(VOV5) - Mong muốn của họ là những nghiên cứu sẽ phục vụ cho sức khỏe của người dân ở các nước, cũng như Việt Nam.
Không ít người Việt ở nước ngoài đang theo đuổi, nghiên cứu hoặc làm việc trong những lĩnh vực liên quan tới chăm sóc sức khỏe. Mong muốn của họ là những nghiên cứu sẽ phục vụ cho sức khỏe của người dân ở các nước, cũng như Việt Nam.
Nghe âm thanh tại đây:
Gõ tên bác sĩ Đoàn Thị Mai, chúng ta sẽ thấy kênh youtube tư vấn về chăm sóc sức khòe, cập nhật những thông tin mới nhất về cách chăm sóc con cho các bà mẹ trẻ, cách phòng chống bệnh tật cho trẻ. Tốt nghiệp khoa y Trường Đại học Y Saint Petersburg, LB Nga, chị Đoàn Thị Mai mong muốn ngày càng phát triển kênh youtube này để giúp cho những người lần đầu làm mẹ có thêm kiến thức nhi khoa và y học cộng đồng.
|
Phát triển kênh youtube này từ năm 2018, đến nay, kênh youtube của chị có hàng triệu lượt người theo dõi và đưa lên hàng trăm ngàn video cung cấp kiến thức cho các bà mẹ. Bác sĩ Đoàn Thị Mai chia sẻ:Youtube của tôi đang làm này giúp cho các bà mẹ ở Việt Nam, đóng góp sức mình từ xa hơn, giúp cho các bà mẹ còn nhiều bỡ ngỡ, lần đầu tiên nuôi con. Các bà mẹ trẻ đăng ký tham gia theo dõi hàng ngày các video phổ biến các kiến thức nhi khoa, y học cộng đồng, là các kiến thức đơn giản, hàng ngày. Nói một cách dễ hiểu là chuyển những kiến thức khoa học sang ngôn ngữ đời thường dễ hiểu, để mọi người dễ dàng tiếp cận
Chị Lê Bích Diệp, người Việt tại Philippine tham gia nhiều dự án của WHO |
Làm việc cho Tổ chức y tế thế giới, rời Việt Nam sang Singapore, chị Lê Bích Diệp, làm việc ở một bệnh viện lớn Singapore trong vòng 10 năm và sau đó, chị lại sang tiếp tục tham gia công việc của tổ chức này tại Phippine. Công việc khá vất vả, chị phải học lại từ đầu để làm quen với những công việc chăm sóc bệnh nhân trực tiếp tại bệnh viện. Chính vì vậy, chị có kiến thức rất rộng về việc tham gia các dự án thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu các bệnh lây nhiễm và nhất là giám sát từng ca bệnh. Chị chia sẻ về hoạt động của mình tại Singapore và Philippine như sau:Tham gia các nghiên cứu lâm sàng, sử dụng các thuốc mới cho bệnh nhân ngay tại bệnh viện. Học ngành y nên sang đấy mình phải học lại từ đầu như làm điện tâm đồ, cách lấy máu cho bệnh nhân, nói chuyện với bệnh nhân… Sang Philippine thì mình làm việc với các nhà tài trợ, làm báo cáo cho các nhà tài trợ như tiền của các nhà tài trợ thì Tổ chức y tế thế giới đã hỗ trợ những hoạt động nào…
Chị cũng tham gia một số nghiên cứu lâm sàng trên bệnh nhân, thử nghiệm các loại thuốc cho bệnh nhân như bệnh viêm gan…tại Philippine. Chị Lê Bích Diệp mong muốn, công việc của mình ở Tổ chức y tế thế giới sẽ có nhiều đóng góp cho người dân ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Tốt nghiệp khoa hóa trường đại học ở TPHCM, xin được học bổng ở Hàn Quốc và làm thạc sĩ và sau đó, làm luận án tiến sĩ ở Anh, tiến sĩ Nguyễn Bá Linh nhiều năm theo đuổi nghiên cứu việc nuôi cấy những tế bào trong phòng thí nghiệm và nhân rộng lên để thay thế cho bệnh nhân gãy xương, rách da làm cho bệnh nhân đỡ đau đớn hơn so với việc phẫu thuật thông thường. Tiến sĩ Nguyễn Bá Linh cho biết về nghiên cứu cũng như ý tưởng về hợp tác với các nhà khoa học Việt Nam như sau:Electro spinning và hallogien rất tốt để lót thuốc hoặc lót các hạt để chữa bệnh ung thư, cũng như tạo thành da mới, xương mới, tạo thành nano bạc kiểm soát được việc phóng ra các nanno bạc. Software mình tạo trên máy tính, phòng nuôi cấy tế bào để tạo tế bào xương. Các thầy cô quan tâm thì hợp tác nghiên cứu. Tìm những dự án Việt Nam-UK mình có thể viết chung với nhau. Việt Nam có thể sử dụng những vật liệu như vỏ tôm, vò sò…, nếu cần có thể gửi qua đây mình phân tích
Tiến sĩ Phan Mạnh Hưởng, người Việt tại Hoa Kỳ trong chuyến công tác tại Vương Quốc Anh |
Còn đối với tiến sĩ Phan Mạnh Hưởng, người Việt tại Hoa Kỳ theo đuổi nghiên cứu về lĩnh vực vật liệu như vật liệu từ, được ứng dụng trong bộ nhớ, máy tính, la bàn và điện thoại thông minh thế hệ mới…Anh cũng nghiên cứu cả vật liệu kích thước nano, có tính chất đặc biệt đốt nóng để tiêu diệt các tế bào ung thư. Đó là những hướng đi mà tiến sĩ Phan Mạnh Hưởng kiên trì nghiên cứu cũng như hợp tác với các nhà khoa học tại Việt Nam:Gần đây nhất, nghiên cứu về thiết bị cảm biến. Nhóm của tôi là nhóm đầu tiên phát hiện ra cảm biến từ, sử dụng các tính chất của cảm biến để bắt được sự thay đổi phổ thở của một bệnh nhân COVID-19, có mẫu ở Mỹ, chuyển giao về Việt Nam và hiện nay đang được sử dụng để kiểm tra cho các bệnh nhân COVID, bệnh nhân phổi và tim mạch. Ngoài làm việc ở nước ngoài, chúng tôi cũng kết hợp với các nhà khoa học Việt Nam để giúp giải quyết những vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà ở cả thế giới
Những nghiên cứu của những nhà khoa học ở nước ngoài trong lĩnh vực y học sẽ đóng góp hiệu quả, có tiềm năng ứng dụng rất lớn trong việc kiểm soát bệnh tật, để người dân có thêm những kiến thức trong y học cộng đồng. Đó cũng là mong muốn của những nhà khoa học người Việt ở nước ngoài muốn hướng về quê hương, đóng góp cho quê hương thông qua công việc của mình.