(VOV5) -Mái trường tiểu học hữu nghị Khmer-Việt Nam đã và đang mở ra chân trời mới cho những học sinh người gốc Việt hay con em người Campuchia có hoàn cảnh khó khăn.
Xuất phát từ tình thương, trách nhiệm, các thầy giáo, cô giáo trường tiểu học hữu nghị Khmer-Việt Nam (huyện Peam Ro, tỉnh Prey Veng, Campuchia) không quản khó khăn, ngày ngày gieo chữ cho những mầm xanh, với mong muốn giúp thế hệ con em người gốc Việt nơi đây thoát đói nghèo, có một tương lai tươi sáng hơn.
Đúng 8h sáng, các em học sinh gốc Việt tại Campuchia đã đứng ngay ngắn theo hàng để chuẩn bị bước vào lớp.
Trong những ngày đầu đi học, nhiều em học sinh một phần vì lạ lẫm với môi trường mới, một phần quen ở nhà với cha mẹ nên bật khóc khi vào lớp.
Con vào lớp, phụ huynh cũng hồi hộp ngóng theo.
Tuy đời sống còn vất vả, lương giáo viên dạy con em cộng đồng còn thấp, sách giáo khoa, bút, vở,.. chưa đầy đủ, nhưng tập thể các thầy cô giáo vẫn luôn quyết tâm bám lớp, bám trường để mang con chữ tới bà con nơi đây.
Các chị học lớp trên hỗ trợ các em học ở lớp dưới.
Đối với mỗi người con Việt Nam dù ở nơi đâu, tiếng Việt – ngôn ngữ mẹ đẻ luôn được xem là sợi dây kết nối, là chìa khóa gắn kết và gìn giữ mỗi tâm hồn Việt với quê hương.
Các thầy, cô giáo và học sinh trong giờ thể dục.
Ngoài giờ lên lớp, thầy giáo Nguyễn Văn Hào và các thầy giáo nơi đây còn tham gia các công tác hỗ trợ cộng đồng bà con gốc Việt. Hiện nay, thầy Nguyễn Văn Hào đang đảm nhiệm thêm vai trò Phó Chủ tịch Chi hội Khmer - Việt Nam tỉnh Prey Veng.
Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Hào cho biết: Do điều kiện sống còn nhiều thiếu thốn, vất vả nên có một số con em gốc Việt nơi đây vẫn chưa được đi học, thậm chí có những em học đến lớn 2, lớp 3 đã phải nghỉ học để phụ việc cha mẹ.
Bằng tấm lòng tâm huyết của mình, các thầy cô vẫn ngày ngày gieo chữ trên vùng đất khó khăn này. Mái trường tiểu học hữu nghị Khmer-Việt Nam đã và đang mở ra chân trời mới cho những học sinh người gốc Việt hay con em người Campuchia có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em và gia đình có cơ hội mới, vươn lên thoát khỏi cái nghèo, cái khó.