(VOV5) - Các chị vẫn mong muốn và cố gắng để cho thế hệ con em sinh ra và lớn lên ở nước ngoài không quên nguồn cội.
Ở nước ngoài, phụ nữ Việt Nam vẫn luôn quan tâm gìn giữ văn hóa từ sinh hoạt, ăn uống, phong tục đến ngôn ngữ. Các chị vẫn mong muốn và cố gắng để cho thế hệ con em sinh ra và lớn lên ở nước ngoài không quên nguồn cội.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Một bộ phận không nhỏ phụ nữ Việt rời quê hương sang học tập, làm ăn và định cư ở nước ngoài từ trẻ, lập gia đình và lấy chồng ở nước sở tại; con em của họ được sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Chính vì vậy, các chị luôn mong muốn làm sao truyền dạy để thế hệ sau hiểu được nguồn cội, từ đó, mong muốn khám phá những nét đẹp của văn hóa Việt Nam. Bằng nhiều cách như đưa con em trở về quê hương thăm ông bà, người thân, hoặc giữ phong tục truyền thống nhân những ngày lễ của người Việt, hoặc động viên con em tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng… Tùy vào hoàn cảnh, công việc và điều kiện, mỗi nơi và mỗi người có cách thực hiện khác nhau. Chị Phùng Ngọc Anh, một phụ nữ Việt sinh sống và lấy chồng người Đài Loan(Trung Quốc) thì lựa chọn cách tham gia dạy tiếng Việt và các sinh hoạt cộng đồng để không quên tiếng nói, văn hóa cho bản thân và con mình: Những văn hóa của Việt Nam tôi tiếp thu được khi về Đài Loan sẽ tuyên truyền cho các cháu hiểu về phong tục văn hóa của quê hương. Tôi sẽ cổ động cho con trai tôi về Việt Nam học thêm tiếng Việt. Hiện nay, hai con tôi vẫn giữ được và tôi nói tiếng Việt thì các con vẫn hiểu…
Lớp học tiếng Việt đầu tiên cho con em kiều bào tại Hà Lan. Ảnh: quehuongonline |
Cũng do điều kiện sống khó khăn và cuộc sống mưu sinh nơi đất khách, quê người mà khá nhiều phụ nữ Việt Nam ở các khu vực của Campuchia không được học tiếng Việt. Nhiều câu chuyện khi nghe tưởng là đùa nhưng lại là thực tế đang diễn ra ở đây. Chị Lê Thị Kim Dung, một cô giáo dạy tiếng Việt ở Campuchia kể:Ở trường mình khi mình gửi thông báo về thì biết là cha mẹ không đọc được đâu. Có câu chuyện là có em nói cô ơi cho em mượn sách về cho cả mẹ em học. Hoặc là khi em này mang sách đến thì người mẹ viết vào để cô chấm điểm. Nói ra rất buồn cười nhưng thực sự là rất xót xa. Cho dù tôi biết là chính quyền, các ngành chức năng cũng cố gắng hỗ trợ rất nhiều
Từ câu chuyện của cô giáo Kim Dung cho thấy gìn giữ văn hóa, nguồn cội dễ hay khó còn phụ thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh của từng cộng đồng người Việt. Điều kiện sống, điều kiện đi lại ảnh hưởng khá nhiều vào mong muốn của họ. Nhưng với quyết tâm, khát khao được gìn giữ văn hóa Việt từ trong mỗi gia đình, từ chính mỗi người phụ nữ vẫn là yếu tố chính để người Việt Nam cho dù sống xa quê hương vẫn luôn hướng về nguồn cội. Hãy nghe tâm sự của chị Hà Hoàng Lan, người Việt ở CHLB Đức: Ở nhà tôi vẫn giữ là văn hóa người việt. Ở nhà chỉ nói tiếng Việt với con, Hai con tôi cố gắng nói tiếng Việt với bố mẹ. Tôi vẫn cố gắng đến Tết vẫn giữ văn hóa, làm mâm cơm cúng Tết, nói cho các con hiểu về văn hóa Việt Nam. Con tôi rất thích món nem, phở bún….
Trong tiềm thức của mỗi người Việt, cho dù ở đâu, văn hóa, nguồn cội thực sự thiêng liêng. Vì vậy với mong muốn và nỗ lực của mỗi một gia đình người Việt Nam ở nước ngoài, với ý thức của mỗi phụ nữ người Việt cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, của các Hội đoàn và các cơ chế, chính sách từ trong nước, văn hóa Việt sẽ luôn được gìn giữ và truyền lại cho thế hệ sau.