(VOV5) - Với những người con, cháu trong gia đình ông Hồng, trở về sum họp gia đình dịp cuối năm sau những tháng ngày làm ăn vất vả là niềm hạnh phúc vô bờ, và vui hơn nữa là ông bà vẫn khỏe mạnh.
Dù vất vả mưu sinh hay bôn ba phương trời nào nhưng cứ đến ngày Tết cổ truyền, những người con Việt trên đất Lào lại quây quần cùng nhau bên mâm cơm tất niên. Bởi với họ, đây chính là khoảnh khắc thiêng liêng nhất để kết nối các thành viên trong gia đình và tỏ lòng thành kính với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhóm PV đài TNVN giới thiệu không khí ấm áp của bữa cơm đoàn viên dịp Tết của những người Việt xa xứ.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Gia đình cụ Đặng Văn Hồng là một trong những gia đình cách mạng lão thành ở làng Xiềng Vang, huyện Noong Bốc, tỉnh Khăm Muộn, cái nôi của cách mạng Việt –Lào. Mặc dù năm nay đã 90 tuổi, nhưng cụ Hồng vẫn rất tinh nhanh. Cụ Hồng có 11 người con và gần 20 cháu nội ngoại. Cụ chia sẻ, năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày giáp Tết con cháu cụ lại quây quần bên nhau để chuẩn bị bữa cơm tất niên. Ở đây vẫn giữ được phong tục tập quán cổ truyền Việt Nam. Đến Tết Nguyên đán vẫn có bánh chưng, bánh tày cho 3 ngày tết, thờ cúng tổ tiên ông bà, đi chúc tết từng gia đình chứ không phải mình đã thành người Lào rồi mà không biết đến phong tục tập quán. Ai ở đây cũng phải theo phong tục tập quán của mình, ông bà ở VN.”
Đi chợ chuẩn bị cho mâm cơm Tết. Ảnh: VOV |
Không khí ở nhà cụ Hồng thật nhộn nhịp và đầm ấm. Trong khi chị em phụ nữ đi chợ, nấu ăn thì ở nhà cánh đàn ông sửa soạn, lau chùi bàn thờ.Gian bếp nhỏ của nhà cụ Hồng bắt đầu náo nhiệt hẳn lên. Các chị tranh thủ chế biến từng loại thực phẩm thường thấy trong ngày Tết như gà, giò, bánh chưng, đu đủ xanh, hành, rau cải….để làm sao kịp giờ mà thức ăn vẫn nóng sốt. Vừa làm mọi người vừa hỏi thăm chuyện nhà chuyện cửa, chuyện làm ăn của nhau. Trong gian bếp nhỏ, tiếng chuyện trò, cười nói râm ran. Chị Huyền, cho biết: “Trong 1 năm mới mong ước là anh em, bà con về gặp nhau, đi đâu ở xa cũng về gặp nhau để đón năm mới vì mình sinh ở đây. Ông bà ngày xưa muốn về quê thì kể lại cho con cháu nghe là Tết ông bà ở quê làm thế nào… Dù đi làm ở đâu Tết cũng phải về Xiêng Vang chúc tết bố mẹ và bà con. Tết ở Xiêng Vang là vui nhất vì ở Xiêng Vang có 1 tình cảm thương mến nhau. Ngày Tết trông thấy nhau là mừng rồi nên người nào cũng thích về Xiêng Vang ăn Tết.”
Chị em cùng nhau sửa soạn mâm cơm |
Mùi thơm của cơm nếp được đồ bằng chõ tre trên bếp than đỏ rực lửa, bếp kế bên cạnh chị Huyền đang rán trứng thịt. Mùi hành phi hòa cùng thịt và trứng thơm ngậy tỏa khắp bếp, bay ra ngoài nhà. Mâm cỗ Tết cổ truyền của người Việt xa xứ tại Lào ngoài những món thường có trong dịp Tết còn có những món ăn dân dã Việt Nam, chỉ duy nhất không có món dưa hành. Tuy không có món dưa hành nhưng lại có món Tam- Maak- Hung (đu đủ giã) thay thế, đây là món ăn truyền thống không thể thiếu của dân tộc Lào. “Cơm Tết có canh, có món xào, có thịt rang, gà, rau luộc, trứng chiên, bánh gai, bánh chưng, dưa món đó là phong tục tết của người VN tại Lào. Mấy món này dễ mua ở chợ có. Bánh chưng Tết mới có. Tết không thể thiếu những bánh này. Mình cúng theo phong tục của người Việt ở Xiêng Vang. Ngày 30 có cúng tất niên, cúng trong nhà. Nếu có bạn bè mình mời ngày 30. Nếu mình buôn bán có khách thì cũng mời người ta ngày 30 đến dùng cơm cuối năm để ngày mai về đón Tết.”
