Về làng Mễ Trì, Hà Nội xem làm đặc sản cốm
Minh Tuấn/VOV.VN -  
(VOV5) - Đến Mễ Trì vào mùa cốm, bạn sẽ nhận ra được ngay mùi thơm đặc biệt của hạt thóc rang trên chảo của các lò cốm, mùi thơm ngọt ngào của các sợi rơm xanh biếc dùng để gói cốm.
Cũng giống như mùa lúa của cùng đồng bằng Bắc Bộ, mùa cốm cũng có 2 vụ trong năm là vụ chiêm (khoảng tháng 4 dương lịch) và vụ mùa (khoảng tháng 9 dương lịch).
Theo những người làm nghề cốm lâu năm ở Mễ Trì, có rất nhiều loại lúa nếp có thể làm cốm như lúa lương phượng, lúa nếp thơm, nếp tan, nếp quýt, nếp hoa, nhưng lúa nếp cái hoa vàng là cho ra cốm ngon đặc biệt.
Để làm cốm, đầu tiên, nghệ nhân phải dùng dao tách lấy hạt lúa, sau đó sàng sẩy để lựa lấy những hạt thóc non đủ tiêu chuẩn. Chọn hạt lúa đủ tiêu chuẩn làm cốm là khâu rất quan trọng, quyết định cốm sau này có ngon, xanh, đủ dẻo hay không.
Sau đó, lúa được đưa vào chảo rang cốm làm từ gang đúc. Cốm được rang bằng củi lửa nhỏ tới vừa, nếu lửa to cốm sẽ chín không đều, cháy.
Quá trình rang mất khoảng 30 phút, luôn phải đảo đều hạt thóc, nếu không chất lượng sẽ không như mong muốn và giảm chất lượng của mẻ cốm".
Hạt lúa rang đến khi vỏ trấu giòn thì lấy ra, để nguội, sau đó đưa vào cối giã.
Công đoạn giã đòi hỏi sao cho hạt cốm vừa mỏng vừa tơi, hạt vẫn giữ nguyên, không bị vụn.
Cốm chín, tuỳ theo lúa non hay già mà được giã nặng, nhẹ, nhiều, ít tương ứng.
Những hạt cốm xanh thường được gói bằng lá sen vì loại lá này giúp giữ mùi cốm.
Những hạt cốm đến tay người mua được gói tỉ mỉ bằng lá sen, rồi buộc lại bằng những cọng rơm còn xanh trông rất đẹp mắt.
Cốm Mễ Trì là đặc sản đất Hà thành. Với truyền thống lâu đời, nghề cốm Mễ Trì ngày nay vẫn còn giữ được nguyên vẹn bí quyết làm cốm mà không nơi nào có./.
Minh Tuấn/VOV.VN