(VOV5) - Hai tiếng "Tổ quốc" thiêng liêng đã trở thành chất xúc tác, quy tụ những người Việt Nam, dù là ở trong nước hay nước ngoài, đều hướng về đóng góp công sức xây dựng đất nước quê hương.
Chiến tranh đã lùi xa 40 năm. Với sự phát triển không ngừng của đất nước trong 40 năm qua, sự hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế, hai tiếng "Tổ quốc" thiêng liêng đã trở thành chất xúc tác, quy tụ những người Việt Nam, dù là ở trong nước hay nước ngoài, đều hướng về đóng góp công sức xây dựng đất nước quê hương. Phóng sự của phóng viên Đài TNVN thường trú tại Mỹ ghi nhận những trải lòng của một số Việt kiều Mỹ về hòa hợp dân tộc.
|
Ông Nguyễn Ngọc Lập |
Một buổi chiều cuối tháng 4 ngập nắng tại quận Cam, California. Trong căn nhà nhỏ trên đường Glencoe, người đàn ông thấp đậm đang hào hứng giới thiệu những chiếc vỏ ốc đủ màu sắc, kỷ vật mà ông mang về trong chuyến đi thăm Trường Sa năm 2014. Những kỷ niệm về người lính đảo, về mỗi tấc đất quê hương cứ ùa về, khiến giọng người cựu Thiếu úy Thủy quân lục chiến Việt Nam Cộng hòa, Nguyễn Ngọc Lập đầy hưng phấn:
“Người ta bảo là cả chuyến đi về Việt Nam không thấy ông Nguyễn Ngọc Lập khóc. Trời ơi, tôi khóc mà anh thấy được sao. Bay tới Đài Loan tôi chưa khóc, nhưng từ Đài Loan về, tôi khóc đến mức hai người ngồi cạnh tôi tưởng tôi điên. Mà tôi không biết vì sao tôi khóc, tôi yêu đất nước đến thế nào thì sao tôi có thể nói với anh được.”
Với những lời tâm sự từ gan ruột của Nguyễn Ngọc Lập, có lẽ không mấy ai nghĩ rằng trước đây ông đã từng là người “chống Cộng” kịch liệt, phần vì bất đồng chính kiến, phần vì cái mà ông gọi là “buôn bán sự hận thù”. Ít khi ông Lập vắng mặt trong các cuộc biểu tình hay tuần hành. Nhưng rồi sau hàng chục năm ôm mối hận trong lòng, ông bắt đầu nhận ra rằng sự thật luôn là sự thật và đã đến lúc phải thay đổi:
“Đã đến lúc mình nên nói thật: ai nắm được chính nghĩa thì người đó thắng. Muốn nói gì đi chăng nữa thì cũng phải dựa trên dân tộc. Cái khó nhất hiện nay là phải nhận ra được kẻ thù của mình là chính mình. Mình cần hòa giải với chính mình trước rồi mới thương xót, tha thứ cho người khác được”.
|
Ông Vũ Chung |
Đã vào những ngày cuối tháng 4, khu vực Little Sài Gòn, trung tâm sinh hoạt cộng đồng của người Việt tại quận Cam, vẫn bình lặng. Ông Vũ Chung, một nhà báo đang làm việc tại đây cho rằng những sự hiểu lầm, bất đồng giữa nhiều người Việt tại Mỹ với trong nước đang dần được thu hẹp:
“So với 20 năm về trước thì hôm nay người Việt Nam tại hải ngoại, nhất là những người đã về Việt Nam, hiểu biết về những sự thay đổi của Việt Nam hơn những người chưa bao giờ trở về. Tôi nghĩ cùng với thời gian, sự hiểu biết sẽ lớn dần lên qua sự gặp gỡ giữa người ngoài nước và trong nước dưới dạng đi du lịch, làm ăn, thăm thân…Tôi nghĩ những sự tiếp xúc đó, dù lặng lẽ nhưng nó là một lực đẩy dẫn đến những điều tốt đẹp cho cái chung, tức là dân tộc Việt Nam.”
Từng là Thiếu úy quân đội Việt Nam Cộng hòa, sau ngày thống nhất đất nước, ông Vũ Chung phải đi cải tạo 5 năm. Nhưng ông không vì thế mà ôm hận thù, trái lại còn cho rằng đây là quãng thời gian đã giúp ông trưởng thành lên rất nhiều. Theo nhà báo Vũ Chung, việc xóa bỏ những hiểu lầm, hàn gắn những vết thương chiến tranh có lẽ cần thêm nhiều thời gian hơn và điều quan trọng là chính phủ Việt Nam cần làm thế nào để người Việt ở nước ngoài hiểu rõ hơn nữa về thể chế, chính sách của Việt Nam. Với trải nghiệm thực tế gần 40 năm tại Mỹ, công việc đòi hỏi tiếp xúc hàng ngày với cộng đồng người Việt tại đây, nhà báo Vũ Chung cho rằng sự giao lưu giữa thế hệ trẻ trong và ngoài nước sẽ là chất xúc tác cho hòa hợp dân tộc.