“Món này là rau cải hoa, tước ra và luộc chấm với nước chấm. Ở Lào rất thích ăn món này.”
Ông Hồng làm lễ |
Đặng Phương, cháu nội ông Hồng, 23 tuổi vừa từ Viêng Chăn về đã xuống giúp gia đình sửa soạn mâm cơm cúng vừa giới thiệu cho chúng tôi món rau quen thuộc trong mỗi mâm cơm ngày Tết tại Lào.
Ông Hồng trả lời phóng viên VOV |
Sau khoảng một tiếng đồng hồ, mâm cỗ đã hoàn thành với đầy đủ các món như xôi gà, giò chả, các món xào, canh rau ..và được bày lên bàn thờ Bác Hồ, bàn thờ gia tiên. Cụ Hồng trang trọng làm lễ dâng hương lên bàn thờ Bác rồi sau đó mới thắp hương ở bàn thờ tổ tiên.“Chúc bản làng Xiêng Vang mãi mãi bền vững không bao giờ suy tàn để thờ phụng Bác Hồ, mãi mãi đời đời nhớ ơn Bác. Xin kính trình tổ tiên. Năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến xin mời ông bà bên nội bên ngoại, cô di tỉ muội.. về tại gia đình con cháu 3 ngày Tết để hưởng lộc cuả con cháu, ban phước lành cho con cháu, nam nữ trưởng tôn của dòng tộc được mọi sự như ý…”
Sau khi cúng gia tiên, đại gia đình quây quần bên mâm cơm cùng chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất và tiễn những điều không may mắn trong năm. Cụ Hồng vô cùng phấn khởi vì cả năm mới có dịp gia đình đoàn tụ đông đủ. Đây cũng là dịp để ông nhắc nhở con cháu, thành viên gia đình dù đi làm ăn ở đâu xa cũng không được quên cội nguồn của mình:“Quê hương là chùm khế ngọt, tất cả mọi người sinh ra mà không nhớ đến quê hương thì cũng không thể lớn lên làm người.Cho nên làm người phải nhớ đến tổ tiên, ông bà đã sinh ra và dưỡng dục mình.”
Quây quần bên mâm cơm |
Với những người con, cháu trong gia đình ông Hồng, trở về xum họp gia đình dịp cuối năm sau những tháng ngày làm ăn vất vả là niềm hạnh phúc vô bờ, và vui hơn nữa là ông bà vẫn khỏe mạnh. “ Trong năm mới em mong muốn ông bà có sức khỏe, con cháu làm ăn phát đạt, tình đoàn kết làng xóm ngày càng bền chặt, giữ được nét truyền thống, văn hóa của người Việt tại Lào.”
“ Mỗi dịp Tết đến xuân về, con cháu dù làm ăn ở xa cũng về quây quần chúc tết ông bà, cầu mong cho ông bà có nhiều sức khỏe để có thể cùng con cháu sống tiếp vui vẻ. Tết là lúc gia đình hội tụ, con cháu cùng sum vầy đón tết với ông bà. Đó là niềm vui an ủi ông bà 1 phần như là trách nhiệm của người con, cháu dù đi xa làm gì cũng phải về quây quần với ông bà cha mẹ, không thể nào quên cội nguồn nơi mình đã từng sinh ra và lớn lên. Em cũng được ông bà truyền thụ lại tết nguyên đán của người VN nên cũng muốn con cháu mình duy trì Tết truyền thống này.”
Bữa cơm tất niên ở Lào, giản dị nhưng ấm áp và thiêng liêng đến lạ kỳ. Mâm cổ truyền thống Việt như một lời nguyện ước sắt son, là “chất keo” kết nối những người Việt xa xứ và làm đậm đà thêm tình bạn đặc biệt vốn có giữa hai dân tộc Việt-Lào.