30 năm qua, chương trình phát thanh “Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc” đã bắc một nhịp cầu âm thanh, nối những khúc ruột nơi xa về với quê cha, đất tổ
Đảng và Nhà nước coi kiều bào ta là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nội lực để phát triển đất nước đang ngày một lan tỏa và đây chính là động lực để chương trình vươn lên.
|
Kiều bào chụp ảnh lưu niệm tại Hệ Phát thanh đối ngoại nhân dịp về thăm đất nước
|
Nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà
Cách đây gần chục năm, vào khoảng hơn 11 giờ trưa, phòng Việt kiều, Hệ VOV5, Đài TNVN nhận một cuộc điện thoại, giọng reo vui dù đã có tuổi: “Tôi Lê Trọng Văn, đang nghe Đài TNVN ở California, Hoa Kỳ đây. Sóng tốt lắm. Tiếng Việt rõ lắm!..”. Đó là nhà sử học Lê Trọng Văn, bút danh Hoài Việt, một thính giả mấy chục năm nay ngày nào cũng đón nghe chương trình phát thanh “Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc”. Ông kể rằng, nước Mỹ có khoảng hơn 1,5 triệu người Việt định cư. Cộng đồng người Việt ở đây rất đa dạng và có một điểm chung là đều nói tiếng Việt, thích nghe tiếng Việt. Bởi thế, dẫu có những điều chưa thấu hiểu tình hình đất nước, nhưng rất nhiều người, hằng ngày vẫn canh giờ nghe Tiếng nói Việt Nam, vừa biết tin tức trong nước, cũng là để nguôi ngoai đi nỗi nhớ quê nhà.
Câu chuyện của nhà sử học gợi cho tôi nhớ lại dòng hồi ức của nhà báo Nguyễn Huy Dung về hai tiếng "đồng bào" trong danh xưng của chương trình. Ông kể, cách đây tròn 30 năm, ngày 16/8/1981, Bộ biên tập Đài TNVN bấy giờ quyết định thành lập chương trình phát thanh “Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc”, hay còn gọi là "phòng Việt kiều" trên cơ sở của chương trình Thời sự lúc 0 giờ, được phát sóng từ năm 1973, với nhiệm vụ chính đưa những thông tin nhanh về tình hình chiến sự ở trong nước, phục vụ trực tiếp cho phái đoàn Việt Nam đàm phán tại Hội nghị Paris và kiều bào ta ở nước ngoài.
Thời điểm ấy, lập một chương trình phát thanh dành riêng cho Việt kiều là một câu chuyện mang tính thời sự. Đất nước thống nhất được vài năm, nền kinh tế rất khó khăn, các thế lực bên ngoài điên cuồng chống phá. Góc nhìn về công tác Việt kiều còn rất nhiều khác biệt. Bởi thế, đặt tên chương trình là gì, nhạc hiệu ra sao, nội dung như thế nào được tranh luận rất sôi nổi.
Bộ biên tập Đài TNVN giao cho bốn phóng viên là Nguyễn Huy Dung, Trần Sơn Ngọc, Lê Thu Nga và Nguyễn Anh Trang thực hiện thử nội dung chương trình. Sau rất nhiều cuộc tranh luận sôi nổi, Bộ biên tập đồng ý đặt tên là chương trình phát thanh “Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc”. Sau bản nhạc “Diệt phát xít”, với lời xướng: “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là một nét đàn bầu da diết gợi nỗi nhớ quê hương. Hai tiếng "đồng bào" trong danh xưng của chương trình thể hiện sâu sắc cốt lõi của tinh thần Việt, bất cứ con Lạc, cháu Hồng nào cũng đều hướng tới, dễ sẻ chia.
Chỉ có 4 người thực hiện chương trình một tiếng, trong điều kiện thông tin báo chí ngày đó còn rất khó khăn, đặc biệt tin tức về cộng đồng người Việt ở nước ngoài rất hiếm, các thành viên của phòng Việt kiều ngày ấy đã rất nỗ lực thực hiện thử 5 chương trình phát thanh với giọng văn rất riêng, nhẹ nhàng, sâu lắng, cách dàn dựng khác biệt hẳn với phát thanh trong nước, tăng phần âm nhạc, văn nghệ.
|
Phóng viên, biên tập viên phòng Việt kiều - Hệ Phát thanh đối ngoại
|
Kết nối sức mạnh Việt
Với cách nói, cách viết và thể hiện sinh động, uyển chuyển, nhẹ nhàng, bền bỉ hằng ngày, Chương trình phát thanh “Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc” ngay lập tức gây được tiếng vang, thu hút sự theo dõi của cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là cộng đồng người Việt tại Pháp, Mỹ, lưu học sinh và lao động hợp tác Việt Nam ở các nước châu Âu, các nước trong khối XHCN ngày đó. Nhiều người rất ngạc nhiên khi bắt sóng được một chương trình phát thanh bằng tiếng Việt ở trong nước với nội dung gần gũi, gắn bó. Đặc biệt là ở Mỹ, nơi đa số là những người ra đi sau năm 1975, tất cả những gì mang hơi hướng trong nước, gắn bó với đất nước đều bị quy là tuyên truyền của Việt cộng. Nhưng chính phản ứng đó đã giúp làn sóng Đài TNVN được nhiều người biết đến. Như nhà sử học Lê Trọng Văn hay luật sư Đinh Viết Tứ sau này kể lại, nhiều người ban ngày vẫn đi biểu tình, chống đối, nhưng đêm về lại dò sóng nghe Tiếng nói Việt Nam.
