Sau khi kết thúc cuộc kháng chiến cứu nước, mỗi người mỗi ngả, những cựu chiến binh Việt Nam lại trở về với đời thường, với cuộc mưu sinh hàng ngày. Với một số người có thể là cả một cuộc sống xa quê vì nhiều lý do.
|
Các cựu chiến binh Việt Nam tụ họp... |
Và ở tận thành phố Ulianovsk, Nga, thành phố quê hương của Lãnh tụ Cách mạng Tháng 10 Vladimir Ilich Lenin, cũng có những người như vậy. Vào những ngày lễ của đất nước, họ lại cùng họp mặt và đôi khi chỉ là cuộc gặp mặt của vài ba người bạn bè thân thiết để ôn lại những kỷ niệm xưa.
Là một người lính tình nguyện từ năm 1968, Ông Phùng Văn Dần đã từng tham gia chiến dịch Khe Sanh, rồi Đường Chín Nam Lào và Chiến dịch Quảng Trị 1972 đỏ lửa. Ông là một thương binh. Kết thúc cuộc kháng chiến, ông đã được xuất ngũ và năm 1988 thì được cử sang Nga làm công tác quản lý lao động theo Nghị định hợp tác Việt Nam – Liên Xô (thời đó).
Thế rồi, do những biến động về chính trị, Liên Xô tan rã, người lao động phần lớn về nước, một số đi các vùng khác mưu sinh, riêng ông cùng một số người vẫn trụ lại thành phố Ulianovsk từ đó đến nay và lại cùng nhau kinh doanh để tạo điều kiện cho con cháu sang Nga học tập.
Vậy là đã ngót 30 năm ông sinh sống và làm việc trên đất Nga, trên mảnh đất quê hương của Lenin. Là một cựu chiến binh, mỗi dịp ngày Lễ Chiến thắng 30/4 đến, trong lòng không khỏi bồi hồi nhớ lại nhiều kỷ niệm cũ và cũng đầy tự hào.
Sống xa Tổ quốc, trong lòng cũng không nguôi nhớ quê nhà, nhưng thấy con cái trưởng thành, học hành và sinh sống ổn định dù là nơi “đất khách quê người”, ông Dần cũng cảm thấy yên tâm hơn.
|
... và ôn lại kỷ niệm xưa. |
Với cuộc sống xa quê, vào những ngày lễ của đất nước, nhất là ngày Chiến thắng 30/4, các cựu chiến binh hiện đang sinh sống tại Ulianovsk lại tự tạo ra những cơ hội để ngồi với nhau, để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa.
Ông Đặng Minh Dương là một cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu ở các mặt trận miền Tây, chống phỉ ở Tây Nguyên, rồi chiến đấu trong lực lượng lính Tình nguyện Việt Nam tại CPC, Lào.. Cuộc đời quân ngũ gian khổ như vẫn còn in đậm trong tâm trí ông, nhất là những kỷ niệm về đồng chí, đồng đội.
Ông Dương chia sẻ: “Đời quân ngũ của tôi gắn bó với rừng núi. Khi giải phóng rồi và sang giúp nước bạn Lào thì chúng tôi vẫn ở rừng. Nói về tình nghĩa đồng đội thì rất gắn bó, nó như tình ruột thịt anh em, giúp đỡ nhau trong những việc khó khăn nhất. Tôi cũng tự hào là mọi người đến từ khắp mọi miền đất nước, nhưng khi đứng trong quân ngũ rồi thì như anh em một nhà.
Tôi cũng có kỷ niệm là sau giải phóng rồi thì chúng tôi sang giúp nước bạn Lào chống phỉ. Giải phóng rồi nhưng bị vẫn phục kích và một kỷ niệm thật đau xót là 7 đồng đội của tôi đã hy sinh bên đất nước Lào. Tình cảm rất sâu sắc đời quân ngũ. Về đây rồi, khi gặp đồng đội, anh em là rất vui”.
Ông Nguyễn Xuân Lộc, sang Nga theo diện hợp tác lao động từ năm 1988 và rất tích cực trong các hoạt động cộng đồng với trọng trách của một cán bộ trong Hội Người Việt Nam “Đoàn Kết”. Ông cũng đánh giá cao sự tham gia nhiệt tình của các cựu chiến binh tại Ulianovsk.
Ông Nguyễn Xuân Lộc nói: “Là người lính thì chất 'Bộ đội Cụ Hồ' đã có hẳn trong người nên họ có tính rất tập thể, rất đoàn kết và giữ nếp sống văn minh. Mọi sinh hoạt tập thể thì họ luôn luôn là người đi đầu, đúng tính chất của người lính”.
|
Gian hàng của ông Phùng Văn Dần tại Ulianovsk. |
Ông Trịnh Văn Quế, Chủ tịch Hội Người Việt Nam “Đoàn Kết” tại tỉnh Ulianovsk cho biết, nhiều năm trước, cứ vào dịp ngày lễ Thống nhất Đất nước Hội thường đứng ra tổ chức các cuộc gặp mặt, ôn lại kỷ niệm xưa và cũng mời những người cựu chiến binh Nga từng công tác ở Việt Nam tham gia, nhưng về sau nhiều người về nước hoặc chuyển đi nơi khác nên cũng gián đoạn.
Về kế hoạch thời gian tới, ông Quế cho biết: “Thường thì chúng tôi hay tổ chức gặp mặt vào ngày thành lập Quân đội 22/12, nhưng năm nay, nhân ngày 30/4 và Quốc tế Lao động, mùng 1/5 chúng tôi định tổ chức giao lưu giữa các cựu chiến binh và những người từng lao động ở đây thời Liên Xô cũ với các con em sang làm ăn sau này”.
Chính những hoạt động như vậy sẽ giúp các thế hệ con em sinh ra và lớn lên ở xa Tổ quốc có dịp được biết nhiều hơn về lịch sử đất nước và càng cảm thấy gắn bó hơn với quê hương, dù ở xa, dù ít có dịp về Việt Nam.