thể viết lách được nữa. Cuối cùng, vị bác sĩ đã ôn tồn nói, khiến bà phải lặng câm: “Thế giới sẽ có dư phiền muộn cho em thôi…”. Bác sĩ đã rất chính xác: Thế giới của Glück luôn tràn ngập nỗi đau…
Louise Glück từng theo học tại ĐH Sarah Lawrence và ĐH Columbia nhưng đều rời bỏ mà không lấy bằng. Tại Trường Nghiên cứu Tổng hợp của ĐH Columbia, khi theo các lớp ban đêm của nhà thơ Léonie Adams và Stanley Kunitz, bà đã tìm thấy tiếng nói cho chính mình - họ đã có ảnh hưởng khá lớn giúp cho Glück trong sự nghiệp văn chương.
“…Viết lách cũng là cách báo đền cho hoàn cảnh xui xẻo, mất mát, đớn đau. Nếu bạn tạo ra được gì từ đó thì bạn sẽ không còn bị những sự kiện này đánh bại nữa.”
Trong suốt sự nghiệp hơn 50 năm, với 14 tuyển tập thơ và một số tác phẩm tiểu luận khác, Louise E. Glück đã trải qua những quãng thời gian làm việc cường độ cực cao, tuy sau đấy là nhiều tháng hoặc thậm chí không ít năm bà đã phải ngưng hoạt động sáng tác khi “chạm ngưỡng” - giai đoạn cạn kiệt sức sáng tạo. Điều này thể hiện qua các mốc thời gian của những tác phẩm của bà.
Người ta cho rằng Glück sẽ lấy làm hạnh phúc nếu bà có duy nhất độc giả nào đó rất tận tụy, cẩn thận nghiền ngẫm những cuốn sách của bà trong cô đơn. Đối với những ai ái mộ, khi đọc một bài thơ của Glück có thể cảm thấy mình như đang trở thành một độc giả như vậy, đọc ra được những ý tứ chỉ dành cho đôi mắt của riêng mình. Glück viết về tình yêu và sự cô lập, về cái chết và sự tái sinh - trong các bài thơ, bà thường sử dụng ngôn từ đơn giản, thoải mái để tạo ra cảm giác gần gũi, không phải e dè phòng hờ.
Có trong tuyển tập được nhiều lời tụng ca là Ararat (1990), bài thơ “Van than” (“Lament”) đã thể hiện tiêu biểu chất thơ của Glück: cách tiếp cận mô-tuýp cái chết với sự duyên dáng và nhẹ nhàng đáng kể. Điều thú vị ấy là khi “Van than” có vẻ như biểu lộ cảm xúc đau buồn của những người còn sống, song bài thơ thực chất lại mang tính độc thoại của người đã khuất.
Suddenly, after you die, those friends
who never agreed about anything
agree about your character.
They’re like a houseful of singers rehearsing
the same score:
you were just, you were kind, you lived a fortunate life.
No harmony. No counterpoint. Except
they’re not performers;
real tears are shed.
Luckily, you’re dead; otherwise
you’d be overcome with revulsion.
But when that’s passed,
when the guests begin filing out, wiping their eyes
because, after a day like this,
shut in with orthodoxy,
the sun’s amazingly bright,
though it’s late afternoon, September—
when the exodus begins,
that’s when you’d feel
pangs of envy.
Your friends the living embrace one another,
gossip a little on the sidewalk
as the sun sinks, and the evening breeze
ruffles the women’s shawls—
this, this, is the meaning of
“a fortunate life”: it means
to exist in the present.
Tạm dịch:
Chợt có ngày ta nhắm chặt hàng mi
bạn bè nào vốn chưa từng bao giờ chung nhịp
lại nhất tâm đồng lòng về tính tình ta, xác thực.
Chẳng khác dàn đồng ca tập dượt
cùng vang lên nhịp khúc dao đồng:
mày vẫn vậy, tử tế, đời mày đầy may mắn.
Không hài hòa. Không thân thiện. Ngoại trừ
bọn bay chẳng thể nào diễn được;
chỉ có mỗi lệ rơi là thật.
May đôi mi ta đã kịp khép; nếu khác đi
ta chắc hẳn khó mà rời cõi tạm.
Nhưng sự thì đã rồi
phòng kín chỗ, vội vã quệt lau hàng lệ
bởi lẽ sau cái ngày này như thế,
chính thống ngập tràn đức tin diệu vợi,
long lanh ánh nắng diệu kỳ,
cho dù đó là muộn chiều, tháng Chín -
là nơi nao miền đất hứa khởi sinh,
ấy là chính lúc ta như chợt thấy
trỗi vùng tâm can bao nỗi ghen thầm.
Bạn bè ta còn ở lại với vòng tay ôm chặt,
khẽ buôn chuyện xưa trên bước phố lặng tênh
như sợi nắng lụi dần, và gió chiều xao xác muộn
gợn sóng mơn man dải khăn bờ vai phái nữ -
hẳn đây, chính đây mới đúng là đích thực
cái “may mắn sống đời”: tức nghĩa là
hiện diện bây giờ, trong khoảnh khắc này đây.
Cũng có một số nhà bình luận cho rằng, Giải thưởng Nobel về Văn học 2020 là sự lựa chọn an toàn khi mấy năm gần đây Hội đồng Giải thưởng đã phải hứng chịu nhiều dư luận không mấy hay ho: bê bối tình dục dẫn đến việc không trao được giải thưởng Văn học đúng vào năm 2018, kế đó là phản ứng khá gay gắt của cộng đồng quốc tế đối với người được giải thưởng năm 2019 là Peter Handke.
Song, Chủ tịch Uỷ ban Nobel là Anders Olsson đã kết về Giải thưởng Nobel Văn học 2020: “Thế giới tan rã là chỉ để lại trở nên diệu kỳ hơn thêm mà thôi”. Và Louise E. Glück thực sự xứng đáng với Giải thưởng Nobel với những tác phẩm tầm cỡ của mình: Thơ: Firstborn (1968); The House on Marshland (1975); Descending Figure (1980); The Triumph of Achilles (1985); Ararat (1990); The Wild Iris (1992); The First Four Books of Poems (1995); Meadowlands (1997); Vita Nova (1999); The Seven Ages (2001); Averno (2006); A Village Life (2009); Poems: 1962–2012 (2012); Faithful and Virtuous Night (2014); Truyện ngắn: The Garden (1976); October (2004). Tiểu luận về thơ: Proofs and Theories: Essays on Poetry (1994); American Originality: Essays on Poetry (2017).