Ở các nước thuộc Liên Xô trước đây và khu vực Đông Âu, nơi có hàng trăm ngàn lưu học sinh và lao động hợp tác của Việt Nam thời ấy, nghe được Đài TNVN là món quà tinh thần vô giá. Đến mức, cộng đồng người Việt do phải đi làm, đi học lệch giờ, đã phân công người ở nhà canh sóng để thu thanh chương trình của Đài, sau đó, luân chuyển cho nhau nghe. Cộng đồng người Việt ở Marseille, miền Tây nước Pháp còn lập cả câu lạc bộ nghe đài cho đến mãi những năm sau này.
Từ sự trân trọng món ăn tinh thần qua làn sóng phát thanh, mới thấy quyết định ngày đó của Bộ biên tập Đài TNVN mang tính bước ngoặt, hay nói đúng hơn, mang tính thời đại, vượt trước thời gian về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Ý tưởng qua Tiếng nói Việt Nam kết nối, quy tụ sức mạnh Việt khắp nơi trên thế giới thành nội lực để xây dựng đất nước, mãi những năm sau này mới được xây dựng bằng văn bản pháp quy.
Kênh thông tin hữu ích với kiều bào ta
Chính bà con người Việt về thăm quê kể rằng, Đài TNVN đã tạo được một kênh thông tin hữu ích, một nhịp cầu để những người Việt xa quê, vượt qua cách ngăn, hướng lòng về Tổ quốc. Qua Tiếng nói Việt Nam, hằng ngày kiều bào được nghe những thông tin mới nhất về sự phát triển của đất nước thông qua hơn 20 chuyên đề, tiết mục của chương trình như: Tin tức, Thời sự chính trị, Bình luận quốc tế, Câu chuyện với người xa quê, Khách mời trong tuần, TP HCM hôm nay, Bạn cần biết, Chuyện trong tuần, Nông thôn mới, Văn nghệ, Giai điệu quê hương, Việt Nam - đất nước - con người, Những tấm lòng vì Việt Nam, Hà Nội ngàn năm.
Ngoài ra, hàng vạn lượt kiều bào được phỏng vấn, thu thanh, tạo ra một diễn đàn sôi nổi giữa đồng bào ở nước ngoài với đất nước. Những nội dung chương trình được dàn dựng trên cơ sở tin, bài, phỏng vấn của phóng viên chương trình và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các đồng nghiệp ở Đài TNVN, của rất nhiều cộng tác viên trong nước cũng như nước ngoài...
Thính giả ở nước ngoài luôn nhớ đến giọng văn của nhà báo Huy Dung nhẹ nhàng, uyển chuyển, trữ tình trong những câu chuyện, bài bình luận; chất sôi nổi, nhiệt huyết qua phóng sự, phỏng vấn của nhà báo Huyền Yến, Thu Nga; nỗi da diết, nhớ thương được thả hồn, phiêu du với những chương trình ca nhạc, văn nghệ thấm đượm tình quê của cây bút Anh Trang, Hải Tần, Thái Thuyên; sự sắc sảo, quyết liệt trong ngôn ngữ bình luận của nhà báo Trần Sơn Ngọc, Đào Xuân Tân; sự cần mẫn, nhẫn nại qua từng câu chữ của nhà báo Thuỵ Chóng… Các thế hệ nhà báo từng làm việc tại phòng Việt kiều như Nguyễn Đình Lương, Nguyễn Thắng Lộc, Hoàng Đồng, Lê Quốc Hưng, Nguyễn Thuý Hoa, Bùi Thuý Hà, Trần Lệ Chiến, Hoàng Văn Hướng, mỗi người có một cách thể hiện riêng, luôn để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng thính giả người Việt ở nước ngoài.
Chính sách của Đảng và Nhà nước coi kiều bào là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nội lực để phát triển đất nước. Đài TNVN đã từng bước tăng cường và mở rộng diện phát sóng hướng tới kiều bào. Phòng Việt kiều thực hiện 2 chương trình phát thanh: Chương trình “Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc” và chương trình “Người Việt ở nước ngoài với quê hương”. Chương trình phát thanh “Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc” với thời lượng 60 phút, phát sóng ngắn ra nước ngoài theo các múi giờ khác nhau, phục vụ kiều bào và bạn bè quốc tế ở hơn 90 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các chương trình phát thanh còn được phát sóng trực tuyến trên báo điện tử VOVNews. Chương trình phát thanh “Người Việt ở nước ngoài với quê hương” có thời lượng 10 phút, phát 2 buổi mỗi tuần trên sóng Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp (VOV1).
Với cách nói, cách viết và thể hiện sinh động, uyển chuyển, nhẹ nhàng, bền bỉ hằng ngày, 30 năm qua, chương trình phát thanh "Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc" đã bắc một nhịp cầu âm thanh, nối những khúc ruột nơi xa về với quê cha, đất tổ. Qua Tiếng nói Việt Nam, quê hương ngàn dặm như gần hơn trong lòng người viễn xứ. Tiếng nói Việt Nam luôn được kiều bào quan tâm theo dõi, tin cậy với cả niềm thương nỗi nhớ của mình. Đó là món quà, là nguồn động viên lớn lao nhất của những người làm báo phát thanh./.
Hoàng Hướng