"Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình" - những tiết lộ từ GS Ngô Bảo Châu

(VOV5)- Ngày 02/08/2012, Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam cùng Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace đã phối hợp tổ chức buổi Tọa đàm giới thiệu tác phẩm “Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình” của hai tác giả Ngô Bảo Châu và Nguyễn Phương Văn. Mời quý vị và các bạn chú ý đón nghe phần âm thanh những ý kiến thú vị của các diễn giả cũng như GS Ngô Bảo Châu tại cuộc tọa đàm, sẽ phát trong tạp chí văn nghệ của chương trình phát thanh thứ bảy ngày 04/7.


Các diễn giả tại cuộc tọa đàm

Mở đầu chương trình, ông Roger Eychenne - Tùy viên Hợp tác Đại học, Đại sứ quán Pháp phát biểu chào mừng và giới thiệu về bốn diễn giả: GS. Ngô Bảo Châu, blogger Nguyễn Phương Văn, TSKH. Hà Huy Khoái và nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Tiếp đó, nhà thơ Trần Đăng Khoa một lần nữa khẳng định thành công của cuốn sách. Tuy mới xuất bản được hơn bốn tháng nhưng cuốn sách đã được tái bản tới bốn lần với lượng sách bán ra lên tới hàng vạn bản. Đó là một tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh ảm đạm của văn học Việt Nam hiện nay.

Về GS. Ngô Bảo Châu, nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ lòng ngưỡng mộ từ lâu nay của bản thân ông đối với Giáo sư bởi trước khi Ngô Bảo Châu giành được Giải thưởng Fields danh giá, ông đã biết anh qua các bài báo, qua trang blog cá nhân với biệt danh “Hòa thượng Thích Học Toán”. Theo ông, “Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình” là một cuốn “toán hiệp” dễ đọc, đưa toán học đến gần hơn với mọi đối tượng độc giả. Ai và Ky trong sách cũng có thể được xem như là Nguyễn Phương Văn và Ngô Bảo Châu ngoài đời.

Tiến sĩ Hà Huy Khoái đã có những chia sẻ vô cùng thú vị và hóm hỉnh về cuốn sách. Theo ông, lẽ ra nên mời thêm một diễn giả là một nhà triết học, bởi cuốn sách đan cài nhiều tư tưởng triết học giản dị nhưng sâu sắc. Ông rất tâm đắc phần định nghĩa về “trường” trong sách. Ông cho rằng đó là một định nghĩa vô cùng dễ hiểu và đơn giản so với các định nghĩa trong sách giáo khoa. Theo ông, GS. Ngô Bảo Châu là một người hiểu rất rõ bản chất toán học, nên có cách nhìn thấu đáo và cách diễn giải giản dị, biến những vấn đề hết sức phức tạp của toán học trở nên dễ hiểu hơn. Đọc Ai và Ky, ông như được nhìn lại khu vườn với những loài cây vốn đã rất quen thuộc nhưng ở tầm cao mới, tầm hiểu biết mới. Ông cho rằng sự kết hợp giữa hai tác giả là một sự kết hợp hoàn hảo bởi phải cần một người hiểu rõ toán, yêu thơ văn kết hợp với một người viết mới có thể tạo nên một tác phẩm giàu ý tưởng về toán, mượt mà câu chữ những cũng nhiều triết lý sâu sắc.

Về phần  mình, GS. Ngô Bảo  bày tỏ niềm vui và dành lời cảm ơn cho Trung tâm văn hóa Pháp đã tạo cơ hội để anh chia sẻ về cuốn sách. Anh đã chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm về cả ba diễn giả. Với nhà thơ Trần Đăng Khoa, anh tâm sự khi học lớp 1 ở trường Thực nghiệm, chính thơ của Trần Đăng Khoa đã giúp anh rất nhiều trong việc học đánh vần. Còn với TSKH. Hà Huy Khoái, đây chính là người đã dẫn dắt anh đến với lý thuyết số, một người thầy đáng kính của anh. Với người đồng tác giả, anh khẳng định rằng nếu không có tình bạn giữa anh và Nguyễn Phương Văn, sẽ không bao giờ có cuốn sách này. Đó hoàn toàn là kết quả của tình bạn giữa hai người.

Còn với Nguyễn Phương Văn, anh rất ấn tượng với TSKH. Hà Huy Khoái. Và khi viết về nhân vật Carlorus, hoàng tử của bánh mì và những con số, anh đã liên tưởng  nhiều đến Tiến sĩ.

 Đề cập đến nội dung cuốn sách, TSKH. Hà Huy Khoái cho rằng đây là một cuốn sách uyên bác, dễ gần, dễ đọc nhưng không dễ hiểu, và để hiểu cho đến cùng lại càng khó và đòi hỏi người đọc nỗ lực tìm tòi rất lớn. Theo ông, cuốn sách khá giống con người Ngô Bảo Châu: uyên bác, sâu sắc, giản dị, dễ gần nhưng không dễ hiểu. Cuốn sách đưa người đọc trở lại cái ngây thơ để hiểu toán học.

Đồng ý với nhận định của TSKH. Hà Huy Khoái, nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng chia sẻ đây là cuốn sách dễ đọc nhưng không phải dễ hiểu. Đây chính là điểm tương đồng về ý tưởng sáng tạo trong văn chương đích thực. Những tác phẩm đích thực thường giản dị, dễ tiếp cận nhưng để hiểu cho đến cùng thì không phải ai cũng làm được. Ông mừng vì cuốn sách dễ gần với thiếu nhi.

Trong phần trả lời câu hỏi của độc giả, hai tác giả đã chia sẻ về sự hình thành ý tưởng và quá trình sáng tác. GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ rằng cuốn sách xuất phát từ tình bạn giữa hai người, hai anh đã hợp tác trong một số dự án nhưng đều thất bại và điều đó khiến anh muốn làm gì đó thành công. Cùng thời gian đó, anh có đi giảng bài và nói chuyện ở nhiều trường phổ thông và đã hình dung một số ý tưởng sơ lược về phần khái niệm trường. Ban đầu, anh chỉ định viết một bài báo nhỏ nhưng anh cũng nghĩ đó sẽ là một ý truyện hay. Anh nghĩ cần có một người đối thoại và đã chia sẻ ý tưởng với Nguyễn Phương Văn rồi đề nghị Nguyễn Phương Văn viết, sau đó sẽ tìm sơ hở để bàn bạc tiếp. Anh Nguyễn Phương Văn chia sẻ thêm về phương pháp tác nghiệp. Vì hoàn cảnh một người ở Mỹ, một người ở Việt Nam, nên phần lớn thời gian họ phải trò chuyện qua internet và một số buổi hẹn ở quán cà phê vào dịp anh Ngô Bảo Châu về nước. Có những lần, anh Ngô Bảo Châu phải nêu ý tưởng, vẽ hình rồi scan gửi về cho anh. Thời gian hoàn thành tác phẩm là 8 tháng.

Với câu hỏi đây một cuốn truyện viết về toán, có khi nào hai anh nghĩ đến vấn đề thuần túy nghệ thuật văn chương không, giáo sư Ngô Bảo Châu trả lời rằng vì với cả hai, viết lách chỉ là tay trái nên khi viết, họ hoàn toàn không nghĩ đến vấn đề nghệ thuật văn chương, chỉ suy nghĩ cách hành văn, các nhân vật và giới hạn cho mỗi nhân vật, và cách truyền tải triết lý vào trong đó. Anh Nguyễn Phương Văn thì cho rằng đây mới chỉ là tác phẩm cận văn học chứ chưa phải văn học, nên hai anh mới nghĩ ra tên gọi “toán hiệp” cho cuốn sách này. Góp thêm vào câu trả lời, tiến sĩ Hà Huy Khoái cho rằng thành công về văn học ở cuốn sách này nằm ở cách chọn hình thức truyện cổ tích. Vì chỉ trong truyện cổ tích, những con người sống cách nhau hàng nghìn năm mới có thể cùng tồn tại, cùng nói chuyện được và mới có thể mô tả lại được lịch sử toán học từ thời sơ khởi đến hiện tại.

