(VOV5) - Các diễn giả là những chuyên gia, bác sĩ đều đã tham gia vào tuyến đầu chống dịch ở Châu Âu hay đang trong tâm dịch tại TPHCM.
Tối 28/8 (giờ Việt Nam), hội thảo đặc biệt của các chuyên gia y tế người Việt trong và ngoài nước với chủ đề Webminar#YTe “Hiểu rõ về F0 để chăm sóc hiệu quả” diễn ra trực tuyến với sự kết nối từ nhiều điểm cầu trên thế giới.
Đây là hội thảo được tổ chức tiếp nối thành công của 3 hội thảo trước chuyên đề về phòng chống covid 19 do AVSE Task Force Covid-19 – Nhóm phản ứng nhanh phòng chống covid 19 của Hội khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu tổ chức.
Các diễn giả tại buổi hội thảo - Ảnh chụp màn hình. |
Nội dung của buổi hội thảo giúp người tham dự hiểu rõ về F0 là gì và phác đồ xử lý F0; sinh lý bệnh, thuốc và những hướng đi chữa trị, chăm sóc, cách ly; những kinh nghiệm, khó khăn và góp ý về chăm sóc F0 tại nhà, tại bênh viện, cũng như đưa ra cái nhìn tổng thể và các cách xử lý bệnh nhân nặng Hội thảo chia sẻ những thông tin chuẩn xác về việc F0 cách ly tại nhà liệu có an toàn như được trị liệu ở bệnh viện; F0 cách ly tại nhà hoặc F0 điều trị tại bệnh viện gồm những ai; làm sao để phân biệt triệu chứng và biết khi nào cần vào viện…
Gồm cả những nội dung phổ cập cũng như những kiến thức chuyên môn sâu cập nhật được trình bày bởi các chuyên gia, bác sĩ đều đã tham gia vào tuyến đầu chống dịch ở Châu Âu hay đang trong tâm dịch tại TPHCM .
Tại buổi hội thảo, GS BS Đinh Xuân Anh Tuấn - Bệnh viện Cochin, Paris & Thành viên Taskforce Hội chứng Covid mãn tính của Liên minh Châu Âu, Pháp giới thiệu những thông tin nghiên cứu tổng quát để “Hiểu rõ về F0 để chăm sóc hiệu quả.”
TS BS Lê Ngọc Hòa Nhã - Viện nội soi xâm lấn, ĐH Semmelweis, Budapest, Hungary chia sẻ những kinh nghiệm trong cuộc chiến chống đại dịch covid 19 của Hungary khi cô trực tiếp tại đây, cũng như những kết quả từ nghiên cứu, điều trị tại Hungagry. Ngoài việc điều trị thể chất, thì việc chăm sóc tâm lý – xã hội đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân covid 19 và gia đình.
Những thông tin chia sẻ của TS BS Lê Ngọc Hòa Nhã - Viện nội soi xâm lấn, ĐH Semmelweis, Budapest, Hungary. |
TS BS Lê Thượng Vũ, Phó Trưởng Bộ môn Nội, Đại học Y Dược TPHCM; Tổng thư ký Hội Hô hấp TP Hồ Chí Minh và ThS BS. Dương Duy Khoa - Khoa Y, Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh thông tin về những phác đồ theo Bộ Y tế đang được áp dụng đề điều trị cho bệnh nhân covid 19 hiện nay tại Việt Nam.
Có những nội dung chuyên môn sâu nhưng đặc biệt hữu ích, hội thảo lần này kéo dài đến 3 giờ, thu hút 500 khách tham dự trực tuyến trên nền tảng zoom, đa số là bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, và hơn 5000 lượt khán thính giả theo dõi, hỏi trực tiếp qua livestream trực tiếp trên fanpage của AVSE Global.
TS Nguyễn Thu Trà (người Việt ở Pháp), thành viên Ban tổ chức cho biết: “AVSE Task Force Covid-19 dự kiến tổ chức thường xuyên các buổi Webminar#YTe để giới y khoa có thể trao đổi về các cách chữa trị, giải pháp hay các nỗ lực và đồng lòng của ngành y học thế giới và Việt Nam. Hội thảo tiếp theo do AVSE Task Force Covid-19 tổ chức với chủ đề Hiểu về tâm lý để an tâm giữa mùa dịch diễn ra lúc 20h – 21:30 ngày 29/8."
Trong buổi hội thảo sẽ có sự xuất hiện của các diễn giả: TS Joseph Vanvo - Tiến sĩ tâm lý Công nghệ và Thương mại Viện Đại học Paris 1 Panthéon Sorbonne (Pháp), Viện Đại học Sacramento State (Mỹ); TS BS Thân Hà Ngọc Thể - Phó Chủ tịch thường trực Hội Y học Chăm sóc giảm nhẹ Việt Nam, Phó Chủ tịch Chi hội Lão khoa TP. Hồ Chí Minh; nghiên cứu sinh Trương Nguyễn Xuân Quỳnh – Đại học Boston (Mỹ), Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), nhà thực hành công tác xã hội lâm sàng trong lĩnh vực y tế, Giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh. Điều phối chương trình hội thảo này là TS Nguyễn Thụy Phương - Phó Giám đốc mạng lưới giáo dục AVSE Global, Chủ tọa diễn đàn Giáo dục Việt Nam VES.
Nội dung của buổi hội thảo sẽ đề cập đến những điều người cao tuổi và nhóm người dễ bị tổn thương cần biết để an tâm giữa mùa dịch, tâm lý cho tuyến đầu chống dịch và mối quan hệ gia đình - xã hội - doanh nghiệp giữa mùa dịch.
Những thông tin từ webminar#YTe “Hiểu rõ về F0 để chăm sóc hiệu quả”: