(VOV5) - Dù sống xa đất nước gần cả cuộc đời, GS Yêm đã luôn cố gắng viết những bài báo phổ biến khoa học bằng tiếng Việt, mỗi lần một gần gũi với tiếng Việt hiện đại hơn.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Cuốn sách phổ biến khoa học thường thức “Cơ học lượng tử & Thuyết tương đối - Hai trụ cột của vật lý hiện đại” của nhà khoa học gốc Việt nổi tiếng Phạm Xuân Yêm, do NXB Tri Thức ấn hành đã ra mắt bạn đọc Việt.
GS Phạm Xuân yêm - Ảnh: VNU |
GS Phạm Xuân Yêm là Tiến sĩ quốc gia Đại học Paris, Giám đốc nghiên cứu thuộc Trung tâm Quốc Gia Nghiên cứu Khoa học (ngành Vật lý lý thuyết), tòng sự ở Đại học Pierre & Marie Curie, Paris.
Ông là đồng tác giả với giáo sư Hồ Kim Quang (Đại học Laval, Canada) cuốn sách giáo trình về Vật lý hạt cơ bản được dùng trong nhiều đại học Mỹ, Châu Âu và Australia.
Cuốn sách tập hợp các bài viết của GS Phạm Xuân Yêm về cơ học lượng tử và thuyết tương đối cũng như những ứng dụng của nó trong vật lý hạt cơ bản mà ông là một chuyên gia có tên tuổi trên thế giới.
PGS, TS Nguyễn Ái Việt – Nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia Hà Nội, giới thiệu: "Nhan đề cuốn sách của anh Phạm Xuân Yêm là Cơ học lượng tử và thuyết tương đối, là hai cột trụ của vật lý hiện tại, được xây dựng trên nền tảng của vật lý cổ điển, nó đỡ Hạt cơ bản và vũ trụ học.
Chúng ta thấy cuốn sách của anh Yêm nói về là Cơ học lượng tử và thuyết tương đối, nhưng thực ra là nói rất nhiều về Hạt cơ bản và Vũ trụ học. Khi chúng ta có tri thức khoa học thì vật lý sẽ mang lại công nghệ, phát triển công nghiệp và ứng dụng trong đời sống."
Phạm Xuân Yêm là một trong những người Việt Nam đam mê khoa học và vẻ đẹp của nó, như đúng phong cách văn hóa phương Tây, sớm đi vào trung tâm của nền vật lý hiện đại đang phát triển mạnh mẽ ở phương Tây, và là nhà nghiên cứu rất thành đạt.
Dịch giả, nhà khoa học GS Nguyễn Xuân Xanh nhận xét: “Tiếng nói của GS Yêm luôn luôn có trọng lượng và được lắng nghe, trong khoa học cũng như trong cuộc sống cá nhân hằng ngày. Ông không chỉ là một nhà khoa học lớn, mà còn là một nhân cách lớn, một tấm gương dấn thân trong khoa học, một trí thức công chúng có trách nhiệm với cộng đồng rất đáng ngưỡng mộ”.
Từng có nhiều kỷ niệm với GS Phạm Xuân Yêm, PGS, TS Nguyễn Ái Việt kể lại: "Tôi gặp anh Yêm năm 1995 tại paris. Anh là 1 người rất “lão thực” – 1 người rất giỏi nhưng chân thành."
Với quá trình cộng tác cùng GS Phạm Xuân Yêm trong suốt mấy chục năm qua về nhiều phương diện khác nhau, trong con mắt dịch giả, TS Phạm Văn Thiều, GS Phạm Xuân Yêm là một nhà khoa học có tiếng ở nước ngoài nhưng luôn trăn trở với sự phát triển khoa học, giáo dục ở trong nước.
Dịch giả Phạm Văn Thiều cho biết, GS Phạm Xuân Yêm đã động viên, khuyến khích ông rất nhiều trong việc dịch thuật, trong đó có việc dịch cuốn sách nổi tiếng “Giai điệu dây và bản giao hưởng vũ trụ”. GS Yêm đã cộng tác cùng tờ Vật lý và Tuổi trẻ do dịch giả Phạm Văn Thiều làm Tổng biên tập, viết những bài báo phổ biến khoa học quan trọng về những phát kiến vật lý mới, như bài viết diễn giải lại cho dễ hiểu hơn nghiên cứu của nhà khoa học xô viết lừng lẫy Lev Okun, (nội dung về khối lượng là một đặc trưng nội tại của hạt (giống như điện tích…,) chứ không phụ thuộc vào hệ quy chiếu hay vận tốc). Dịch giả Phạm Văn Thiều cho biết thêm: Đáng tiếc dù ngày nay sách giáo khoa của Mỹ đã sửa đổi theo nghiên cứu này, nhưng những sách vật lý đại cương của Việt Nam vẫn chưa cập nhật.
Dịch giả Phạm Văn Thiều khẳng định: Dù sống xa đất nước gần cả cuộc đời, GS Yêm đã luôn cố gắng viết những bài báo phổ biến khoa học bằng tiếng Việt, mỗi lần một gần gũi với tiếng Việt hiện đại hơn: "Từ lúc khởi sự viết những bài báo ấy, anh Yêm đã bắt đầu thấy thích viết những bài bằng tiếng Việt. Tôi nghĩ bản thân tôi cũng kích thích việc viết của anh ấy, vì những bản dịch của tôi anh đọc rất kỹ, rất thích thú. Và sau đấy nhà xuất bản Tri thức liên tục ra những cuốn kỷ yếu: Kỷ yếu Galile, Kỷ yếu Plant…thì số nào cũng có bài của anh Phạm Xuân Yêm và viết bằng tiếng Việt…
Tôi nghĩ với những người sống ở nước ngoài lâu như vậy – anh sống, sinh hoạt, giảng dạy bằng tiếng Pháp, viết sách báo bằng tiếng Anh, nên việc dành nhiều thời gian để viết một cuốn sách bằng tiếng Việt, cũng là một thách thức với anh. Quyển sách mà chúng ta đang giới thiệu là thành quả của 20, 30 năm anh đã viết bằng tiếng Việt; trong khi nhiều người không bao giờ viết bằng tiếng Việt. Ngoài chuyện khoa học vv.., thì tinh thần yêu tiếng Việt, tình cảm với quê hương, cống hiến để có được quyển sách này. Nếu các bạn đọc sẽ thấy nó được viết tốt, đôi khi văn hóm hỉnh, ý nhị. Có những ý tưởng, suy tư, triết lý mà tôi trộm nghĩ có thể việc viết ấy và ảnh hưởng ấy phần nào ảnh hưởng phong cách và tinh thần của Okun: khúc triết, sáng sủa, mạch lạc và giàu tính sư phạm, dễ hiểu, nêu được bản chất của vấn đề." - Ông Thiều nói.
PGS, TS Nguyễn Ái Việt phát biểu tại hội thảo |
Như lời giới thiệu của NXB Tri thức: "Ý thức rằng “tri thức là sức mạnh”, GS Phạm Xuân Yêm muốn truyền cảm hứng cho giới trẻ trong thời đại xã hội Việt Nam đang thiếu tình yêu và đam mê khoa học.
Tập sách này là thông điệp tinh thần Phạm Xuân Yêm muốn gửi đến các thế hệ mai sau về những khám phá khoa học trụ cột đã và còn định hình thế hệ chúng ta đang sống, cũng như thông qua bài Xã hội dựa trên hai trụ cột: Tri thức và lòng trắc ẩn như một tín điều, ông muốn gửi gắm tình cảm đối với đất nước, về những giá trị nhân văn, về sự xây dựng nền khoa học quốc gia, sự tất yếu các giá trị phổ quát của cả thế giới như nền tảng của sự phát triển nói chung mà Việt Nam phải chấp nhận để đồng hành trên con đường thế giới đã và đang đi."