“Giới trẻ ngoài nước thường ngại khi được bố mẹ dẫn về Việt Nam vì các cháu sợ không biết môi trường vệ sinh có thuận lợi không, sợ những trở ngại ngôn ngữ... Nhưng cứ thử hỏi các cháu nào đã có dịp về Việt Nam thì đều cảm thấy thoải mái và tôi đã chứng kiến rất nhiều trường hợp lúc đầu thì ngại nhưng đi được một lần, rồi lần thứ hai lại cảm thấy gần gũi với Việt Nam hơn. Tại sao lại như vậy, tôi chỉ có thể lý giải một cách hơi mơ hồ là tình cảm quê hương đất nước, màu da, phong tục, ngôn ngữ, ngay cả cái nước mắm nữa, nó khiến cho con người ta gần gũi.”
|
Ông Lê Thành Du |
Cũng lớn lên tại miền Nam và định cư tại Mỹ đã hàng chục năm như nhà báo Vũ Chung và Thiếu úy Lập, kỹ sư Lê Thành Du lại may mắn không phải ra chiến trận khi được sang Mỹ học từ năm 1972, ngay khi vừa tốt nghiệp trung học nhờ xuất thân từ một gia đình vai vế với thân nhân nắm giữ nhiều chức vụ cao cấp trong chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Ông Du cho rằng hai nước cựu thù Việt Nam và Mỹ còn bắt tay nhau được thì hòa hợp dân tộc giữa người Việt Nam là vấn đề tất yếu nếu tất cả đều cùng nhìn về cái chung.
"Nếu suy xét cho thật kỹ thì đất nước Việt Nam vẫn là đất nước Việt Nam nên nếu đất nước cần thì mình vẫn góp công sức vì mình là người Việt Nam và như vậy thì sự khác biệt hiện nay sẽ được thu hẹp lại. Cũng như Việt Nam và Mỹ thôi, từng là kẻ thù nhưng sao bây giờ lại có thể bắt tay được.”
Cách California 6 tiếng bay, tại tiểu bang Virgina, ông Nguyễn Văn Tuyên, hội viên Hội Doanh nhân Việt Nam tại Mỹ đang bận rộn với một loạt các dự án cung cấp nước sạch cho vùng sâu vùng xa ở Việt Nam.
|
Ông Nguyễn Văn Tuyên |
Ngoài công việc cho chính phủ Mỹ, ông Tuyên còn làm cầu nối giữa doanh nghiệp Mỹ và các chương trình phát triển trong nước. Trải qua thời thơ ấu trong chiến tranh rồi sau đó rời Việt Nam sang định cư tại Mỹ vào năm 1984, với ông Tuyên, chiến tranh đã lùi xa, quá khứ nên khép lại:
“Chiến tranh là một kỷ niệm đau buồn. Bao nhiêu năm bom rơi đạn nổ như vậy, dân tộc mình đã đau khổ quá nhiều rồi nên mình không muốn nhắc lại nữa. Chúng ta không nên nghĩ ai là người chiến thắng và ai là kẻ chiến bại. Đã 40 năm rồi, tôi nghĩ chúng ta nên khép lại trang sử cũ, hãy để cho nó là một kỷ niệm để chúng ta ngồi lại với nhau để xây dựng đất nước, đưa đất nước tiến vào một quỹ đạo mới”.
Trong nhiều năm qua, cùng với Hội Doanh nhân Việt Nam tại Mỹ, ông Tuyên đã thầm lặng xây dựng và đưa nhiều dự án đầu tư và dịch vụ về Việt Nam với ước mơ xây dựng đất nước ngang với Singapore, Hàn Quốc hay Nhật Bản:
“Bây giờ đất nước độc lập, tự do rồi, đã mở cửa kinh tế rồi thì cũng nên mở cửa chính trị để chúng tôi có một tiếng nói, một chiếc ghế để cùng bắt tay đưa dân tộc vào một quỹ đạo mới. Thí dụ như cho chúng tôi có tiếng nói trong Quốc hội, đươc bỏ phiếu, được ghi danh ứng cử…để người dân có thể lựa chọn thêm nhiều đại diện.”
Mỗi người một hoàn cảnh và đều định cư ở nước ngoài đã hàng chục năm nhưng tất cả đều có một điểm chung: ai cũng nặng lòng với quê hương. Với họ, Tổ quốc, nguồn cội có lẽ chính là cái gốc của hòa hợp dân tộc.
“Tôi cũng là người da vàng, máu đỏ, tóc đen, cho dù ở chân trời nào đi chăng nữa thì cũng vẫn là người Việt Nam, trái tim của mình vẫn đặt ở Việt Nam.”
“Cuộc sống của tôi trong quá khứ, trong hiện tại ở nước Mỹ và tương lai nó chỉ là một mà thôi, tôi chỉ mong đất nước tôi giàu có thôi.” (Ông Lập)
“Tôi chỉ mong mỏi một đất nước Việt Nam tốt đẹp, cường thịnh”
“Tinh thần dân tộc lúc nào cũng trên hết. Người Việt Nam lúc nào cũng nghĩ tới Việt Nam. Đó là điều quan trọng nhất. Nếu phải hy sinh cho đất nước Việt Nam thì tôi cũng sẵn sàng”