(VOV5) - Sau hai ngày làm việc, sáng 13/11, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề “Kiều bào chung sức xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh bế mạc.
Phát biểu tại đây, ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao những sáng kiến, hiến kế, đóng góp của kiều bào cho Thành phố. Ông Đinh La Thăng khẳng định lãnh đạo thành phố và các sở, ban, ngành sẽ tiếp tục hợp tác, giữ liên hệ chặt chẽ thường xuyên với các đại biểu để triển khai các đề xuất cụ thể đồng thời tích cực tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của kiều bào.
|
Ông Nguyễn Đăng Bằng, Giám đốc chương trình Thạc sỹ tài chính của Đại học Cambridge, Vương quốc Anh, trình bày tham luận tại hội nghị. |
Hội nghị đã nhận được gần 100 tham luận của kiều bào gửi về. Các ý kiến đều thể hiện sự tâm huyết, trình độ nghiên cứu chuyên sâu và nhiều ý tưởng thiết thực gắn bó với các vấn đề phát triển của thành phố. Theo ông Nguyễn Đăng Bằng, Giám đốc chương trình Thạc sỹ tài chính của Đại học Cambridge, Vương quốc Anh, để xây dựng một nền kinh tế trí thức cần có một hệ sinh thái cho nền kinh tế trí thức đó: Điều tôi nghĩ quan trọng nhất là phải nâng tầm nghiên cứu của các trung tâm công nghệ cao lên một tầm cao mới. Muốn như thế phải xây dựng một trung tâm nghiên cứu mạnh – một trường Đại học nghiên cứu, không nhất thiết là phải to lớn nhưng dứt khoát là chúng ta phải yêu cầu chất lượng nghiên cứu cao. Nếu có thể thì cần xây dựng đề án phát triển trường Đại học nghiên cứu đó lọt vào top 50 trên thế giới trong vòng 20 – 25 năm nữa. Điều đó không hề dễ, nhưng tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể làm được.
|
Đại biểu kiều bào tham dự chuyên đề “Kiều bào tham gia đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ của thành phố Hồ Chí Minh” |
Ông Nguyễn Trí Dũng, người Việt ở Nhật Bản, đã hướng về thành phố Hồ Chí Minh bằng cách thành lập trung tâm tư vấn liên kết Việt Nhật, triển khai “Vườn ươm giấc mơ Việt Nam” nhằm thu hút các nhà khoa học quốc tế tới Việt Nam: Chúng ta phải vận động những trung tâm lớn của thế giới, trong đó có Nhật Bản. Tôi đã vận động chuyên viên Nhật Bản về đào tạo cho Việt Nam. Tôi vận dụng những khoa học kỹ thuật của Nhật Bản về chuyển giao cho Việt Nam. Công việc của tôi là làm sao kết nối giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhu cầu của nhân dân. Chúng ta cùng đoàn kết, đồng tâm để xây dựng đất nước Việt Nam. Bởi đất nước Việt Nam có quyền được hưởng tất cả những hi sinh hơn một thế kỷ để có một đất nước như ngày hôm nay.
Hơn 50 tham luận trình bày tại hội nghị cùng các ý kiến trao đổi, phản hồi của Thành phố đã tạo không khí trao đổi sôi nổi, thẳng thắn và cởi mở. Đặc biệt những sáng kiến của các đại biểu trẻ tuổi thể hiện sự tiếp nối, chuyển giao diễn ra giữa các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài. Hội nghị một lần nữa khẳng định các chuyên gia, trí thức, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài sẵn sàng đồng hành với nhân dân trong nước trong sự nghiệp xây dựng đất nước phồn vinh, giàu mạnh.