(VOV5) - Pu Péo là một dân tộc ít người sinh sống ở miền núi tỉnh Hà Giang. Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt nam, người Pu Péo có những nét văn hoá truyền thống, phong tục, tập quán độc đáo, đóng góp nhiều di sản văn hoá quý báu vào kho tàng văn hoá của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam.
Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo
Pu Péo là một trong những cư dân lâu đời nhất sinh sống ở vùng núi cực bắc, tỉnh Hà Giang. Hiện nay, dân tộc Pu Péo với gần 1000 người, tập trung chủ yếu tại xã Phố Là; Thị trấn Phó Bảng, huyện Đồng Văn, ở xã Sủng Tráng và Phú Lũng, huyện Yên Minh và một số ít còn lại sống ở huyện Bắc Mê tỉnh Hà Giang. Người Pu Péo nói giỏi tiếng Hmông, Quan hoả. So với lịch sử phát triển của các dân tộc anh em sinh sống tại vùng núi này, người Pu Péo là một trong những cư dân khai khẩn ruộng nương đầu tiên ở vùng cực bắc. Người Pu Péo chủ yếu sống bằng nghề làm nương và ruộng bậc thang, trồng ngô, lúa, mạch ba góc, đậu... Trong sản xuất, họ dùng công cụ cày, bừa; dùng trâu, bò làm sức kéo. Lương thực chính của đồng bào dân tộc Pu Péo là lúa, gạo, mèn mén (bột ngô xay) đồ chín. Người Pu Péo đến nay vẫn lưu giữ được nghề thêu, khâu vá, làm mây tre đan đồng thời phát triển chăn nuôi trâu, bò dùng làm sức kéo và coi đây là nguồn tài sản lớn và là vốn tích luỹ của đồng bào. Người Pu Péo không sống ở trên núi cao mà quần tụ ở các thung lũng của Cao nguyên đá Đồng Văn, thuận tiện cho việc trồng lúa, ngô, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Người Pu Péo thường dựng nhà dựa lưng vào đồi núi, có mặt tiền hướng về phía Nam và Đông Nam, phía trước nhà nhìn ra ruộng vườn. Nhà ở của người Pu Péo là nhà trình tường, được dựng bằng khung gỗ và tường được làm bằng đất nện, dày khoảng 40-50 cm, mái lợp ngói máng hoặc cỏ gianh dày. đây một kiểu nhà chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Ông Lưu Sần Vạn, Thành viên tổ sưu tầm, nghiên cứu văn hóa các dân tộc tỉnh Hà Giang, cho biết: "Dân tộc Pu Péo có tiếng nói riêng, phong tục tập quán riêng mang nét đặc trưng của dân tộc mình. Dân tộc Pu Péo từ xưa đến nay vẫn duy trì được trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất. Những bài dân ca, các lễ cúng gia tiên, cúng Thần Rừng, lễ ra đồng, cưới hỏi vẫn được người dân Pu Péo lưu giữ".
Phụ nữ Pu Péo luôn tay thêu những sản phẩm truyền thống
Trong quan hệ đời sống cộng đồng, người Pu Péo tồn tại song song hai loại dòng họ. Một loại gọi theo tên bằng chữ Hán, đọc theo cách phiên âm của địa phương như: Họ Củng, Tráng, Phù... được sử dụng chính thức trong các giấy tờ. Một loại họ khác cổ hơn, thể hiện mối dây liên lạc máu mủ giữa các thành viên của dòng họ, mỗi dòng họ như thế thường gồm một cặp như Kacung - Kacăm, Karảm - Kachâm, Karu - Karựa, Ka bu - Ka bởng….Mỗi dòng họ của người Pu Péo có hệ thống tên đệm riêng dùng đặt tên lần lượt cho các thế hệ kế tiếp nhau. Trong hôn nhân, nhà trai cưới vợ cho con, sau lễ cưới con gái về nhà chồng. Con cái lấy họ theo cha và người cha, người chồng là chủ nhà.
Cũng giống như một số dân tộc anh em sống ở vùng núi phía Bắc, nét sinh hoạt văn hóa tâm linh của người Pu Péo gắn với triết lý đa thần của cư dân nông nghiệp. Người Pu Péo thờ: thần suối, thần sông, thần núi, thần rừng, thần cây...Trong đó lễ hội cúng thần rừng là lễ hội chính mang nhiều sắc thái văn hóa riêng của tộc người Pu Péo.
Không mang màu sắc sặc sỡ như một số dân tộc khác, trang phục dân tộc của người Pu Pép rất đơn giản và bình dị. Phụ nữ Pu Péo thường mặc áo dài đen, bên ngoài có yếm, trang trí trên y phục chủ yếu bằng cách ghép các miếng vải màu lại với nhau, tóc vấn được gài bằng chiếc lược gỗ bên ngoài quấn khăn vuông kẻ ô hoặc trang trí hoa văn. Phụ nữ Pu Péo có trang phục váy dài hình ống màu đen có gấu xòe rộng, được trang trí bằng các miếng vải nhiều màu sắc, được chắp ghép tỉ mỉ, khéo léo, tạo nên các họa tiết hình mào gà, hình mặt trời, thể hiện những ý niệm chung về tín ngưỡng của dân tộc. Bà Củng Thị Xuân, dân tộc Pu Péo, cho biết: "Màu chủ đạo của trang phục và hoa văn là màu đỏ, xanh. Màu đỏ tượng trưng cho đàn ông. Tượng trưng cho sự tôn trọng của người phụ nữ Pu Péo dành cho đàn ông, người trụ cột trong gia đình. Màu đỏ lúc nào cũng được ưu tiên và mỗi khi khâu thì bao giờ cũng khâu màu đỏ trước. Màu xanh tượng trưng cho người phụ nữ trong gia đình. Bắt đầu khâu và làm thì mất khoảng 2 tháng sẽ xong một bộ váy áo".
Phụ nữ Pu Péo cũng hay dùng đồ trang sức như vòng tay, vòng cổ, dây chuyền, nhẫn bằng bạc. Các thiếu nữ Pu Péo thường vấn tóc quanh đầu, bên ngoài quấn một vành khăn màu tím. Thiếu phụ thì búi tóc trước trán, có giắt một chiếc lược gỗ bên trên. Cách vấn tóc thành búi ở trán và cài bằng chiếc lược gỗ là một trong những đặc trưng văn hóa riêng biệt của người Pu Péo.
Trong cuộc sống, cộng đồng người Pu Péo sống gần gũi, hoà đồng, tôn trọng, bảo vệ thiên nhiên. Đông bào coi rừng là cuộc sống, nên việc bảo vệ rừng đã trở thành ý thức chung của cộng đồng người Pu Péo, được thể hiện ở từng gia đình, làng làng bản. Mỗi khu rừng thiêng được người dân bảo vệ chăm sóc không những mang lại giá trị vật chất, tinh thần cho cộng đồng làng bản, mà còn góp phần bảo vệ, phát triển môi trường sinh thái chung.