Truyền thông Châu Âu đánh giá “vụ kiện lịch sử” vì các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam

(VOV5) - Theo báo Reporterre, những tác động của chất độc da cam/dioxin đã được ghi nhận đến thế hệ thứ tư, ít nhất 100.000 trẻ em Việt Nam hiện bị dị tật bẩm sinh nghiêm trọng.

"Một vụ kiện lịch sử" là đánh giá của báo chí Pháp trong những ngày qua về vụ kiện của bà Trần Tố Nga chống lại các công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp chất độc da cam/dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. 

Sự kiện này được đăng trên trang nhất báo Humanité số ra ngày 25/1, cùng một loạt các bài viết liên quan. Bài viết có tựa đề "Câu chuyện về một tội ác chiến tranh của Mỹ được đưa ra xét xử sau 55 năm tại Pháp" kết luận dù bà Tố Nga luôn tự nhận mình chỉ là "hạt bụi nhỏ", song "chút bụi ngay hôm nay có thể ngăn chặn cỗ máy giết người và gây chiến tranh bằng nhiều cách khác".

Báo Nouvel Observateur hy vọng phiên tòa này sẽ tạo án lệ và thúc đẩy một sự công nhận của quốc tế về "tội ác hủy hoại môi trường".

Trong khi đó, báo Liberation trích dẫn rằng chất khai quang cực mạnh và "đặc biệt độc hại", theo công nhận của công ty Dow Chemical, là tâm điểm của cuộc chiến tranh hóa học lớn nhất trong thế kỷ 20 mà người Mỹ đã tiến hành ở Việt Nam, cũng như ở các nước láng giềng Lào và Campuchia. Những tác động lâu dài của nó vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay.

Báo Politis thì nhấn mạnh rằng trong tất cả các chất khai quang phá hủy thực vật, chất độc da cam là độc hại nhất vì nó chứa dioxin, được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào loại chất gây ung thư và tồn tại rất lâu trong cơ thể. Sự kiên cường, nhẫn nại và dịu dàng của bà Tố Nga đã trở thành vũ khí đáng gờm để chống lại các công ty hóa chất Mỹ, vốn tin rằng họ là những kẻ bất khả xâm phạm.

Đài Franceinfo miêu tả đằng sau vẻ ngoài mong manh, người phụ nữ gần 80 tuổi, sống ở Pháp từ năm 1992, đã chứng tỏ bà có tâm hồn của một người chiến sĩ. Bà Tố Nga đã mất đi người con gái đầu lòng. Người con thứ hai bị dị tật. Các cháu của bà có vấn đề về hô hấp.

Truyền thông Châu Âu đánh giá “vụ kiện lịch sử” vì các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam - ảnh 1Ảnh chụp màn hình bài trên báo Reporterre. Ảnh: Linh Hương/TTXVN

Theo báo Reporterre, những tác động của chất độc da cam/dioxin đã được ghi nhận đến thế hệ thứ tư, ít nhất 100.000 trẻ em Việt Nam hiện bị dị tật bẩm sinh nghiêm trọng. Vì vậy, phiên tòa dân sự này không chỉ là một cuộc đấu tranh cá nhân mà có thể sẽ mang lại những thành quả đáng kể cho tất cả các nạn nhân.

Truyền thông nước Đức có nhiều bài viết nhấn mạnh quyết tâm mạnh mẽ của bà Tố Nga đấu tranh vì hàng triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Đài Phát thanh Đức (Deutschlandfunk) ngày 26/1 đăng phát thông tin về vụ kiện bắt đầu được tiến hành ở Pháp gần 50 năm sau cuộc chiến tranh ở Việt Nam nhằm chống lại các tập đoàn hóa chất đã cung cấp chất độc da cam/dioxin cho lực lượng Mỹ sử dụng rộng rãi tại Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1971. Đài Deutschlandfunk nêu rõ bà Tố Nga, một người cũng bị bệnh tim do bị nhiễm chất độc, không chiến đấu cho bản thân, mà cho con cháu bà cùng hàng triệu nạn nhân ở Việt Nam.

Ngày 25/1, báo Spiegel của Đức có bài viết nhận định vụ kiện các công ty sản xuất chất độc da cam/dioxin của cụ bà 78 tuổi Trần Tố Nga, có thể mang lại kết quả lớn cho các nạn nhân. Bài báo cho biết hình ảnh những đứa trẻ dị dạng, cụt tứ chi, có khối u trên mặt hay trên cơ thể đã truyền đi khắp thế giới, trong khi hàng triệu người Việt Nam phải chịu những ảnh hưởng lâu dài cho đến tận ngày nay.

Sau các vụ kiện tập thể, những lính Mỹ bị ảnh hưởng đã được các công ty sản xuất hóa chất bồi thường như một phần của thỏa thuận ngoài tòa từ những năm 1980 của thế kỷ trước, nhưng cho đến nay chưa có nạn nhân người Việt Nam nào được bồi thường.

Báo Toàn cảnh Frankfurt (FAZ) cùng ngày 25/1 cũng đăng bài viết về vụ kiện trên, trong đó viết rằng người phụ nữ đầy mạnh mẽ và nghị lực Tố Nga muốn tiếp tục chiến đấu, không phải để chống lại những người Mỹ chiếm đóng đất nước của bà như những năm 1960 của thế kỷ trước, mà chống lại các tập đoàn hóa chất đa quốc gia vì đã sản xuất, cung cấp cho lực lượng Mỹ chất độc sử dụng trong cuộc Chiến tranh Việt Nam. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác