(VOV5) - Trở về hay ở lại luôn là những trăn trở, tâm sự của người Việt ở nước ngoài.
Làm thế nào để đóng góp tốt nhất, hiệu quả nhất cho quê hương là câu hỏi mà những trí thức người Việt ở nước ngoài vẫn thường xuyên đưa ra. Mỗi người có hành động, cách đóng góp khác nhau bắt nguồn từ suy nghĩ khác nhau. Trở về hay ở lại luôn là những trăn trở, tâm sự của người Việt ở nước ngoài:
Nghe âm thanh tại đây:
Chia sẻ về tương lai của Việt Nam, anh Phạm Sĩ Hiếu, người Việt ở Bỉ cho rằng,cần phải quan tâm tới nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính sách của Đảng và Nhà nước luôn đúng hướng khi coi trọng người Việt ở nước ngoài, trong đó có một bộ phận lớn lực lượng trí thức.
Anh Phạm Sĩ Hiếu, người Việt tại Bỉ. Ảnh: NVCC |
Để đưa Việt Nam trở thành nước phát triển từ nay đến năm 2030 tầm nhìn 2045, càng cần phải tận dụng và thu hút nguồn lực quan trọng này. Qua những cuộc gặp ở nước ngoài của lãnh đạo Nhà nước Việt Nam với cộng đồng người Việt thời gian qua cho thấy rõ, quan điểm của nhà nước Việt Nam, đồng thời người Việt ở nước ngoài cũng có cơ hội bày tỏ mong muốn, kiến nghị về chính sách. Anh Phạm Sĩ Hiếu cũng có những đề xuất như thế này: “Đề xuất về việc tận dụng nguồn lực để đưa các thanh niên, sinh viên ưu tú ra nước ngoài học tập.Tận dụng các nguồn học bổng của nước ngoài và của các doanh nghiệp trong nước. Việc thu hút nhân tài thì đến thời điểm này cả Thủ tướng, Bộ ngoại giao đều thống nhất không phải cứ quay về Việt Nam mới là cống hiến cho đất nước mà dù ở đâu, làm việc mà vì lợi ích cho quê hương, đất nước đều được. Tận dụng nguồn lực của thế hệ f2,f3 được tiếp thu văn hóa tinh hoa ở nước ngoài từ bé nhưng vẫn sẵn sàng cống hiến cho quê hương”.
Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Châu Âu. Ảnh: NVCC |
Đồng quan điểm này, thời gian vừa qua, khá nhiều các bạn trẻ người Việt ở nước ngoài đã tích cực tham gia các chương trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thông qua những dự án cụ thể. Bạn Vũ Thoại San, người Việt ở Hà Lan cho rằng, việc thu hút các dự án về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của người Việt ở nước ngoài trên nhiều lĩnh vực như y tế, môi trường, quy hoạch đô thị… hiệu quả khi được áp dụng vào Việt Nam. Đó cũng chính là cách người Việt ở nước ngoài có thể đóng góp cho quê hương: “ Em mong muốn có chương trình, dự án để những gì tiếp thu hoặc tiếp cận ở nước ngoài sẽ được áp dụng ở Việt Nam. Thu hút được những đề tài, dự án khởi nghiệp, đề tài nghiên cứu khoa học của các du học sinh, nghiên cứu sinh hoặc các anh chị đã đi làm để đưa về Việt Nam, chuyển giao công nghệ hoặc hợp tác giữa doanh nghiệp Châu âu với Việt Nam”.
Tiến sĩ Phạm Hải Định. Ảnh: hutech. edu.vn |
Cơ hội cho tương lai của Việt Nam chính là việc tận dụng tốt nhất sự đóng góp của chuyên gia trí thức ở nước ngoài, nhất là khi nhiều người đang lựa chọn con đường trở về Việt Nam sống và làm việc. Theo anh Phạm Hải Định, người Việt ở Hàn Quốc, một người thành công họ có sức lan tỏa bởi uy tín trong cộng đồng, đông thời có khả năng tài chính, tìm được nguồn tài chính hỗ trợ cho Việt Nam. Đó là điều mà đất nước đang cần, nhất là trong thời kỳ chuyển đổi số:“Chuyển đổi số không chỉ cần công nghệ mà còn cần những con người hiểu công nghệ, hiểu đất nước Việt Nam. Đó là mong muốn nhất của lực lượng chuyên gia trí thức không chỉ ở Hàn Quốc mà còn ở các nước trên thế giới mong ngóng để đóng góp cho đất nước. Chính sách của Đảng và Nhà nước hiện nay rất tốt, đưa người Việt Nam về tham gia các dự án, kêu gọi các chuyên gia về điều đó rất tốt”.
Suy nghĩ, cách đóng góp của mỗi người Việt ở nước ngoài khác nhau, có thể trở về quê nhà sống và làm việc, có thể ở lại nước ngoài và kết nối, tham gia các dự án ở Việt Nam…Cho dù thế nào, những người con xa quê vẫn luôn mong muốn sự rộng mở, sự quan tâm từ trong nước. Đó là nền tảng để những người con xa quê luôn dành những tâm huyết, tình cảm hướng về Tổ quốc.