(VOV5) - Các chị là người tổ chức và tham gia cũng như kết nối các hội, nhóm văn hóa
Văn hóa dân tộc ở nước ngoài luôn được người phụ nữ Việt gìn giữ và phát huy. Các chị là người tổ chức và tham gia cũng như kết nối các hội, nhóm văn hóa, qua đó, giúp chị em người Việt tổ chức được nhiều hoạt động duy trì những nét đẹp của văn hóa truyền thống ngay tại nước sở tại.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Là một nữ doanh nhân người Việt thành đạt tại Singapore, chị Nancy Nguyễn, một trong những người sáng lập Netviet Group, sân chơi cho các doanh nhân luôn cố gắng làm sao đào tạo và kết nối được những bạn trẻ mong muốn khởi nghiệp, dạy cho họ cách kinh doanh và lập nghiệp.
Nancy Nguyễn trong một buổi tập huấn về kỹ năng mềm. Ảnh: nhasangnghiep.vn |
Mong muốn làm sao để người nước ngoài có cách nhìn khác về phụ nữ Việt Nam, chị đã giúp cho phụ nữ ở nước ngoài, cho dù trong gia đình có hai nền văn hóa vẫn luôn cố gắng duy trì nét đẹp và những giá trị đạo đức của người phụ nữ Việt. Chị Nancy Nguyễn chia sẻ, đó là điều cần thiết để người phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài luôn thực sự lôi cuốn: “Người Việt tại Sing luôn cố gắng gìn giữ văn hóa như món ăn, áo dài luôn mặc trong các ngày lễ. Thậm chí các bạn rất muốn học hỏi ngôn ngữ, văn hóa.. Vì ra nước ngoài thì sử dụng tiếng Trung, tiếng Anh nhiều nên tiếng Việt với chiều sâu văn hóa sẽ bị mai một đi”.
Trẻ em được tham gia học đàn, học tiếng Việt tại Hội Âu Việt tại Pháp. Ảnh: nhandan.com.vn |
Lo ngại tiếng Việt sẽ dần dần bị mất đi theo thời gian, các chị luôn cố gắng duy trì ngôn ngữ trong từng gia đình, trong các buổi sinh hoạt cộng đồng. Mục đích là để tiếng nói dân tộc luôn được gìn giữ và được truyền lại cho các thế hệ mai sau. Đó là lý do mà chị Song Hương, người Việt tại Pháp đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân tộc cho trẻ em. Thông qua những điệu múa, lời ca, các em nhỏ đã được học nói tiếng Việt, được tìm hiểu về văn hóa truyền thống và âm nhạc dân tộc. Chị Song Hương cho biết: Hôi Âu Việt cố gắng kết hợp với các hoạt động âm nhạc. Chính hoạt động âm nhạc đã làm cho trẻ con có động lực đến sinh hoạt thường xuyên, phải học nhạc, đi biểu diễn thường xuyên, được tham gia vào các hoạt động dịp lễ, tết của Đại sứ quán, của Hội người Việt, thậm chí tự tổ chức đi các vùng xa biểu diễn cho công chúng Pháp. Nên đối với các bố mẹ, các cháu có động lực đến để học tiếng Việt và âm nhạc dân tộc
Sinh viên Việt Nam giao lưu với các bạn nước ngoài tại Triển lãm. Ảnh: quehuongonline.vn |
Qua các hoạt động văn hóa như vậy, các chị không chỉ giúp cho chính bản thân mình duy trì những nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài, gìn giữ giá trị truyền thống của dân tộc mà còn giúp cho thế hệ sau tìm hiểu và cảm nhận được giá trị và trân trọng những vốn quý của quê hương. Cũng qua các hoạt động góp phần tăng cường giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với các nước. Đó là mục tiêu mà chị Ngọc Anh, người Việt tại Đài Loan đã làm trong tổ chức Hội đề cao quyền lợi phụ nữ của mình: “Giao lưu văn hóa có ngày lễ lớn như Tết đoan ngọ, Tết Trung thu, tết nguyên đán. Chúng tôi họp lại với thành phố, các hiệp hội để tổ chức lễ văn hóa vui chơi giải trí, ca nhạc giao lưu văn hóa, mở lớp học về pháp luật và giúp chị em hiểu được quyền lợi của chị em”.
Những nét đẹp của các hoạt động truyền thống như Tết, như các ngày lễ, các dịp kỷ niệm, hay các buổi sinh hoạt đều có tác dụng gắn kết chị em người Việt. Cũng thông qua hoạt động của các Hội đoàn , phụ nữ có điều kiện giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ và tăng cường sự kết nối cũng như góp phần làm đẹp thêm những giá trị truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.