Tham dự buổi lễ có đông đảo tăng ni của chùa Khuông Việt, Việt kiều sinh sống tại Paris và vùng phụ cận, sinh viên Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại Pháp, cán bộ và thân nhân cán bộ đang công tác tại các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp.
Lễ cầu siêu diễn ra trang nghiêm, theo đúng nghi thức Phật giáo. Vòng hoa tươi thắm mang dòng chữ "Đời đời nhớ ơn các liệt sỹ đã hy sinh tại đảo Gạc Ma-Trường Sa ngày 14/3/1988" được đặt ở vị trí trang trọng tại bái đường.
|
Chùa Khuông Việt tại Paris (Pháp) tổ chức lễ cầu siêu cho 64
chiến sĩ hy sinh tại Gạc Ma. |
Phát biểu mở đầu buổi lễ, Thượng tọa Thích Tịnh Quang, trụ trì chùa Khuông Việt ôn lại sự kiện Gạc Ma, bày tỏ niềm tiếc thương và tôn kính vô hạn với những chiến sỹ đã đem thân mình bảo vệ biển đảo thiêng liêng của đất nước. Theo ông, buổi lễ hôm nay, như đã được tổ chức hàng năm tại các ngôi chùa Việt trên đất Pháp, là sự tưởng nhớ, tri ân của giới Phật tử và cộng đồng người Việt tại Paris - Pháp với các liệt sỹ.
Thượng tọa Thích Tịnh Quang cho biết: "Chúng tôi luôn nhớ đến các anh em chiến sỹ đã quên thân mình để bảo vệ mảnh đất thân yêu của đất nước Viêt Nam và đồng thời khuyến khích tất cả mọi người có tâm hướng về đất nước, dù ở nơi đâu. 28 năm qua, ở trong các chùa luôn luôn nhớ đến ngày này. Những buổi lễ đó nhiều khi tổ chức quy mô, thông báo cho các phật tử biết, hoặc có khi chỉ tổ chức trong chùa, làm lễ kỳ siêu và nguyện cầu cho linh hồn tất cả các tử sỹ. Những buổi lễ đó cũng để cầu nguyện cho quốc thái dân an".
Thượng tọa Thích Tịnh Quang cũng bày tỏ mối quan tâm tới tình hình Biển Đông hiện nay và cho rằng bảo vệ lãnh thổ do cha ông để lại là nghĩa vụ của mọi người con đất Việt ở khắp nơi, bằng nhiều hình thức khác nhau.
|
Vòng hoa mang dòng chữ "Đời đời nhớ ơn các liệt sỹ đã hy sinh tại đảo
Gạc Ma-Trường Sa ngày 14/3/1988". |
Chia sẻ cảm xúc sau khi tham dự buổi lễ, ông Henry Đặng, phụ trách đối ngoại của Hội người Việt Nam tại Pháp bày tỏ sự xúc động, bởi đây là lễ cầu siêu tại một ngôi chùa Việt trên đất Pháp và gợi lại cho ông kỷ niệm về lễ cầu siêu ngay trên chuyến tầu ông cùng bà con Việt kiều ra thăm Trường Sa năm 2015. Theo ông, cần có những thông tin đầy đủ để bạn bè Pháp và cộng đồng người Việt hiểu thêm về tình hình Biển Đông. Thời gian qua, đã có một số hoạt động đáng chú ý thu hút đông đảo bà con như Triển lãm về Trường Sa tại Paris tháng 12/2015.
Ông Henry Đặng cho biết: "Trong tương lai, phải tiếp tục thông tin để từng bước lấy được cảm tình của bạn bè Pháp. Phải giải thích cho họ biết tình hình như thế nào, rằng có những nước mạnh hơn Việt Nam mình tại Á châu đang bành trướng rất vô lý trên biển đảo".
Ông Henry Đặng cùng nhiều bà con tham gia buổi lễ bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ thắng trong cuộc đấu tranh ngoại giao vì chủ quyền biển đảo dựa trên lẽ phải.
Tham dự buổi lễ, anh Lê Xuân Tuấn, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp bày tỏ niềm xúc động và khẳng định cộng đồng thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Pháp luôn hướng về đất nước.
Anh Lê Xuân Tuấn nói: “Chúng tôi cảm thấy rất tự hào và xúc động được tham dự buổi lễ cầu siêu này. Và chúng tôi cũng ý thức về trách nhiệm của những thanh niên, sinh viên đang du học nước ngoài, đó là phải cố gắng tập trung học tập thật tốt, có nhiều kiến thức đóng góp cho quê hương đất nước sau này".
Để cống hiến phần mình trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa, Hội sinh viên đã tích cực tham gia cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc và kêu gọi sự ủng hộ quốc tế tại Paris hồi tháng Giêng và đang tìm kiếm những hoạt động thiết thực khác trong tương lai.
Cùng ngày, một buổi lễ cầu siêu cho vong linh các liệt sỹ hy sinh trong trận thủy chiến ở Gạc-Ma cũng được tổ chức tại chùa Trúc Lâm ở ngoại ô Paris.