(VOV5) - Nhiều giáo viên dạy tiếng Việt cho con em gốc Việt ở nước ngoài đều có chung một nỗi trăn trở là làm sao có phương pháp giảng dạy phù hợp nhất, hiệu quả nhất cho đối tượng học sinh của mình. Khóa tập huấn về giảng dạy tiếng Việt ở trong nước vừa qua đã đáp ứng phần nào mong mỏi đó với những thầy giáo, cô giáo tham dự.
|
Các giáo viên chụp ảnh lưu niệm trong lễ bế giảng khóa tập huấn. |
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Hai mươi tám ngày học tập đã cho các giáo viên tham dự khóa tập huấn những trải nghiệm và hướng tiếp cận thú vị trong việc truyền đạt tiếng Việt cho học sinh Việt xa xứ. Ông Lê Quốc Vi, thỉnh giảng viên trường Đại học Hoàng gia Ubôn Rát-cha-tha-ni, Vương quốc Thái Lan không ngần ngại khoe: “Qua lớp tập huấn, chúng tôi thu thập được rất nhiều kiến thức, sự hiểu biết, những kiến thức mà chúng tôi chưa từng được biết thì được các thầy giảng dạy, bày vẽ cho. Khi trở về nước, chúng tôi sẽ đưa tất cả sự hiểu biết đó phổ biến lại cho những con em người Việt Nam ở nước ngoài để biết tiếng Việt. Chúng tôi sẽ phổ biến những danh lam thắng cảnh của Việt Nam mà chúng tôi được tham quan như Hạ Long, Sa Pa, Tràng An hoặc một số điểm du lịch khác”.
Bằng sự nỗ lực và tận tụy, các giảng viên và tiến sĩ ngôn ngữ như PGS, TS Nguyễn Thiện Nam, TS Vũ Văn Thi, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, TS Nguyễn Viết Tiến, Đại học Hà Nội đã truyền cho các học viên niềm yêu nghề, yêu tiếng Việt thông qua các bài giảng dễ hiểu, dễ tiếp thu và không kém phần hấp dẫn. TS Vũ Văn Thi bộc bạch: “Ngay từ lúc đầu đã xác định là phải hết sức cố gắng để mang hết kiến thức, nhiệt tình của mình để giúp cho lớp tập huấn thành công. Ở lớp tập huấn này, tôi nhìn thấy sự hăng say học tập của các học viên. Học viên hăng say học tập quên cả nghỉ giải lao. Đấy là những động viên rất lớn đối với chúng tôi. Hi vọng lớp tập huấn này sẽ đem lại cho học viên luồng sinh khí mới để càng ngày càng có nhiều học sinh học tiếng Việt hơn”.
PGS, TS Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo nhận xét: “Qua khóa tập huấn, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả. Tôi tin tưởng rằng với những kiến thức đã thu hoạch được qua lớp tập huấn, các thầy, các cô tiếp tục truyền đạt kiến thức tiếng Việt cho người Việt ta ở nước ngoài. Làm sao để mọi người yêu thích tiếng Việt, học tiếng Việt và có thể nói được tiếng Việt”.
Không chỉ học được kiến thức mới từ giảng viên, các học viên từ nhiều nước trên thế giới còn đúc rút kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau về cách dạy hay cũng như các phương pháp truyền đạt cho các đối tượng giảng dạy khác nhau. Trịnh Thị Thảo, giáo viên tiếng Việt ở thủ đô Viêng chăn, CHDCND Lào chia sẻ: “Trong lớp tập huấn, có mấy đồng nghiệp ở nước bạn sang học thường hay dạy cho những quan chức cao cấp. Cách thức sư phạm và cách thức lên lớp họ truyền đạt khác với chúng tôi. Qua đấy chúng tôi học được những kiến thức rằng: mình dạy cho các em nhỏ là kiểu khác, còn dạy cho cán bộ là kiểu khác. Và tôi cũng đúc rút được một số kinh nghiệm để về sau này truyền đạt cho những lớp công chức như thế”.
Với chương trình học phong phú, ngoài giờ lên lớp, các học viên được gặp gỡ, giao lưu và học hỏi kinh nghiệm của các đồng nghiệp tại một số khoa Tiếng Việt ở trường Đại học tại Hà Nội đồng thời được đi thăm nhiều danh thắng của đất nước. Những buổi ngoại khóa này là cơ hội để các giáo viên được tìm hiểu về các địa danh nổi tiếng của Việt Nam, làm dày thêm cho kho giáo cụ trực quan minh họa trong các tiết học tiếng Việt. Với đối tượng giảng dạy tiếng Việt mang tính chất đặc thù là ở xa quê hương, nên các thầy giáo, cô giáo nhận thức được không chỉ dạy tiếng Việt mà họ còn gánh thêm trách nhiệm truyền đạt cái hay, cái đẹp của bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam thông qua các bài giảng của mình: “Tôi dạy và hướng dẫn cho các em rằng đi bất cứ nơi đâu chúng ta phải luôn tự hào mình là người Việt Nam. Mà mình là người Việt Nam phải hiểu tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, tự hào về truyền thống văn hóa Việt Nam”.
Sự tâm huyết với truyền thống dân tộc của cô giáo Nguyễn Thị Loan, giáo viên Tiếng Việt duy nhất tại thành phố Karlovy Vary, Cộng hòa Séc đã đem lại những hiệu ứng tích cực. Cô mừng vui kể câu chuyện, bằng sự thuyết phục, thôi thúc của mình, một học sinh của cô, từ chỗ còn e ngại, không tự tin để giao tiếp tiếng Việt đã đăng ký tham dự trại hè dành cho thanh niên, sinh viên người Việt ở nước ngoài mùa hè năm nay và bạn đã bày tỏ niềm vui thích khi tham gia chương trình trại hè này.
Khóa tập huấn đầu tiên về giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên Việt xa xứ đã đạt được niềm mong đợi của học viên. Ông Lê Quốc Vi còn bày tỏ mong muốn các khóa học sau nên kéo dài thêm thời gian tập huấn sẽ thu hoạch được nhiều điều bổ ích hơn. Còn cô giáo Nguyễn Thị Liên Hương giảng dạy tại Đại học Đài Loan, Trung Quốc thì nêu ý kiến: “Ở Đài Loan, 80% trường cấp một mở lớp tiếng Việt. Khoảng 16 trường cấp ba và 20 trường Đại học có dạy môn tiếng Việt. Đa phần các giáo viên tiếng Việt ở Đài Loan tốt nghiệp đại học nhưng chưa có trình độ sư phạm nhất định. Trong tương lai, rất mong Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Ngoại giao cử giáo viên sang Đài Loan để tập huấn cho các chị em”.
Chuyến tập huấn một tháng ở Việt Nam kết thúc trong niềm luyến tiếc và những kỷ niệm ngập tràn. Với hai cô giáo Ngô Đình Uy và Nguyễn Thị Liên Hương, trở về Đài Loan, hành lý của hai người lên tới 160 kg, chủ yếu là sách Việt Nam. Bà giáo Phạm Thị Bích Hạnh ở CHLB Đức thì tâm sự: “Đây là chuyến đi ý nghĩa nhất đối với tôi”. Những giờ giảng tiếng Việt bổ ích trên lớp, những trải nghiệm trong chuyến thăm khu du lịch Tràng An, Sa Pa, Hạ Long, những câu chuyện về Việt Nam sẽ được các thầy, cô lưu giữ và nhanh chóng truyền thụ lại cho con em người Việt một cách tự nhiên, sinh động và đầy màu sắc qua trang giáo án chất chứa niềm đam mê cháy bỏng với ngôn ngữ mẹ đẻ./.