Đối với những người con xa xứ như các công nhân dệt may Việt Nam đang làm việc tại Nga, Tết gắn liền với mong ước trở về quê hương, xứ sở, quây quần bên gia đình, người thân.
Trong điều kiện chưa thể trở về, họ đã cố gắng tạo không khí đón Tết, vui xuân đầm ấm tại công ty để vơi bớt nỗi nhớ nhà và tăng tình đoàn kết, gắn bó với tập thể.
Các công nhân liên hoan đón năm mới |
Ngày chủ nhật cuối cùng của năm Tân sửu, các công nhân Việt Nam tại công ty may Sarlanter, đóng tại thành phố Kirzhach, tỉnh Vladimir-LB Nga vẫn miệt mài bên những chiếc máy may. Khác hơn ngày thường một chút là công việc kết thúc sớm, vào lúc 4h chiều, chờ đón họ là bữa liên hoan tất niên với màn biểu diễn văn nghệ “cây nhà lá vườn” chia tay năm cũ, đón năm mới Nhâm dần 2022.
Anh Phùng Đức Long, quê ở Ba Vì, Hà Nội, cho biết, đây là Tết thứ 9 của anh ở nước Nga: “Khi xa quê hương, ai cũng nhớ về gia đình, quê hương, mỗi khi Tết đến xuân về, đấy là truyền thống của Việt Nam. Bây giờ mạng internet rất phát triển, mình có thể thường xuyên gọi điện về nói chuyện với vợ con ở nhà, thấy gia đình đang chuẩn bị Tết thì cũng phấn khởi. Hai nữa, ở đây công ty cũng tổ chức Tết, như gói bánh chưng, không khí rất vui vẻ, phấn khởi.”
Lý do anh Long gắn bó với công ty suốt từ năm 2013, đó là công việc ổn định, thu nhập cao hơn ở Việt Nam, hai tháng một lần anh được nhận 1600 USD tiền lương, gửi về Việt Nam cho gia đình.
Nâng cốc chúc mừng năm mới |
Còn với chị Vũ Thị Thúy Nga, quê ở Hải Phòng, đây là Tết thứ 6 của cả hai vợ chồng ở công ty này. “Một hai năm đầu cũng nhớ nhà, nhớ con, nhớ gia đình, nhớ các món ăn của Việt Nam. Đến bây giờ ở đây với anh chị em cũng quen. Tết anh chị em cũng mua bánh kẹo, trang trí phòng, sang phòng nhau chúc Tết, tạo không khí xuân”.
Chị Nga cho biết, lúc trước chị có thể đạt thu nhập 1.200 USD/tháng, còn bây giờ làm ít hơn để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con. Vợ chồng chị Nga hiện có một cậu con trai 10 tuổi ở Việt Nam với bà ngoại. Bước sang năm mới 2022, gia đình sẽ đón thêm thành viên mới, vì chị đang mang thai ở tháng thứ 8. Chị cho biết, lãnh đạo công ty rất quan tâm trong việc chăm sóc thai sản, đưa đi bác sỹ thăm khám định kỳ, bố trí phòng ở riêng thoáng mát. Vì vậy, hai vợ chồng đều yên tâm làm việc.
Đón mùa xuân thứ 5 ở nước Nga, chàng thanh niên trẻ Tạ Phúc Thắng, quê ở Nghệ An rất hồ hởi: “Chúng em tạo nên những thứ như hoa đào, tuy không phải là đào thật nhưng nó đem đến không khí quê hương. Cũng như chiếc áo dài em đang mặc, em đã cố gắng đặt từ Việt Nam, để mọi người có cảm giác tuy ở xa, nhưng có một gia đình ở đất nước Nga và đón một năm mới thật vui và có sự ấm cúng của quê hương. Khi thấy chiếc áo dài mọi người nhớ về quê hương, nhớ về Việt Nam".
Công nhân trẻ Tạ Phúc Thắng hát mừng Xuân mới |
Nét khác biệt ở công ty may Sarlanter, đó là có gần 10 người Nga, Tadjikistan cùng làm việc với các công nhân Việt Nam, một phần là để bù đắp sự thiếu hụt lao động, do dịch Covid-19. Tất cả họ đều cảm thấy hòa đồng, yêu quý tập thể này, tạo ra sự giao lưu văn hóa và thắt chặt tình hữu nghị giữa các dân tộc.
Ông Vladimir Stepanov-giám đốc phụ trách nhân sự, người đã có thâm niên 14 năm gắn bó với công ty cho biết, mỗi năm đón năm mới hai lần, năm mới của Nga và Tết của Việt Nam: “Tôi chúc nhân dân Việt Nam luôn dồi dào sức khỏe, thành công, hạnh phúc trong cuộc sống; chúc các công nhân ở đây thành công trong công việc, trong cuộc sống, có thu nhập xứng đáng và quan trọng nhất là sức khỏe. Họ sống cách xa Tổ quốc hàng nghìn km, nên quan trọng nhất là sức khỏe, không phải lo lắng về gia đình ở xa và mọi thứ sẽ tuyệt vời.”
Có thể nhận thấy rằng, các công nhân đang làm việc ở đây khá may mắn khi luôn nhận được sự quan tâm cả về vật chất và tinh thần. Ông Đỗ Văn Tiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết: “Những người làm việc lâu năm, chúng tôi có đãi ngộ riêng, nếu họ không vi phạm kỷ luật, mỗi tháng thưởng 30 USD vừa là gương mẫu, vừa là thâm niên, thì họ gắn bó hơn. Những ngày lễ Tết, hoặc 2, 3 tháng, chúng tôi tổ chức liên hoan, tổ chức Tết âm lịch như ở Việt Nam, để họ yên tâm gắn bó với xí nghiệp".
Ông Đỗ Văn Tiếu, Chủ tịch HĐQT công ty may Sarlanter phát biểu chúc mừng công nhân nhân dịp đón năm mới 2022 |
Trong hai năm qua, dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, nhưng công ty đã tổ chức tiêm phòng đầy đủ hai mũi vaccine cho công nhân trong năm 2020 và tiêm nhắc lại mũi 3 trong năm 2021, sức khỏe được đảm bảo, mọi người yên tâm làm việc. Hàng ngày công ty khuyến khích công nhân tập thể dục buổi sáng, mỗi người được thưởng 100 rúp, 4 giờ chiều hát trước tập thể được thưởng 200 rúp.
Dịch Covid-19 gây ra khó khăn, nhưng cũng có thuận lợi, đó là hàng từ Trung Quốc cung cấp sang Nga ít hơn và đắt hơn. Nhu cầu của thị trường Nga đối với mặt hàng quần áo thể thao của công ty tăng lên, hiện mới chỉ đáp ứng khoảng 1/3. Ông Tiếu mong rằng, sang năm mới 2022, dịch bệnh sẽ qua đi, việc đi lại dễ dàng hơn, công ty có thể tuyển thêm lao động từ Việt Nam và gia tăng sản lượng. Hiện công ty đang mở rộng nhà xưởng, mua thêm 700 m2 đất, xây ký túc xá khang trang, nâng cao mức sống cho công nhân.