(VOV5) - Các đại biểu cũng nêu một số giải pháp nhằm duy trì, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Sáng 30/11/2021, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo lấy ý kiến xây dựng dự thảo Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN). Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm UBNNVNVNONN Phạm Quang Hiệu, đại diện Lãnh đạo một số bộ, ban, ngành và các cơ quan liên quan, các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao, cùng nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm UBNNVNVNONN Phạm Quang Hiệu |
Hiện ghi nhận 2 phương án: ngày 21/2- Ngày Tôn vinh tiếng mẹ đẻ Quốc tế do UNESCO lựa chọn vào năm 1999 và ngày 08/9 là ngày Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa phát động phong trào “Bình dân học vụ” năm 1945, đồng thời là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội lần thứ III của Hội nhà báo Việt Nam năm 1962: “ Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp.
Quang cảnh hội thảo |
Đối với cộng đồng 5,3 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiếng Việt là niềm tự hào dân tộc, là điểm tựa vững chắc cho văn hóa Việt Nam. Với vai trò vừa là cầu nối vừa là phương tiện lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc, việc giữ gìn và phát huy tiếng Việt là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn, giá trị khoa học và nhân văn sâu sắc. Nói về ý nghĩa của Hội thảo, ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người VNONN cho biết:“ Chúng tôi tổ chức Hội thảo lấy ý kiến nhằm triển khai Kết luận 12 của Bộ chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, trong đó có nêu là giao cho Bộ Ngoại giao nghiên cứu, đề xuất để xây dựng đề án Ngày tôn vinh tiếng Việt. Đây cũng là dịp để chúng tôi lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia về ngôn ngữ cũng như đại diện các bộ ngành có liên quan. Qua ý kiến của các chuyên gia, các bộ ngành, đều tập trung làm rõ tính cấp thiết cũng như ý nghĩa của việc, xác định ngày Tôn vinh tiếng Việt. Hy vọng, trong quá trình xây dựng đề án, chúng tôi sẽ tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp xác đáng, tâm huyết của các nhà khoa học, các chuyên gia ngôn ngữ cũng như bộ ngành liên quan để hoàn thiện đề án”.
Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến về các nội dung như: Xác định nội hàm của Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN; Lựa chọn ngày phù hợp hàng năm làm Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN và các hoạt động có thể tổ chức trong nước và tại các địa bàn có đông cộng đồng người Việt Nam sinh sống nhân Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN.
Các đại biểu tham dự Hội thảo |
Các đại biểu cũng nêu một số giải pháp nhằm duy trì, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ văn hóa thể thao và du lịch đề xuất: “Sự tham gia của các bộ ngành, địa phương cũng như khuyến khích sự tham gia của các thành viên xã hội. Đây là nghĩa vụ, là trách nhiệm của mọi cơ quan, mọi tổ chức đoàn thể chính trị xã hội và của mọi người dân. Tôi cũng nghĩ rằng, đây phải mang tính định vị, thông điệp rõ ràng, nêu bật được ý nghĩa, giá trị của kết nối cộng đồng người Việt ở nước ngoài với trong nước. Chúng ta phải nghĩ đến việc ưu tiên định kỳ đưa văn hóa Việt đến với các quốc gia mà ở đó có đông cộng đồng người Việt Nam nhân dịp lớn của đất nước như ngày Tết, ngày lễ. Công tác dạy tiếng Việt và những môn nghệ thuật của Việt Nam như đàn, võ thuật… nên được đẩy mạnh”.
Hội thảo là nỗ lực của Ủy ban Nhà nước về NVNONN trong việc khuyến khích, cổ vũ đồng bào NVNONN, nhất là thế hệ trẻ học tập và gìn giữ tiếng Việt theo Kết luận 12-KL/TW ngày 12/08/2021 của Bộ Chính trị về công tác NVNONN trong tình hình mới.