Một độc giả đặt câu hỏi cho GS. Ngô Bảo Châu về tình trạng hiện nay nhiều học sinh sợ Toán, muốn giáo sư cho các bậc phụ huynh lời khuyên để trẻ con yêu Toán cũng như các môn khoa học hơn. Tác giả Ngô Bảo Châu cho rằng quá trình học phải là quá trình đối thoại, đó không phải là một quá trình phi nhân cách, phi nhân bản. Vì vậy khi học, cần phải có sự yêu thương, kính trọng với người dạy dỗ thì mới có thể khơi gợi được tình yêu với môn học. Anh không muốn cho lời khuyên bởi anh cho rằng chưa chắc mình đã làm tốt trên cương vị người cha, nhưng anh nghĩ dạy con trước hết phải có thời gian cho con, để đối thoại với chúng, chia sẻ với chúng.

Trước câu hỏi của một độc giả trẻ rằng liệu hai tác giả có muốn đưa cuốn sách thành công này thành một tài liệu tham khảo chính thống trong các trường học không, cả hai tác giả đều cho rằng họ muốn cuốn sách đi vào lòng thiếu nhi một cách tự nhiên, chứ không phải một cách gượng ép.

Về những nuối tiếc đối với cuốn sách, Nguyễn Phương Văn chia sẻ anh không có nhiều nuối tiếc vì tham vọng không lớn. Nhưng anh bất ngờ vì đối tượng hướng đến của cuốn sách đa dạng hơn nhiều so với dự định ban đầu của hai tác giả. Còn với giáo sư Ngô Bảo Châu, khi nhìn lại anh thấy hơi tiếc vì đây mới chỉ là một cuốn sách đơn thuần về kiến thức, nếu tập trung thêm vào cảm xúc của nhân vật thì có lẽ sẽ khiến câu chuyện hấp dẫn hơn.

Một độc giả thắc mắc về tên gọi của các nhân vật, có những nhân vật giữ nguyên tên so với nguyên mẫu, nhưng cũng có nhân vật đã bị đổi tên. Về vấn đề này, GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ chuyện chọn tên cho nhân vật rất khó, nhất là nhân vật Elaci. Với hai nhân vật bị đổi tên so với nguyên mẫu, nguyên nhân chủ yếu là do cuộc đời thật của họ, anh muốn nhân vật trong truyện có khoảng cách với nguyên mẫu. Còn với những nhân vật giữ nguyên tên, anh nghĩ rằng với những nhân vật này, mình đã truyền tải được khá trung thành tư tưởng của các nguyên mẫu. Nhiều câu hỏi thú vị về những câu chuyện bên lề cuốn sách cũng đã được các diễn giả giải đáp.

Xúc động và bất ngờ hơn cả là sự xuất hiện của khá nhiều độc giả khiếm thị. Họ đến đây với mong muốn được nghe hai tác giả giới thiệu về cuốn sách, và cũng bày tỏ niềm mong mỏi được tiếp cận trực tiếp với tác phẩm. GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ anh rất xúc động và nghĩ rằng đây có lẽ là lời kêu gọi tới các nhà xuất bản. Đó là một công việc cần có trái tim, khối óc của những người có lương tri. Một độc giả xin phép được giới thiệu cuốn sách tới chị Hướng Dương, một người khiếm thị đang miệt mài chuyển sách viết sang dạng âm thanh để tặng cho người khiếm thị. Kết thúc tọa đàm là phần ký tặng sách của hai tác giả.

Một số hình ảnh từ buổi tọa đàm:


Gần nửa tiếng trước tọa đàm, các hàng ghế ngồi đã gần kín



Ông Roger Eychenne - Tùy viên Hợp tác Đại học, Đại sứ quán Pháp phát biểu


Giáo sư Ngô Bảo Châu


Hết ghế ngồi, nhiều thính giả phải đứng kín hai bên


Nhà thơ Trần Đăng Khoa


GS toán học Hà Huy Khóai


Chen chúc xin chữ ký


Hai tác giả ký sách mỏi tay




Phản hồi

Các tin/bài khác