Tết về nơi nguồn cội

(VOV5)- Mỗi người một quê,mỗi người một cảm xúc, tâm trạng khác nhau, nhưng trên cùng một chuyến bay, họ trở nên gần gũi như con một nhà cùng trở về đón một cái Tết xum vầy trong lòng dân tộc.


Tết về nơi nguồn cội - ảnh 1
Ảnh:duhocduytan

Tết đã cận kề, những chuyến bay ngày giáp Tết cũng đông hơn ngày thường. Những người con xa xứ trở về trong tâm trạng háo hức được quây quần bên gia đình.

Chuyến bay dài cả chục giờ đồng hồ từ sân bay Franfurt (CHLB Đức) không làm tôi cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ mà háo hức, vui lây với câu chuyện của những người xung quanh và đặc biệt là tiếng những ông bố dỗ dành con trẻ mỗi khi máy bay dịch chuyển độ cao, và cả tiếng ru trẻ ngủ mộc mạc nhưng sao nghe thật gần và rất đỗi thân thương. Mỗi người một quê, mỗi người một cảm xúc khác nhau nhưng hầu hết mọi người cùng một tâm trạng khi được trở về. “Sống xa Tổ quốc bọn tôi luôn hướng về cái Tết cổ truyền dân tộc. Sau một năm vất vả lao động có dịp về đoàn tụ gia đình, nhỏ như thế nào thì lớn thế thôi, bao giờ cũng muốn về quê gặp gia đình, ăn Tết ở quê bao giờ cũng thích. Hồi hộp, náo nức là cảm xúc lớn nhất của tôi lúc này”- một hành khách quê Nam Định nói.

Tết về nơi nguồn cội - ảnh 2

Không chỉ người lớn, trẻ nhỏ cũng háo hức được về quê và cũng rất hồn nhiên khi được hỏi chuyện: “Cháu là Đỗ Minh Vũ, 5 tuổi, mẹ sinh cháu ở Đức. Cháu rất mong Tết Việt Nam và được về thăm ông bà nội và ông bà ngoại. Cháu cũng rất thích học tiếng Việt để về nói chuyện được với ông bà. Tiếng Việt cháu nói được là do mẹ và các dì dạy”.

So với những chuyến bay khác, chuyến bay ngày giáp Tết dường như đông hơn và cũng náo nhiệt hơn. Bạn Lê Quế Phương, tiếp viên trên chuyến bay mang số hiệu VN 126, người đã gần 10 năm theo các chuyến bay bộc bạch: “Chuyến bay nào cũng vui, nhưng cảm xúc các chuyến bay ngày giáp Tết khác hơn. Tôi cảm nhận được điều này, lâu lâu họ mới về nên đi trên chuyến bay Việt Nam, gặp người Việt Nam họ cảm thấy rất thoải mái. Khách vui thì chúng tôi cũng rất vui”.

Tết về nơi nguồn cội - ảnh 3


Hiện cộng đồng người Việt ở Đức có khoảng trên 100.000 người sống rải rác ở khắp các tỉnh, thành phố, trong đó số người sang Đức kinh doanh chiếm một số lượng đáng kể và chủ yếu tập trung ở lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, làm móng (hay còn gọi làm Neo), may mặc... Anh Trần Quốc Hưng, quê ở Nam Định, đã sinh suống ở Đức 16 năm cho biết: “Kiều bào mình ở Đức chủ yếu kinh doanh nghề ăn uống, có những chuỗi nhà hàng, siêu thị, quán ăn nhanh. Gia đình kinh doanh nhà hàng có cả đồ ăn Việt Nam và Trung Quốc, món phở, nem là món ăn được người Đức ưa chuộng. Mỗi năm tôi đều cố gắng về sung họp với bố mẹ vào dịp Tết cổ truyền để ông bà có một cái tết đầm ấm bên con cháu”.

Mỗi hành khách trên chuyến bay đều có những ước vọng về một mùa xuân mới. Anh Trần Quốc Hưng mong muốn đất nước sẽ tiếp tục phát triển ổn định.

Anh Trần Ngọc Thạch, sang Đức cách đây hơn 20 năm chia sẻ: “Ở bên Đức tuyết đang rất dày và lạnh. Chưa bước xuống sân bay thì chưa dự cảm được gì, nhưng tôi mong sang năm mới làm ăn thành đạt, tấn tới, và nhiều sức khỏe”.

Chị Nguyễn thị Hương quê ở Hải Phòng, hiện đang ở ở thành phố Franfurt cùng cả gia đình trở về cũng chỉ với mong muốn thật giản đơn: “Em chỉ muốn cuộc sống vui vẻ, gia đình thuận hòa, đón một cái Tết vui vẻ”.

Cùng chung mạch cảm với nhiều người, chị Nguyễn Thị Phương sang Đức từ năm 1995 bộc bạch: “Chắc là tình hình chung, làm ăn năm qua tuy không vất vả nhưng khó khăn hơn rất nhiều. Tôi mong ước sang năm mới, đất nước mình bà con cô bác có nhiều sức khỏe, no ấm, hạnh phúc. Bản thân tôi cũng sẽ cố gắng làm cho không khí gia đình đầm ấm”.

Mỗi người một quê, xa lạ, nhưng khi trên cùng một chuyến bay họ trở nên gần gũi như con một nhà cùng trở về đón một cái Tết xum vầy trong lòng dân tộc. Những câu chuyện quen sơ, trở nên thân thiết – đó cũng là một trong những nét đẹp truyền thống của những người con Lạc, cháu Hồng./.


Nhấn vào file để nghe âm thanh:


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác