(VOV5) - "Bản làng trong thung lũng" là tên của cuộc triển lãm tranh của hai nữ họa sĩ Việt Nam khai mạc ngày 19 tháng 5 năm 2017 tại Erlangen, CHLB Đức.
Triển lãm tranh "Bản làng trong thung lũng" do trung tâm văn hoá thành phố Erlagen, Đức tổ chức. Cuộc triển lãm còn có sự hiện diện của đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức, cùng những người yêu nghệ thuật và quan tâm đến văn hoá Việt Nam tại Đức.
Bà Lisa Popp, đại diện Trung tâm Văn hóa khu Bruck, khai mạc triển lãm… - Ảnh: Hoàng Long (Erlange) |
Những triển lãm tranh tại Đức của họa sĩ Phạm Thị Đoàn Thanh trước đây đều lấy tên gọi Bản làng trong thung lũng. Nét mới lần này, là triển lãm không chỉ của tiêng Đoàn Thanh mà còn có một tâm hồn đồng cảm khác: Nguyễn Đạm Thủy.
Họa sĩ Phạm Thị Đoàn Thanh và hoạ sĩ Nguyễn Đạm Thủy, một người sống ở Đức một người sống ở Việt Nam. Hai họa sĩ sinh ra ở hai thế hệ khác nhau, nhưng có những mối cộng cảm, giao hòa chung.
Từ phải: Họa sĩ Đoàn Thanh, Họa sĩ Đạm Thủy đón nhận hoa chúc mừng của Thành phố. - Ảnh Hoàng Long (Erlange) |
Nữ hoạ sĩ Phạm Thị Đoàn Thanh sinh ở Hà Nội, và hiện sống tại CHLB Đức. Nhà văn Lê Minh Khuê cho biết, Đoàn Thanh “là học trò cưng của hoạ sĩ tranh lụa bậc thầy Nguyễn Phan Chánh… Tranh của thầy trầm tĩnh với gam màu nâu, đen, hồng và xanh lá cây thì khi vẽ tranh Đoàn Thanh lại hướng tới các gam màu sáng, trẻ trung và mạnh mẽ. Màu sắc đó làm nên phong cách của Đoàn Thanh từ những ngày đầu, khi bức tranh Nữ dân quân tập bắn được giới thiệu trên báo chí và được bảo tàng Mỹ thuật mua từ những năm 70 thế kỉ trước. Chị làm báo nhiều năm rồi sang nước Đức định cư từ những năm 80.
Tranh khắc gỗ của họa sĩ Đoàn Thanh tại triển lãm |
Ở nước Đức chị đã tham gia như một công dân Đức trong những biến động xã hội, vừa kiếm sống và cũng không ngừng sáng tạo. Tranh lụa và thêm tranh khắc gỗ, chị đã khẳng định được chỗ đứng của mình trong giới mỹ thuật nước Đức thống nhất, được kết nạp vào hội nghệ sĩ. Triển lãm cá nhân liên tiếp được tổ chức như “Nghệ thuật của châu Á tại trung tâm nghệ thuật Zittau”, “Tranh lụa Việt Nam tại Lobau”, “Nghệ thuật Việt Nam đến thành phố Herrnhut”... vv... Thành công ở nước ngoài nhưng nữ họa sĩ không ngừng hướng về Tổ quốc.”
Họa sĩ Nguyễn Đạm Thủy hiện sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh, tốt nghiệp chuyên ngành Hội họa Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh năm 1993. Chị cũng từng có các triển lãm cá nhân tại Hội Mỹ Thuật Thành Phố Hồ Chí Minh năm 1995, Triển lãm tại Trung tâm Mỹ thuật Đương đại Không Gian Xanh năm 1998, Triển lãm tại Gallery Lotus, Thành Phố Hồ Chí Minh năm 2005, Triển lãm tại Bảo Tàng Mỹ Thuật Thành Phố Hồ Chí Minh năm 2016. Và tham gia nhiều triển lãm quan trọng trong nước và quốc tế. Chị cũng có nhiều tranh được các nhà sưu tập trong và ngoài nước lưu giữ.
Quang cảnh buổi triển lãm - Ảnh: Hoàng Long (Erlange) |
Họa sĩ Nguyễn Đạm Thủy cho biết: “Đam mê và sống bằng nghệ thuật quả là không dễ,nhưng để yêu thương và giữ mãi ngọn lửa nghề nghiệp đến hôm nay dù cuộc sống thăng trầm quả là một cái duyên với nghệ thuật không hề nhỏ.
Một lần nữa tại triển lãm chúng ta sẽ bắt gặp một hình ảnh quê hương thanh bình với màu sắc nhẹ nhàng của chất liệu lụa , sự sâu lắng và tinh tế trong cách biểu hiện cuộc sống của người dân nông thôn vùng cao nguyên với bảng màu xanh của thiên nhiên của núi rừng, người thưởng ngoạn hội họa không thể không dừng lại thật lâu với từng bức tranh của họa sĩ Đoàn Thanh khi đi xem tranh. Với 30 mươi bức tranh mang cung bậc khác nhau người họa sĩ tài hoa này đưa người yêu nghệ thuật đến gần với quê hương Việt Nam hơn nữa .
Tranh là như vậy nhưng tính cách của họa sĩ Đoàn Thanh rất mạnh mẽ và dứt khoát. Nên cạnh đó chị và chồng ông Erich Rettensteiner một kỹ sư người Áo hãng Siiemens sáng lập hội Măng Non tại Đức giúp cho trẻ em bị chất nhiễm chất độc da cam Việt Nam. Chính vì vậy mà chúng tôi có cuộc triển lãm chung này.
Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức chúc mừng hai họa sĩ - Ảnh: Hoàng Long (Erlange) |
Khi họa sĩ Đoàn Thanh nói với tôi về tên của cuộc triển lãm, tôi thật sự thích thú vì đây là một góc quê hương đẹp và còn giữ nguyên chất mộc mạc của núi rừng. Sự thích thú làm cho cảm hứng tạo nên bảng màu sắc tươi tắn rực rở trong từng bức tranh , phong cách mạnh mẽ bởi chất liệu acrylic cần được vẽ nhanh và đường nét của từng nhát cọ phải dứt khoát....
Với hai mươi bức tranh nhỏ trong cuộc triển lãm lần này tôi hy vọng mang hình ảnh của một góc quê hương đến với người yêu nghệ thuật với "chất " của người họa sĩ Việt Nam.
Hội họa là tiếng nói của tâm hồn là sự rung động của trái tim người nghệ sĩ biểu hiện qua bút pháp và màu sắc những gì còn lại dành cho người thưởng ngoạn. Cuộc triển lãm không chỉ là một sự kiện về giao lưu văn hoá giữa Việt Nam Và Đức mà còn có ý nghĩa đưa hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến với thế giới. Tôi hy vọng với tình yêu quê hương và cái duyên cùng triển lãm chung lần này hai họa sĩ sẽ có những cuộc triển lãm tiếp trong tương lai.”