TS Đào Duy Tiến: Các phong trào của cộng đồng người Việt ở Ba Lan rất mạnh

(VOV5)- "Trong sinh hoạt cộng đồng ở Ba Lan, nhiều tổ chức cộng đồng có những sinh hoạt rất hay, như dựng lại những cảnh sinh hoạt Hà Nội xưa chỉ trong khuôn khổ một hội trường..."


Ba Lan là một trong những quốc gia có cộng đồng người Việt Nam sinh sống, và cũng là nơi mà các hoạt động hội đoàn của người Việt, với những phong trào kết nối cộng đồng, hòa nhập với xã hội sở tại và hướng về quê hương, đã phát triển rất mạnh và trở thành truyền thống. Tiến sĩ Đào Duy Tiến, thành viên Câu lạc bộ trí thức người Việt ở Ba Lan, cũng thuộc thế hệ những trí thức Việt Nam thời kỳ đầu định cư tại Ba Lan và tham gia các hoạt động chung của cộng đồng, sẽ chia sẻ cùng quý vị về những nét đáng chú ý nhất trong hoạt động của cộng đồng người Việt tại Ba Lan hiện nay

 

TS Đào Duy Tiến: Các phong trào của cộng đồng người Việt ở Ba Lan rất mạnh - ảnh 1
Tiến sĩ Đào Duy Tiến

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:


Thưa ông, cũng đã nhiều năm tham gia công tác cộng đồng, ông thấy hoạt động của cộng đồng người Việt gần đây như thế nào?

Người Việt ở Ba Lan rất có tinh thần yêu nước. Như vừa rồi trong đợt lũ lụt (miền Trung) chẳng hạn, tuy bên ấy người Việt làm ăn rất khó khăn, nhưng chỉ trong một thời gian rất ngắn đã quyên góp được hơn 30 ngàn USD, cử người về trao tận vùng lũ miền Trung ở Quảng Bình, Hà Tĩnh. Thứ hai là có những gì khó khăn ở trong nước thì kiều bào luôn sẵn sàng hợp tác với trong nước để giải quyết vấn đề. Thí dụ ở Ba Lan có rất nhiều tổ chức cộng đồng, có các hội đồng hương các tỉnh chẳng hạn thì rất quan tâm đến vấn đề của các tỉnh. Tỉnh có vấn đề gì họ rất sát sao, nhanh nhạy. Như việc (gây dựng) tủ sách (nông thôn) của anh (Nguyễn Quang) Thạch chẳng hạn, thì Hội đồng hương Nghệ Tĩnh phân công cụ thể từng thành viên đi về, hoặc điện về các huyện của người ta để xây dựng các tủ sách giống như anh Thạch kêu gọi. Người Việt ở nước ngoài trong xã ấy, huyện ấy có thể liên lạc về nhà để tổ chức và làm được. Vừa làm thành công khá nhiều tủ sách ở Nghệ Tĩnh.

TS Đào Duy Tiến: Các phong trào của cộng đồng người Việt ở Ba Lan rất mạnh - ảnh 2
Các hội đoàn của Cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan đã cử đoàn công tác về miền Trung trực tiếp trao quà ủng hộ bà con bị ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt, với số tiền hơn 726 triệu đồng cho đồng bào vùng lũ hai tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh.. Đoàn công tác đang trao quà tại huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) - Ảnh: Đoàn công tác miền Trung của cộng đồng/ Fb Võ Văn Long (Ba Lan)


Từ trường hợp cụ thể Hội đồng hương như Hội đồng hương Nghệ An, Hà Tĩnh, có thể thấy là hoạt động của các hội đồng hương ở Ba Lan khá sôi nổi?

Nổi trội trong các hội đồng hương như tôi nói là Hội đồng hương Nghệ Tĩnh, Nam Định là hai hội thường xuyên có những sinh hoạt rất thiết thực. Hội Nghệ Tĩnh là một trong những Hội sinh hoạt tương đối có chất lượng ở Ba Lan, kể cả về văn nghệ. Ví dụ họ đưa đoàn ví dặm từ Nghệ Tĩnh sang. Trong đó nhiệt tình nhất là anh Anh Tuấn, chủ tịch Hội đồng hương, và anh Sơn, là chủ tịch Hội thanh niên Nghệ Tĩnh. Các anh em Nghệ Tĩnh kêu gọi được bà con tham gia. Ví dụ Nghệ Tĩnh thành lập một Quỹ khuyến học, thì cho một Phó chủ tịch phụ trách riêng vấn đề đó. Các anh ấy tổ chức rất tốt việc khuyến học, động viên con em trong học tập.

Một số hội đồng hương cũng làm rất tốt như Kinh Bắc, Hải Phòng vv... Hay Hội đồng hương Nam Định cũng là một trong những hội phát triển rất tốt, vì chủ tịch là anh Hoàng Mạnh Huê, cũng là Chủ tịch Hội doanh nghiệp. Người chủ tịch hội rất quan trọng. Nếu có nhiệt tình cộng thêm khả năng kinh tế nữa thì anh sẵn sàng giúp đỡ trong sinh hoạt chung, uy tín của anh đưa ra mọi người lại thích thú hơn.

 

Như ông từng nói phong trào của người Việt ở Ba Lan khá mạnh và đoàn kết. Ba Lan cũng là nơi mà có nhiều hội đoàn người Việt hoạt động mạnh, có sự gắn kết và chia sẻ rất lớn?

Ở Ba Lan trong sinh hoạt cộng đồng, có nhiều tổ chức cộng đồng có những sinh hoạt rất hay. Ví dụ tổ chức Hội đồng hương Hà Thành do chị Dung làm chủ tịch thì nhiều sinh hoạt lắm. Tức là có ngày lễ nào của nước ta thì sẵn sàng tổ chức, ví dụ như ngày giải phóng Thủ đô, ngày Tết, hay ngày Quốc khánh…Năm vừa rồi ngày 10/10 tổ chức rất hoành tráng. Chị em chịu khó đóng góp nào văn nghệ, nào những sinh hoạt Hà Nội gợi lại trong khuôn khổ một hội trường (như gánh bún riêu, hút thuốc lá thuốc lào ở quán cóc, đi xích lô, bán hàng hoa, các anh chị mặc áo dài đi chơi…họ dựng lại những cảnh ngày xưa của Hà thành, kỳ công như thế!) Và hàng trăm người đến tham gia. Hoặc hội cũng luôn tổ chức nhóm dancing, làm cho không khí cộng đồng vui vẻ, sôi nổi, gắn kết với nhau.

Hoặc một hội khác nữa là Hội người cao tuổi. Độ hai, ba tháng có vị nào sinh nhật trong khoảng ấy họ tổ chức tặng hoa nhau, giúp đỡ lẫn nhau lúc ốm đau.

Còn Hội phụ nữ cũng là một Hội mà có nhiều sinh hoạt rất độc đáo. Ví dụ các chị tổ chức thi nấu ăn. Vừa rồi tổ chức “Mùa thu vàng ở Ba Lan” chẳng hạn, tạo không khí thoải mái cho chị em sau khi làm việc về. Có những khi Hội cũng tổ chức cho chị em đi tham quan các di tích lịch sử rất là hay.

 

Một trong những mối quan tâm của cộng đồng là tiếng Việt. Ông cũng là một trong những thành viên đầu tiên thành lập trường tiếng Việt. Dù không còn hoạt động trong lĩnh vực này, nhưng qua thời gian ông thấy trường tiếng Việt ngày nay so với trước đây ra sao?

Trường tiếng Việt bây giờ phát triển rất tốt. Không phải như ngày xưa của chúng tôi hai, ba em một lớp, chỉ có hai, ba lớp thôi thì không đủ. Nhưng bây giờ đã đi vào quỹ đạo và nói chung các cháu rất thích học trường tiếng Việt rồi. Một năm cũng 200 cháu. Họ cũng tổ chức được các sự kiện hay: vui với tiếng Việt, hay tổ chức đi các tỉnh, học tập, giao lưu giữa các trường tiếng Việt và trường tiểu học Ba Lan để tìm hiểu văn hóa của Ba Lan, đồng thời truyền bá văn hóa Việt Nam vào văn hóa Ba Lan để sẵn sàng cho hội nhập. Ví dụ vừa rồi họ đi cách Vacsava 200 cây số, phụ huynh đóng góp, cũng vài chục em đi, rất vui.

 

Như thế có nghĩa là đã có những thay đổi, có sự đổi mới trong quan niệm của cộng đồng về sự cần thiết của tiếng Việt với thế hệ sau?

Năm 2007 xây dựng trường ấy ban đầu rất khó khăn. Hồi đó báo Đại đoàn kết phỏng vấn tôi, có nói tôi là "hiệp sĩ đưa tiếng Việt vào vùng tuyết", vì rất khó khăn mà. Nhưng bây giờ nhận thức của cộng đồng thấy rằng cấp thiết để cho các cháu phải biết tiếng Việt. Và thay đổi nhận thức. Và hiệu quả các cháu học tiếng Việt rất tốt thì mới đáp ứng được nguyện vọng của người ta. Họ thấy có kết quả như vậy họ lại càng phải cho con cái học tiếng Việt. Các tỉnh xa có hơi khó khăn, nhưng như ở Kracov chẳng hạn đã thành lập phân hiệu thứ hai của trường tiếng Việt.

Vâng, xin cảm ơn ông.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác