Kết nối tình đoàn kết dân tộc thông qua lễ hội văn hóa dân gian

(VOV5) - Vào những ngày đầu xuân, khi những cánh hoa đào bừng nở, bà con kiều bào về quê đón Tết lại tham gia vào ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” với cộng đồng các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.

Kết nối tình đoàn kết dân tộc thông qua lễ hội văn hóa dân gian - ảnh 1
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến dự và chúc Tết đồng bào các dân tộc Việt Nam trong ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc".. Ảnh: Cảnh Tiêu


Nghe âm thanh bài viết tại đây:




Trong hai ngày mùng 8 và mùng 9 tháng giêng, Đinh Dậu, Làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam trở thành một không gian rực rỡ sắc màu với sự tham dự của 16 cộng đồng dân tộc ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước và gần 100 đại biểu kiều bào từ nước ngoài về chung vui. Tại ngày hội này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ vui mừng được gặp mặt các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, các chức sắc tôn giáo, người có uy tín tiêu biểu đại diện các dân tộc, vùng miền và đồng bào ta ở nước ngoài về quê hương ăn Tết. Chủ tịch nước cho rằng việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc là vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Ngày hội đại đoàn kết là hoạt động cụ thể nhằm kêu gọi, gìn giữ và nhân rộng tình đoàn kết của nhân dân, đồng bào các dân tộc anh em. Trong không khí nắng ấm của mùa xuân, bà con từ nhiều vùng miền khác nhau, cầm tay nhau trong điệu xòe, một điệu múa dân gian của đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc, hòa cùng tiếng chiêng, trống rộn ràng, để mong ước một cuộc sống thanh bình, ấm no, hạnh phúc đến với mọi người, mọi nhà. Với chị Đặng Lan Hương, sinh sống và làm việc tại Slovakia, năm nay là năm thứ hai chị tham dự ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”: “Về dự ngày hội này, tôi thấy rất vui và cảm động. Vì mình thấy sự hòa đồng giữa người dân tộc Kinh với 53 dân tộc. Các tiết mục văn nghệ nói lên các nền văn hóa của các dân tộc. Mình hiểu thêm về các nền văn hóa đó. Chủ tịch nước đến tham dự cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc. Và sự quan tâm của Đảng và nhà nước đến kiều bào càng ngày càng lớn hơn. Nên bà con kiều bào có điều kiện đến đâu thì về nước thì cống hiến đến đấy”.

Kết nối tình đoàn kết dân tộc thông qua lễ hội văn hóa dân gian - ảnh 2
Anh Phan Ty, kiều bào ở Vương quốc Anh (thứ tư từ phải sang) chụp ảnh cùng bà con dân tộc.



Gặp gỡ và giao lưu với đồng bào dân tộc thiểu số, anh Phan Ty, kiều bào ở Vương quốc Anh, cho rằng đây là một hoạt động ý nghĩa nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa và tinh thần đại đoàn kết của dân tộc: “Đây là cơ hội cho kiều bào và bà con 54 dân tộc đoàn kết lại với nhau. Sự đoàn kết của 54 dân tộc mang đến sự ấm cúng và tình quê hương cho kiều bào như chúng tôi. Điều đó cho chúng tôi suy nghĩ là tại sao chúng tôi không về Việt Nam giao lưu và ủng hộ đồng bào, Tổ quốc những lúc như thế này. Bản thân tôi thấy rất hãnh diện được về đây dự chương trình “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”.


Hơn 200 người đại diện cho các dân tộc như Thái, Mông, Nùng, Cao Lan, Tày, Dao, Mạ, Chăm, Pu Péo, Hà Nhì, Tà Ôi, Tày đã hội tụ tại làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam tham gia các hoạt động lễ hội và hội xuân. Nhiều lễ hội mừng năm mới của bà con dân tộc đã được tái hiện tại đây như lễ Xên bản (tức cúng bản) của dân tộc Thái tỉnh Điện Biên; Lễ tạ ơn thần Tài (A Tanpa Nuôn) của dân tộc Tà Ôi, tỉnh Thừa Thiên Huế… Những trò chơi dân gian như nhảy sạp, đi cà kheo, ném còn, đánh đu, giao lưu dân ca đã tạo nên không khí tưng bừng, thể hiện sắc màu đa dạng của mùa xuân trên khắp các vùng miền của Tổ quốc.


Kết nối tình đoàn kết dân tộc thông qua lễ hội văn hóa dân gian - ảnh 3
Kiều bào vui mừng được tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa với bà con các dân tộc thiểu số.


Chị Hương Ly, kiều bào ở Austraylia, lần đầu tiên được cùng bà con các dân tộc, nghiêng ché, uống rượu cần, cho biết, ngày hội này đã giúp chị hiểu thêm về phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Chị cho rằng làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam là một mô hình du lịch độc đáo, cần tiếp tục mở rộng khai thác một cách hiệu quả để trở thành “Ngôi nhà chung của 54 dân tộc anh em": “Việt Nam có nhiều cảnh đẹp. Về Austraylia, tôi sẽ quảng bá, giới thiệu cho nhiều người dân Austraylia để nhiều người biết về truyền thống văn hóa đất nước, con người Việt Nam. Đặc biệt tính hiếu khách của dân tộc Việt Nam thì dù có đi đâu trên khắp thế giới cũng không thể quên và không thể phủ nhận được điều đó”.


Bà Hạnh Kusá, người Việt tại Cộng hòa Séc, những khi về Việt Nam đều đưa chồng là ông Milos Kusý đi thăm các danh thắng của Việt Nam trong đó cũng đến nhiều nơi mà người dân tộc thiểu số sinh sống. Ông Milos Kusý đặc biệt ấn tượng về những bộ trang phục truyền thống và phong tục tập quán ở nhiều địa phương ông đi qua: “Tôi đã đi thăm nhiều nơi ở Việt Nam như đi Đà Lạt, Đà Nẵng, Nha Trang. Đặc biệt, tôi đã lên Sa Pa. Tôi rất thích cuộc sống của người dân tộc thiểu số ở đây. Họ có nét văn hóa rất riêng, thú vị, gần gũi và thân thiện. Tôi rất vui khi có mặt ở đây”.


Kết nối tình đoàn kết dân tộc thông qua lễ hội văn hóa dân gian - ảnh 4

Không chỉ hòa vào các trò chơi truyền thống mang nét đẹp văn hóa của nhiều vùng miền, kiều bào từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới còn giao lưu với bà con các dân tộc thông qua đêm văn nghệ ấm tình xuân.


Tiếng đọc thơ, tiếng hát của kiều bào cùng với các tiết mục dân gian là những điệu múa uyển chuyển, duyên dáng của người Chăm, tiếng khèn Mông dìu dặt như sợi dây nối kết người xa quê với đồng bào các dân tộc thiểu số trong không gian bao la của đất trời vào xuân.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác