(VOV5) - Ý thức được việc giữ tiếng Việt để gắn kết người Việt tại Thái Lan nên phong trào dạy và học tiếng Việt được bà con hưởng ứng.
Cộng đồng người Việt tại Thái Lan có số lượng khá đông. Nhiều gia đình người Việt sống ở nước này đã tới thế hệ thứ 3, thứ 4. Ý thức được việc giữ tiếng Việt để gắn kết người Việt tại Thái Lan nên phong trào dạy và học tiếng Việt được bà con hưởng ứng.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Cô giáo Trịnh Thị Bé, giáo viên dạy tiếng Việt ở tỉnh Nakhon Phanom đã một vài lần được tham dự các lớp tập huấn dạy tiếng Việt ở thủ đô Băng Cốc (Thái Lan). Cho dù được sinh ra và lớn lên tại Thái Lan, nhưng niềm khát khao được nói và giữ tiếng mẹ đã thôi thúc cô tự học đọc, học viết và sau đó, tham gia giảng dạy tiếng Việt ở Trung tâm. Những chuyến đi tập huấn đã giúp cô có nhiều kinh nghiệm, đồng thời thu thập được khá nhiều sách vở, đồ dùng cho công tác giảng dạy. Cô Trịnh Thị Bé chia sẻ:Tiếng Việt trước kia đi tập huấn ở Băng cốc, có sách, có đĩa, có bài hát và chúng tôi cũng soạn bài để giúp các em học và để phù hợp với các em học chữ Thái. Đọc rồi dịch, yêu cầu các em một từ phải viết 3 lần. Mình phải dịch cho các em nếu không các em học không được vì cũng hơi khó. Cũng muốn có đồ dùng, hợp với học sinh Thái và cũng muốn được tham gia tập huấn.
Giáo viên và học sinh người Việt tại Thái Lan giao lưu với trường Tiểu học vinschool. |
Mong muốn của cô Trịnh Thị Bé cũng là nguyện vọng chung của khá nhiều các thầy giáo, cô giáo và bà con kiều bào tại Thái Lan. Cũng bởi tại nhiều nơi, do điều kiện và hoàn cảnh nên lứa tuổi từ 30 tuổi trở xuống không thạo tiếng Việt, chỉ nói được ít và không đọc, không viết được chữ. Thế hệ sau sinh ra càng không có điều kiện học do phải học tiếng Thái và trong gia đình, cũng không có người dạy tiếng Việt. Với tinh thần: “tiếng Việt còn là người Việt còn”, nên phong trào học tiếng Việt được bà con hưởng ứng và tổ chức ở nhiều nơi tại Thái Lan theo nhiều hình thức. Tại Phu Kẹt, bà con người Việt tham gia tích cực vì ý thức được tầm quan trọng của việc giữ tiếng nói dân tộc như bà Trương Thị Bé chia sẻ:85% chỉ nói được bập bẹ, hiểu được vậy thôi, đọc bập bẹ, chữ cũng không viết được. Rồi cộng vào đó là các em hoc chữ Thái quá nhiều đó là trở ngại. Cứ phải tổ chức dạy, lớp trên dạy cho lớp dưới, gia đình nào cũng phải nói tiếng Việt, vì bà con ai cũng thấy tầm quan trọng của tiếng mẹ vì không giữ sau này sẽ mất đi.
Không chỉ vận động các gia đình nói tiếng Việt hàng ngày, truyền dạy cho con em mình mà tại nhiều khu vực như Sakon Nakhon, các thầy giáo, cô giáo sẽ là những người giúp cho các em đến với ngôn ngữ dân tộc, giúp các em học nói, học viết. Thầy giáo Trần Văn Hùng nói về việc dạy và học tiếng Việt ở đây như sau: Hiện nay, ở Thái Lan chúng tôi dạy cho các em học nói và viết. Chúng tôi áp dụng theo trình độ của học sinh bên đó, dạy cho các em nói tiếng Việt và viết chữ việt. Xây dựng chương trình cụ thể cho các em học sinh.
Đoàn giáo viên kiều bào Thái Lan về thăm quê hương. Ảnh: quehuongonline.vn |
Dù nhận thức được tầm quan trọng của việc gìn giữ ngôn ngữ nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện để cho con em đến trường học tiếng Việt. Chính vì thế, các thầy giáo, cô giáo là những người vận động, tuyên truyền cho cha mẹ đưa các em tới lớp học. Mong muốn để tiếng nói được trao truyền trong cộng đồng là động lực để giúp những giáo viên trở thành những người tình nguyện mang tiếng nói của dân tộc tới từng trái tim người Việt. Để làm được điều này, cần sự hỗ trợ rất nhiều từ trong nước. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Sớm bày tỏ:Mong muốn được sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, Ủy ban nhà nước về người việt nam ở nước ngoài có biện pháp hỗ trợ khích lệ thầy cô để dạy các cháu học sinh nhiều hơn. Thế hệ thứ 3, thứ 4 hầu như không biết tiếng Việt. Nên chúng tôi gặp phụ huynh nói cho họ hiểu để họ cho con em đi học tiếng Việt.
Giáo viên Thái Lan dạy tiếng Việt tại Trung tâm Hà Nội- Nakhonphanom, nơi chuyên dạy tiếng Việt tại Đông Bắc Thái Lan. |
Với sự hỗ trợ từ các cơ quan trong nước, những nỗ lực của các tổ chức, cá nhân người Việt tại Thái Lan, nhiều lớp học tiếng Việt sẽ được hình thành trên đất nước Thái Lan trong tương lai, góp phần tạo ra sự gắn kết các thế hệ người Việt với quê hương, đất nước.