Dạy tiếng Việt ở Chương Hóa, Đài Loan, Trung Quốc

(VOV5) - Nhiều khu vực ở Đài Loan, các cô giáo người Việt được tập huấn đã tích cực tham gia công tác giảng dạy. 

Năm 2018, các trường học cấp 1, 2 ở Đài Loan ( Trung Quốc) sẽ bắt buộc học sinh học tiếng mẹ đẻ. Vì vây, hiện nay, nhiều khu vực ở Đài Loan, các cô giáo người Việt được tập huấn đã tích cực tham gia công tác giảng dạy. Mời quý vị và các bạn tìm hiểu việc dạy và học ở thành phố Chương Hóa, nơi mà Hiệp hội các cô giáo đã cùng nhau phát huy tốt việc dạy học cho con em cộng đồng:

 

 Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Tới Chương Hóa, Đài Loan, ai cũng biết chị Lý Hỷ Yến, Hội trưởng Hiệp hội các cô giáo ở đây, người đã tích cực tham gia các hoạt động giảng dạy cho con em người Việt đang sống ở Đài Loan ( Trung Quốc). Chị cũng trực tiếp tham gia giảng dạy cho con em người Việt  ở các trường tiểu học  được gần 10 năm. Chị kể:“ Các trường sẽ liên lạc với mình,  Và mình chia ra cho các thành viên ở trong hội để đi dạy. Chị em đi dạy thì dạy theo tiết tính theo giờ. Con em Việt Nam đa số là tham gia hết”.

Ở Chương Hóa, có vài chục trường được đưa vào danh sách giảng dạy tiếng Việt. Mỗi trường có vài chục học sinh nên các cô giáo ở đây tổ chức dạy cho học sinh rất khoa học. Các cô thống nhất dạy theo sách chỉ để các em nắm được về các chữ cái, còn phải bổ sung thêm tranh ảnh để giới thiệu cho các em về văn hóa Việt nam:“Chương hóa có 1 bộ sách, từ tập 1, 2, 3 các trường đều có sách đó, dạy theo sách, mình phải bổ sung thêm văn hóa Việt Nam. Sách thì toàn chữ cái, 29 cái và từ đơn và từ ghép nhưng mà mình thì thêm tranh ảnh, bổ sung thêm để dạy thêm văn hóa cho các em bên đó”.

Dạy tiếng Việt ở Chương Hóa, Đài Loan,  Trung Quốc - ảnh 1 Cô giáo Lý Hỷ Yến

Cô giáo Phan Mỹ Hạnh,  tham gia Hiệp hội các cô giáo ở Chương Hóa cũng có nhiều kinh nghiệm giảng dạy vì trước khi sang Đài Loan, cô Hạnh cũng đã từng dạy học ở Việt Nam. Khó khăn mà cô Hạnh và nhiều cô giáo khác gặp phải là do lứa tuổi và trình độ học sinh khác nhau. Vì thế, cô giáo Hạnh cố gắng khắc phục tìm ra những cách cách dạy cho phù hợp:“ Mới đầu xem trình độ học sinh, lứa tuổi học sinh và xem nhà trường yêu cầu như thế nào. Giáo trình chưa đầy đủ thì cô phải tự chọn tự soạn những giáo trình riêng của mình để học. Học sinh thích văn hóa Việt Nam, kể chuyện cổ tích để cho học sinh thích văn hóa rồi mới chuyển sang bài học để học sinh thích thú hơn”

Một khó khăn khác là nhiều ông bố, bà mẹ không quan tâm hoặc không có thời gian để đưa con em đi học. Vì vậy các cô giáo trong Hiệp hội thường xuyên tới từng gia đình để vận động cha mẹ đưa con em tới lớp. Cô giáo Lý Hỷ Yến cho biết: “ Mình có Hội, có địa điểm phục vụ, mỗi tuần thứ 3 dạy con em. Nói cho các chị em trong Hội có dạy tiếng Việt và miễn phí, cung cấp đầy đủ sách vở, mỗi tuần thứ 3 từ 7 đến 9 h. Những người xa, con em xa thì họ đưa tới mình đưa về. Họ tin tưởng mình đi làm thì thì họ đưa đến và mình đưa con em về”.

Cùng với tham gia giảng dạy tiếng Việt, các cô giáo còn dạy thêm tiếng Trung cho các cô dâu mới sang và những người lao động xuất khẩu.  Được trở về dự tập huấn dạy tiếng Việt ở quê nhà, các cô chia sẻ, tích lũy khá nhiều kinh nghiệm và sẽ truyền lại những gì đã học cho toàn thể các cô giáo trong Hiệp hội. Mặc dù cũng còn khá nhiều khó khăn, nhưng với nỗ lực của các cô giáo Việt Nam đang sống tại Chương Hóa, tiếng Việt sẽ được gìn giữ trong con em người Việt ở Đài Loan.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác