(VOV5)- Trong căn nhà nhỏ ấm cúng của Giáo sư Trần Hữu Quốc ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc trong những ngày gần Tết, luôn tràn ngập âm thanh da diết từ những bản nhạc do chính đôi vợ chồng giáo sư Việt-Hàn song tấu. Bản nhạc “Lời chào tình yêu” mà Giáo sư Quốc cùng vợ chơi tặng nhóm phóng viên chúng tôi như một lời yêu thương gửi về quê hương Việt Nam.
“Không được về quê ăn Tết, tôi nhớ lắm! Nhớ nhất là những cái Tết thời thơ ấu, được bố mẹ dẫn lên sân thượng xem bắn pháo hoa, nhớ những buổi cùng gia đình đi mua cây mai và thích nhất là được người lớn lì xì... Bây giờ, tuy không còn cảm giác như thời trẻ con, nhưng mỗi khi Tết đến, tôi vẫn nhớ lắm, nhưng nhớ nhất vẫn là gia đình, bố mẹ”- Giáo sư Trần Hữu Quốc tâm sự.
|
Bản nhạc “Lời chào tình yêu” mà Giáo sư Quốc cùng vợ chơi tặng nhóm phóng viên chúng tôi như một lời yêu thương gửi về quê hương Việt Nam.
|
Giáo sư Trần Hữu Quốc hiện đang giảng dạy âm nhạc tại nhiều trường đại học nghệ thuật lớn của Hàn Quốc, như Đại học Baekseok, ĐH Paichai, ĐH Miongji, ĐH Jungmission…. Ông còn là nghệ sĩ vĩ cầm, thành viên của dàn nhạc giao hưởng quốc gia Hàn Quốc. Ông cũng thường xuyên trở về Việt Nam biểu diễn với mong muốn được đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà.
Tết này ở xa quê, Giáo sư Trần Hữu Quốc cũng mua bánh chưng, giò và tự tay gói nem để vợ con và gia đình bên ngoại thưởng thức. Chị Eun Young-vợ Giáo sư là người Hàn Quốc, họ quen nhau khi cùng học ở nước Nga. Chị Eun Young khoe rằng, chồng chị nấu ăn rất ngon, chị thích nhất là các món ăn Việt Nam do chồng nấu: “Tôi thích món ăn Việt Nam vì hương vị rất đậm đà. Tôi đã thưởng thức món ăn ở nhiều nước nhưng thích nhất vẫn là món ăn của Việt Nam, có lẽ một phần cũng do nó ít chất béo. Trong các món đó tôi thích nhất món giò, vì vị của nó thơm thơm, bùi bùi”.
Làm thông dịch viên cho vợ với các phóng viên, Giáo sư Quốc còn chia sẻ thêm những điều mà vợ từng nhận xét về bánh chưng Việt Nam: “Vợ tôi so sánh bánh chưng cũng giống bánh tok ở Hàn Quốc nhưng vị hơi khác một chút. Cô ấy cũng thắc mắc tại sao luộc cái bánh chưng phải đến mười mấy giờ liền, rồi tại sao bánh chưng lại có màu xanh… Tôi lại phải giải thích màu xanh là màu của lá dong, còn luộc lâu như vậy thì bánh mới dền, mới ngon”.
Chia tay Giáo sư Trần Hữu Quốc, chúng tôi đã gặp Giáo sư Bùi Hồng Thủy. Chị là nhà khoa học có tiếng trong lĩnh vực công nghệ sinh học, hiện đang nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học Konkuc, Seoul.
Khác với hình dung của chúng tôi về một nhà khoa học nữ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, Giáo sư Bùi Hồng Thủy có vẻ đẹp duyên dáng, rất Việt Nam. Cách trò chuyện của chị thân tình, cởi mở và tế nhị khiến chúng tôi cảm giác như gặp được người thân.
|
Giáo sư Bùi Hồng Thủy (ảnh phải) cùng các sinh viên Đại học Konkuc, Seoul
|
Chị Thủy chia sẻ: “Cách đây 3 năm, gia đình tôi vẫn thường về ăn Tết ở Việt Nam. Nhưng giờ đây do cháu lớn đang học lớp 12, và bên này chỉ được nghỉ Tết 2 ngày nên gia đình tôi không thể về Việt Nam ăn Tết được”.
Tuy vậy, chị vẫn không quên nấu các món ăn ngày Tết và dạy dỗ con cái truyền thống của người Việt Nam: “Tết tôi vẫn làm giò thủ, nem rán và các món ăn trong ngày Tết để gia đình cùng ăn. Tôi cũng giải thích cho các con vì sao trong ngày Tết lại thường hay ăn những món ăn này để các con hiểu về truyền thống của dân tộc. Ở trường cháu bé có bạn học là người Việt Nam, cháu về Việt Nam ăn Tết hẳn hai tuần, con tôi về hỏi mẹ rằng: Sao Tết quan trọng mà con không được về Việt Nam ăn Tết. Tôi phải giải thích cho con rằng Tết với người Việt vô cùng quan trọng. Vì điều kiện gia đình không thể về Việt Nam ăn Tết nhưng mẹ vẫn chuẩn bị Tết theo phong tục của người Việt. Trong những ngày Tết, tôi vẫn thường thắp hương tưởng nhớ tổ tiên”.
Chị Thủy cũng dạy con chu đáo cả cách ứng xử với ông bà cha mẹ theo đúng truyền thống người Việt: “Dù các con tôi sống ở nước ngoài từ bé nhưng tôi luôn dạy các cháu sống theo văn hóa Việt, phải luôn nghĩ tới gia đình, ông bà, cha mẹ. Chính từ việc làm của cha mẹ quan tâm đến ông bà, các cháu sẽ dần cảm nhận được và làm theo, đơn giản như việc gọi điện thăm hỏi ông bà, người thân…”.
Giáo sư Bùi Hồng Thủy tâm sự, chị vui nhất là các con luôn yêu quý quê hương, lúc nào cũng muốn về Việt Nam. Chị tự hào khi các con biết nghĩ đến người khác và hạnh phúc khi được các con coi mẹ như một người chị cả, một người bạn lớn. Vợ chồng chị đang có kế hoạch trở về đóng góp cho đất nước, khi đó, các con chị sẽ được đón Tết ở quê nhà.
|
Giáo sư Trần Nhật Linh, giảng viên tại Đại học Inha, Hàn Quốc
|
Còn đối với Giáo sư Trần Nhật Linh, giảng viên tại Đại học Inha, Hàn Quốc, hiện là Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc, ở Hàn Quốc ngày Tết chỉ được nghỉ 3 ngày, anh không thể về Việt Nam ăn Tết cùng gia đình. Vì thế, ngày Tết cộng đồng đối với anh và bà con người Việt tại Hàn Quốc vô cùng quan trọng và ý nghĩa: “Cả năm bận rộn công việc, ngày Tết là ngày bà con ở khắp nơi tại Hàn Quốc được gặp gỡ, được hòa chung không khí vui xuân của đất nước và cũng nhau thưởng thức hương vị Tết của quê hương. Đối với chúng tôi, dù làm việc ở trong hay ngoài nước thì vẫn luôn hướng về quê hương, mong muốn được đóng góp toàn bộ tâm sức để xây dựng đất nước”.
Biết chúng tôi sắp trở về Việt Nam, Giáo sư Trần Nhật Linh gói ghém cẩn thận hai chai rượu và vài hộp bánh để Tết ông bà nội, ngoại theo đúng phong tục người Việt.
Không chỉ có Giáo sư Trần Hữu Quốc, Giáo sư Bùi Hồng Thủy hay Giáo sư Trần Nhật Linh, mà hầu hết những người thành danh trên đất khách mà chúng tôi đã gặp, luôn đau đáu một nỗi niềm hướng về Tổ quốc.
Rời Hàn Quốc, chúng tôi trở về Việt Nam để cùng đón Tết cổ truyền với gia đình, đem theo giai điệu da diết của bản nhạc “Lời chào tình yêu” như lời chào của tình yêu đôi lứa, và hơn cả là tình cảm nồng ấm của những người con phương xa gửi về đất mẹ, để phần nào vợi đi nỗi nhớ quê nhà./.